Vế sau câu nói nổi tiếng của Ngọc Trinh là hoàn toàn có thật
Về thăm làng Thống Nhất (khu 8, thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đúng vào ngày mưa se lạnh, đang lúc đói bụng, bà Khổng Thị Biện (một người dân sống tại đây, năm nay đã gần 80 tuổi) lập tức mang món "đặc sản" ra mời tôi lót dạ. Lạ kỳ thay, thứ mà bà hớn hở mời khách lại chính là... một vốc tay đầy đất.
Chưa từng nghe ai nói đến chuyện "không tiền cạp đất mà ăn" nhưng bà Biện lại nhớ rất rõ những năm tháng đói khổ, phải sống nhờ chính vào những vốc đất đang cầm trên tay. "Từ bé tôi đã được ông, bà rồi bố, mẹ làm đất cho ăn. Đến đời tôi, con và cháu tôi bây giờ vẫn còn ăn đất, tính ra cũng đã hơn trăm năm nay rồi".
Bà Biện năm nay đã gần 80 tuổi, răng rụng gần hết nhưng vẫn rất thích ăn... đất.
Thấy khách tỏ ra ngần ngại, bà Biện tươi cười giới thiệu "nhìn vậy mà ăn bùi, thơm và rất ngon đấy. Bao nhiêu thế hệ ở làng này đều ăn mà có ai bị làm sao đâu".
Theo lời bà, những năm chiến tranh đói khổ, dân làng Thống Nhất thi nhau đi đào đất để ăn lót dạ. Họ còn coi việc làm ra những chiếc "bánh đất" này là một nghề mưu sinh. "Cả làng rủ nhau xây lò đốt đất. Cứ sáng ra là các bà, các mẹ bọc đất, gói thành những chiếc bánh nhỏ trong tàu lá chuối khô rồi gánh đi bán dạo khắp vùng Lập Thạch", ông Khổng Văn Loa (chồng bà Biện) chia sẻ.
Ông Loa nhớ lại những tháng ngày đói khổ, dựa vào đất mà sống.
Ông kể, trước đây, món ăn này rất được ưa chuộng. Cứ bán hết khoảng yến đất nung là kiếm được 20.000 đồng. Mỗi ngày, gia đình ông bà bán hết cả tạ đất. Số tiền kiếm được đủ để mua cả yến gạo nhưng ngày ấy đói kém, không có gạo mà đong. Tiền bán đất toàn để giành mua khoai, mua sắn ăn chống đói.
Hố sâu người dân đào lấy đất ngói non nay đã được lấp dần nhưng vẫn còn để lại một vài dấu vết.
Gia đình anh Lai tích đất ngói non vào những chiếc tải, vứt ở một góc nhà để... ăn dần.
Ông Loa năm nay đã 83 tuổi nhưng cũng không nhớ ai là người đã bày ra cách ăn đất. Ông chỉ nhớ, cả đời ông gắn bó với cái nghề làm "bánh đất". "Ngày xưa bố tôi hay thèm ăn đất. Bố thường kêu mẹ ra chợ mua về, rồi còn nói là nếu được ăn một vốc đất, uống một ít nước chè thì có thể cuốc đất, vỡ hoang cả ngày. Đến đời tôi bây giờ, mấy năm nay dẫu bị móm nhưng cứ ngửi thấy mùi là lại nhớ, nhất định phải đưa lên miệng nhấm nháp cho đỡ thèm".
Anh Việt, Trưởng thôn Thống Nhất (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Trưởng thôn Thống Nhất, anh Dương Văn Việt chia sẻ, chính anh cũng không nhớ rõ tục ăn đất có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi còn nhỏ đã thấy người dân trong làng đi đào đất về làm thành món quà quê, được những người phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ yêu thích.
"Tôi còn nhớ những quả đồi xung quanh đây bị đào đến rỗng ruột, tạo thành những đường hầm, hố sâu mà ban đêm đi lại không cẩn thận có thể bị ngã xuống, không lên được".
Tuy nhiên, anh Việt cũng cho hay, tục ăn đất hiện nay đang dần bị mai một. Hiện nay chỉ còn gia đình bà Biện giữ nghề làm đất vì số lượng người yêu thích món ăn này gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Món ăn trong lòng đất được "nấu chín" bằng khói rơm
Chuyện đào đất lên ăn nghe thì rất lạ nhưng tất cả người dân ở thôn Thống Nhất này thì không ai xem đó là điều đặc biệt. Thứ đất này không phải dạng thường. Nó là đất sét cao lanh, người dân quen gọi là đất ngói non. Đặc điểm của nó là giòn, có màu trắng ngà, chịu được nhiệt độ cao.
Những viên đất sau khi đào lên được đem phơi khô.
Đây là loại đất sét cao lanh, người dân quen gọi là đất ngói non - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
Khi muốn ăn, người dân đem đất đã phơi khô ra bào hết phần bên ngoài...
...Và chặt thành miếng vừa ăn.
Theo lời anh Khổng Văn Lai (một người dân trong làng), muốn tìm được đất ngói non phải đào sâu 6-7m. "Tuy nhiên, quanh đây giờ chỉ còn lại 1-2 quả đồi có loại đất này".
Sau khi đào được đất, người dân sẽ đem về phơi khô, tích trữ trong nhà. Khi nào muốn ăn, họ mang đất ra bào hết phần bên ngoài, chỉ giữ lại phần nhân trắng ngà bên trong và chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Sau đó họ nhóm bếp... - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
Rồi hong đất trên khói rơm nếp trong vòng 5-10 phút - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
... cho đến khi miếng đất màu ngà vàng, hơi rắn chắc và giòn - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
Thành phẩm là những viên đất vàng ươm.
Những miếng đất này sẽ được làm chín bằng cách đem nung, tạo ra thành phẩm gọi là đất ngói nung. Thực chất, công đoạn này chính là hong đất trên khói lửa của rơm nếp hoặc lá sim, lá ổi. "Đất này ăn sống cũng được nhưng mình đem nung chủ yếu để hun khói, giúp đất có mùi thơm, nóng, giòn vừa đủ", chị Khổng Thị Khuyên (cháu nội bà Biện) chia sẻ.
Miếng đất sau khi đã trải qua đủ mọi công đoạn chế biến sẽ chuyển màu ngà vàng, hơi rắn chắc và rất giòn. Chúng có mùi khói, vừa thơm, vừa hắc và khi ăn có một chút vị bùi, mặn. Người không quen sẽ rất khó nuốt, thậm chí có khi còn nhổ ra nhưng những ai ăn quen thì lại cảm thấy nghiện, "quen mùi nhớ miếng".
Từ trẻ em tới người già đều có thể ăn được - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
Ăn đất được xem như một nét văn hóa của người dân nơi đây - (Ảnh: Kiên Nguyễn)
Theo lời anh Việt, mấy năm nay, tục ăn đất tuy không còn phổ biến như trước nữa nhưng vẫn được xem là nét văn hóa truyền thống của làng Thống Nhất. "Thỉnh thoảng vẫn có nhiều đoàn khách ghé đến đây tìm hiểu về phong tục này. Họ cũng đến tận nhà bà Biện để hỏi mua với số lượng lớn, đem về làm quà".
Theo Kênh 14/ trí thức trẻ