Nếu có dịp lang thang ở khu phố cổ và để ý thật kỹ những ngõ phố ở đây, hẳn bạn sẽ cảm thấy, Hà Nội sao mà đông đúc đến lạ. Những căn nhà, hàng ăn, quán cóc tíu tít khắp nơi. Mọi thứ có lúc phô bày ở một không gian có mặt đường rộng song đa phần, đều chen nhau, lấp đầy từng ô phố bàn cờ nhỏ xinh.

Hà Nội có rất nhiều con đường, những nẻo đường ngắn dài, rộng hẹp khác nhau song hình như, bao nhiêu con phố ngắn và nhỏ, như dồn hết lại trong lòng phố cổ. Có những phố như Hàng Chai, Đông Thái, Hồ Hoàn Kiếm... chiều dài của chúng "khiêm tốn" tới mức, người đi qua phố chỉ cần lơ đãng một chút, họ đã bước chân sang con phố kế tiếp từ lúc nào không hay.

Phố Hàng Chai vừa ngắn vừa nhỏ, nằm lọt thỏm giữa những kệ hàng hoa
nhiều sắc màu từ phố Hàng Rươi ăn sâu vào.

Phố Hồ Hoàn Kiếm - một trong những con phố ngắn nhất Thủ đô.

Phố Hàng Chĩnh - một con phố ngắn nằm ở sát đầu cầu Chương Dương.

Đi từ đông sang tây phố chỉ ngắn có 136m.

Có những con ngõ không đánh số mà mang tên hay như tên phố. Nào là ngõ Trung Yến, Nội Miếu, Hải Tượng... những cái tên rất dễ nhầm với tên phố ấy đã được đính lên con ngõ ngoằn ngèo, nằm lọt trong lòng phố. Bề ngang của chúng chỉ khoảng 5m, cảm giác như chỉ vừa bước chân của duy nhất một người.

Một vài phố như Cổng Đục, Yên Thái... dẫu mang danh là phố nhưng cũng chật chội, chẳng khác nào những con ngõ nhỏ.

Ngõ Trung Yên vốn đã chật chội thì vào buổi trưa,
nó càng thu hẹp lại vì bị hàng loạt xe cộ bủa vây.

Người dân cũng tận dụng từng tấc đất. Bếp nấu và bàn đựng phở của quán ăn
có cái tên gọi vui tai này được dọn ra ngay bên ngoài cửa sổ.

Ngõ nhỏ nhưng cái tên Trung Yên lại rất nổi tiếng vì có quán bún ngan Nhàn trứ
danh. Dù là hàng ăn vỉa hè theo kiểu "bún mắng, cháo chửi" nhưng vào giờ ăn
trưa, người dân vẫn la liệt xếp hàng để chờ thưởng thức một món ngon.

Ngõ 57 Hàng Bồ nhỏ xíu, chỉ vừa một người đi nhưng hàng quán
vẫn mọc lên khắp nơi.

Có đoạn, con ngõ này chỉ rộng chừng 1-2m.

Ngõ Nội Miếu có đầu vào hình tam giác. Phía bên ngoài rất rộng song càng chui sâu

càng hẹp, phần chính của ngõ chỉ rộng vừa một người đi.

Dù chật chội như thế nhưng bên trong con ngõ này,

vẫn có những quán ăn nằm nép mình chờ khách.

Nếu không để ý, rất có thể bạn sẽ không nhìn thấy phố Yên Thái.

Biển tên phố nằm khá xa lối rẽ.

Và trục đường chính của phố chỉ nhỏ như thế này thôi.

Phố nhỏ như ngõ, ngõ mang tên hay như phố. Mọi thứ trong bất giác như bị lẫn lộn. Người đi chưa quen, hẳn sẽ có lúc ngỡ ngàng, không biết mình đang sải bước trên phố hay đã lơ đễnh, rẽ chân vào những ngõ nhỏ.

