Học sinh ngu ngơ
Ngày 17/1, một bài viết có tiêu đề “Cô giáo Giang Tô qua đời trong giờ kiểm tra, học sinh Trung học vẫn bình thản làm bài – những cỗ máy làm bài thi vô tri được tạo ra bằng cách nào?” được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Wechat.
Bài viết này cho rằng, những học sinh Trung học cơ sở nhìn thấy giáo viên đang kêu rên trong giây phút giằng co giữa sự sống và cái chết, chúng vẫn bình thản làm xong bài thi.
“Những học sinh này làm bài thi quá chăm chỉ, nhập tâm hay chúng chỉ là những cỗ máy vô tri, trước tất cả những gì đang xảy ra trước mắt, chúng không nhìn thấy bất cứ nguy cơ nào”, bài viết thể hiện sự bức xúc của tác giả.
Bài viết lan truyền với tốc độ nhanh trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý, quan tâm cao độ của xã hội, buộc người ta phải đặt câu hỏi về sự thành công – thất bại trong phương thức giáo dục của Trung Quốc hiện nay.
Nhà trường biện hộ
Ngày 17/1, phóng viên trang Thepaper đã liên hệ với hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tế Châu, Thái Hưng – ngôi trường xảy ra sự vụ nói trên. Theo thầy hiệu trưởng Dương Huy, sự việc không hoàn toàn giống như những gì đang tràn lan trên mạng.
“Trên thực tế, khi phát hiện cô giáo có biểu hiện bị bệnh, các em học sinh đã ngay lập tức gọi giáo viên ở lớp bên cạnh”, ông Dương cho hay. Rất nhanh sau đó, ông cũng có mặt tại phòng học.
Ảnh cô Ngô chụp khi còn sống.
Những con gà công nghiệp trong xã hội hiện đại?
Tuy nhiên, bài viết trên mạng xã hội thì chỉ đích xác rằng, ngày 14/1, cô Ngô, 36 tuổi đột tử trong lúc đang coi thi. Đến khi các em học sinh nộp bài và ra về, mới có người phát hiện ra cô đã tử vong.
Bài viết này thậm chí còn trích dẫn đoạn status do một phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội, sau khi được con gái thông báo việc cô giáo đột tử nhưng không chút cảm xúc.
Trong khi đó, vị phụ huynh này còn không quên khen con mình biết yêu thương, giúp đỡ người khác, một con gián chết cũng thấy buồn, từ khi học mẫu giáo đã biết giúp đỡ bạn bè xung quanh.
Vậy mà khi sự việc đau lòng xảy ra với cô giáo Ngô, cô bé lại chẳng có bất cứ hành động nào trong tình huống nguy cấp.
Bài viết trên mạng xã hội cũng chỉ rõ: “Khi hỏi kỹ các em học sinh về toàn bộ quá trình làm bài thi, có thể thấy rằng từ lúc cô Ngô đổ bệnh đến lúc chết, vẫn có một khoảng thời gian có thể cấp cứu.
Các em học sinh thậm chí còn thậm thụt rỉ tai nhau nhưng phần lớn đều cho rằng cô giáo đang ngủ. Khi cô giáo kêu rên rất lớn, đủ để khiến các em sợ, thì chúng lại cho rằng cô đang ngáy. Sự thiếu hiểu biết cơ bản này thực sự đáng sợ.
Vài chục học sinh không một em nào biết chạy đi gọi thầy cô giáo khác đến xem tình hình ra sao, vẫn chăm chỉ làm bài thi. Cho đến khi nộp bài, thấy cô giáo không phản ứng gì, các em đã chủ động nộp bài và ra khỏi phòng.
Tôi đã hỏi vài em học sinh và được biết, khi chúng nộp bài có nhìn thấy mắt cô giáo trợn trừng, miệng sùi bọt trắng nhưng vẫn không một em nào cảm thấy bất thường! Thời điểm vàng để cứu sống cô Ngô đã bị bỏ phí, tiếc thay cho cô giáo tuổi đời còn rất trẻ”.
Một phụ huynh học sinh cũng bày tỏ sự lo lắng sau sự cố đáng tiếc này.
“Thể chế giáo dục ngày nay thực sự đáng lo ngại, cần phải sớm tỉnh ngộ. Các em học sinh hiện đang chỉ biết quan tâm đến điểm số và chúng được dạy để trở thành những đứa trẻ ngô nghê trong cuộc sống”.
Dù vậy, thầy hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tế Châu cho rằng, ông “không hiểu dụng ý của người đăng tải bài viết về cái chết của cô Ngô trên mạng xã hội nhưng những đứa trẻ là vô tội. Các em thực sự không biết khi đó đang xảy ra chuyện gì”.
Trường Trung học cơ sở Tế Châu, thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô và lớp học xảy ra sự việc đáng tiếc của cô Ngô.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở giáo dục thành phố Thái Hưng Tiêu Xuân Hoa cũng cho rằng, do cô Ngô qua đời vào giờ làm bài thi nên các em học sinh mới không chú ý.
“Nếu sự việc trên xảy ra vào một giờ học bình thường, chắc chắc có thể khẳng định rằng các em học sinh đã quá vô tâm, điều này là không thể tha thứ, chấp nhận được và nó thể hiện sự thất bại của nền giáo dục.
Tuy nhiên, cô Ngô gặp sự cố giữa lúc các em đang tập trung làm bài, hơn nữa cô lại ngồi phía sau nên học sinh mới không phát hiện ra. Là một cơ quan giáo dục, chúng tô có thể hiểu điều này”, ông Tiêu nói.
Còn về phía người nhà nạn nhân, chồng cô Ngô là anh Châu cho biết, nếu như vào thời điểm ngã bệnh, vợ anh được người lớn phát hiện kịp thời, rất có thể bi kịch đau thương sẽ không xảy ra.
Bản thân anh cũng cho rằng, học sinh trong trường đang thiếu kiến thức cơ bản trong cuộc sống, vì thể khi gặp phải tình huống như đã xảy ra với cô Ngô, các em hoàn toàn không nhận thức được mức độ nguy hiểm và càng không biết cách xử lý như thế nào cho phải.
Theo Thế giới trẻ