Trước khi ra vùng ven biển, nên tra mức thủy triều

Bà Nguyễn Thanh Bình là dự báo viên thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Tuy nhiên với các học sinh của lớp học địa lý văn hóa Việt Nam, bà được gọi bằng cái tên thân thuộc "bác Bình thời tiết".

"Cô giáo thời tiết" Nguyễn Thanh Bình đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho trẻ để tìm hiểu về địa lý văn hóa Việt Nam, đồng thời trải nghiệm các kỹ năng sinh tồn trong đời thực thông qua kiến thức về địa lý, khí hậu, thời tiết, dự báo thiên tai…

Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi mà "cô giáo thời tiết" nhiều lần tổ chức cho các học sinh của mình tới học tập, trải nghiệm, cũng là nơi vừa xảy ra tai nạn đau lòng.

Bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: "Không phải ai cũng có đủ trải nghiệm để ngăn ngừa những sự cố xảy ra, ngay cả với tôi là một người đã đưa trẻ đi nhiều lần, kinh nghiệm của tôi cũng chỉ là ít ỏi".

Giải thích về tai nạn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, bà Nguyễn Thanh Bình cho biết: "Cồn Lu là một điểm rất hấp dẫn ở rừng ngập mặn Xuân Thủy. Mỗi khi xuống tàu, tôi sẽ rất nhanh dẫn bọn trẻ ra xa chỗ này để sang góc bên kia mò ngao, lội nước. 

Lý do tôi không cho lội nước ở bên này rất đơn giản, góc bờ dốc nhất ở cồn chính là góc tàu chọn đỗ. Hãy nhìn góc mũi tàu, nó đỗ ở vị trí để khi vòng lại cua sát chỗ bờ này.

Đó chính là lạch nước sâu và cũng chính là chỗ khá dốc ở cồn cát. Thứ mà mặt nước đã che đi ta không nhìn thấy được. Bản thân cát có kết cấu rất lỏng lẻo, càng dốc thì càng nguy hiểm.

Vùng cửa sông Hồng, nước triều lên xuống rất nhanh. Cả một khối nước khổng lồ nên sự dịch chuyển của nó rất lớn. Nó dễ làm các bờ cát bị sụt và tạo thành các xoáy nước. Những quan sát đó tuy rất bình thường nhưng Google không chỉ ngay cho bạn. Đó là sự trải nghiệm. Thiếu nó đôi khi trả giá rất đắt", bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Cô giáo thời tiết nêu nguyên tắc an toàn dã ngoại sau vụ tai nạn bắt ngao-1
Học sinh đi học tập trải nghiệm tại Hòn Dấu, Hải Phòng do "cô giáo thời tiết" Nguyễn Thanh Bình tổ chức (Ảnh: Hoàng Hồng).

"Cô giáo thời tiết" cũng cho biết thêm: "Trước khi ra vùng ven biển, nên tra mức thủy triều để nắm được biến động của nước khi mình đến. Có những lúc đi sát mép nước nhưng có những lúc phải vòng ra xa hơn. Tất cả chỉ là để giảm bớt rủi ro. Còn ngay cả có kinh nghiệm tới bao nhiêu, rủi ro không ai nói trước được".

Không kỷ luật tốt thì không đi chơi

Một trong những nguyên tắc mà "bác Bình thời tiết" luôn quán triệt với các lớp học địa lý văn hóa của mình là: "Không kỷ luật tốt thì không đi chơi". Và nguyên tắc thứ hai nên áp dụng với mọi đoàn là người dẫn đoàn phải có kinh nghiệm.

"Không có ý thức tuân thủ hướng dẫn thì rủi ro càng tăng cao. Chắc chắn là như thế. Đoàn đông người, yếu tố kỷ luật là quan trọng nhất.

Tất cả các thành viên trong đoàn cần có sự chuẩn bị kỹ càng và tuân theo hướng dẫn của người dẫn đoàn, không nên tự ý làm lệch ra khỏi lịch trình hay những yêu cầu chung.

Người dẫn đoàn nên là người có kinh nghiệm. Nhưng ngay cả khi có kinh nghiệm, không ai có thể am hiểu tất cả các vùng miền. Do đó, đoàn nên liên hệ với người dân địa phương trước mỗi hành trình bởi hơn ai hết, họ hiểu hơn chúng ta và có kinh nghiệm hơn chúng ta với các hình thức thiên tai tại nơi họ sống.

Tôi luôn làm như vậy trước mỗi chuyến đi, kể cả những nơi tôi đã đến vài lần. 

Mùa hè cũng là mùa mưa lũ cực kỳ nguy hiểm. Không chỉ ở biển, đi rừng cũng có nhiều nguy cơ. Một trong những nơi hấp dẫn nhất là suối thì vẫn dễ xảy ra lũ quét ngay cả khi trời đang nắng. Do đó cần tìm hiểu trước về điều kiện thời tiết, thiên tai nơi mình sẽ đến. 

Đừng chủ quan với những nơi ta đã đến vài lần vì một vài lần đó chưa đủ để có nhiều kinh nghiệm. Nên thuê một tổ chức dẫn đoàn chuyên nghiệp hoặc liên hệ với người có kinh nghiệm ở địa phương", bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Bà Bình cũng đưa ra khuyến cáo: "Mùa nghỉ hè đã đến, phụ huynh học sinh tổ chức cho các con đi chơi rất nhiều. Mong mọi người hiểu rằng cần rất thận trọng. Đoàn càng đông càng phức tạp và càng phải thận trọng, kỹ càng trong việc chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất có thể".

Theo Dân Trí