Nhưng sự lẫn lộn này có lẽ nếu có, cũng chỉ là trong chốc lát. Đường đi lối lại ở phố cổ, dù nhỏ, dù hẹp đến đâu thì từng con phố, từng ngõ ngách đều có một lịch sử lâu đời với những dấu ấn riêng biệt.

Sự khác biệt ấy không phải do tên gọi hay hình thức bề nổi. Mọi thứ nằm ở chiều sâu thời gian và trong ký ức sâu xa của người dân đất kinh kỳ. Nó giống như việc bạn đi đến phố Ngõ Gạch, chẳng thấy ai bán gạch hay đường ở đó lát gạch... nhưng khi lân la sang Tạ Hiện, con phố có cái tên chẳng liên quan thì lại thấy rõ, đấy là nơi duy nhất lát gạch ở vùng phố cổ. Nhưng người ta vẫn nhớ đến phố Ngõ Gạch, đơn giản vì từng có thời kỳ, nơi đây là nơi buôn bán vôi, gạch nổi tiếng và nhớ đến Tạ Hiện với những cốc bia mát lạnh...

Phố Cổng Đục có vẻ ngoài chỉ nhỏ xinh như thế này thôi, cảm giác như

khi chiếc xe máy kia mà lao vào là sẽ lấp đầy khoảng trống trước mắt.

Bên trong phố nhỏ là những chiếc xe máy để la liệt.

Câu nói Hà Nội đất chật người đông quả không sai chút nào. Ở phố cổ, dù là phố, ngõ hay hẻm nhỏ tới đâu vẫn có hàng quán bày bán la liệt, từ đồ ăn, thức uống cho đến dịch vụ cắt tóc, xăm trổ... Đất ở phố cổ, mỗi tấc quý như vàng. Có chăng vì thế nên ở đây, người ta tận dụng từng chút một. Những con phố, ngõ... vốn là chỗ đi lại, nay lại phải chừa lối để xe cộ, chứa thêm những hàng ăn vỉa hè hoặc một vài kệ hàng kê nới ra sát đường đi.

Vào giờ cao điểm, đường đi vòng vèo ở phố cổ như càng liêu xiêu hơn. Những con phố như phải gồng mình lên, chịu đựng số lượng người, xe khổng lồ. Ngõ, phố nào đã nhỏ, đã ngắn, nay càng ngắn và hẹp hơn.

Những địa chỉ nằm sâu hút trong lòng phố.

Cơ sở chính quyền phường nằm sâu trong ngõ nhỏ.

Ngõ nhỏ Hải Tượng.

Những chợ cóc mọc lên khắp nơi trong những con ngõ nhỏ.

Hàng ăn vỉa hè la liệt.

Cảnh sinh hoạt ngay ngoài ngõ, phố có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi.

Chính vì thế, đi chơi phố cổ, có lẽ đẹp nhất là vào lúc sáng sớm. Khi ấy, đường phố chưa thực sự nhộn nhịp, đông đúc. Đi trên phố, bạn hoàn toàn có thể lái xe thật chậm mà không lo bị ai đó bóp còi inh ỏi, thúc giục phía sau. Vào những lúc như thế, bạn có thể thoải mái đưa mắt ngắm nhìn từng nét mộc mạc trong đời sống của người dân và điểm qua từng tên phố, tên ngõ ở đây.

Những con phố, ngõ nhỏ dù ngắn, dù hẹp đến đâu thì khi ấy, cũng sẽ hiện lên vẹn nguyên với kích thước thực của nó. Đừng vội rời đôi chân, hãy ở lại trong lòng phố, ngắm nhìn nó. Khi đã chán, bạn hãy tìm một quán quen, ăn một tô phở bò, thư thái để cho từng xúc cảm chạy chậm trong tim mình. Hãy mở lòng để biết rằng, giữa những ô phố bàn cờ kia, hương vị cuộc sống Hà Nội luôn hiện lên thật nồng nàn, da diết!

                                                                                                                     Theo Trí thức trẻ