Cô Karishma (sống ở thành phố Greater Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) bị nhà chồng căm ghét, bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài vì họ cho rằng cô có quá ít của hồi môn

Deepak, anh trai cô, nói với cảnh sát rằng vào ngày 29/3, Karishma đã gọi điện cho gia đình để nhờ giúp đỡ.

Trong cuộc điện thoại cầu cứu này, Karishma tiết lộ cô bị chồng là Vikas và bố mẹ, anh chị em của anh ta đánh đập. Khi gia đình Karishma đến nơi thì cô đã không còn dấu hiệu của sự sống.

Sau khi kết hôn vào năm 2022, Karishma sống ở Greater Noida cùng gia đình Vikas. Anh trai cô cho biết, trong đám cưới, gia đình đã trao cho nhà trai số vàng hồi môn trị giá 1,1 triệu rupee (khoảng 329 triệu đồng) và một chiếc ô tô SUV.

Tuy nhiên sau đó, gia đình Vikas tiếp tục đòi nhiều của hồi môn hơn, khiến Karishma bị hành hạ về thể xác cũng như tinh thần trong nhiều năm.

Có ít của hồi môn, cô gái bị gia đình chồng hành hạ đến chết-1
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị nhà chồng ghét bỏ vì ít của hồi môn. 

Anh Deepak cho biết, sau khi Karishma sinh con gái, sự bạo hành của nhà chồng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua nhiều cuộc họp với ủy ban ở làng, nhà gái hy vọng Vikas và gia đình anh ta cải thiện cách đối xử với Karishma.

Nhà gái cũng tặng thêm cho Vikas 1 triệu rupee (khoảng 299 triệu đồng). Tuy nhiên, hành vi ngược đãi vẫn không dừng lại.

Mới đây, gia đình Vikas yêu cầu người thân của Karishma đưa thêm 2,1 triệu rupee (gần 629 triệu đồng) và một ô tô Toyota Fortuner nhưng nhà gái không đồng ý. Vì vậy mà Karishma bị nhà chồng hành hạ đến chết.

Hiện tại, Vikas, cha, mẹ, hai anh trai và một em gái của anh ta đang bị cảnh sát Ấn Độ điều tra vì tình nghi giết người. Vikas và cha anh ta bị bắt, các thành viên khác trong gia đình vẫn tạm thời được tại ngoại.

Tình trạng phụ nữ bị chồng, gia đình chồng bạo hành do của hồi môn và một số nguyên nhân khác khá phổ biến ở Ấn Độ, nhưng họ khó thoát khỏi tình trạng này bằng việc bỏ chồng.

Luật gia đình Ấn Độ cực lực phản đối việc ly hôn. Chỉ một số ít trường hợp được phép ly hôn, bao gồm lạm dụng, bệnh không thể chữa khỏi và sự xa cách vĩnh viễn do gia nhập một tôn giáo khác.

Nhiều người nộp đơn xin ly hôn với lý do "lạm dụng, bạo hành tinh thần", tuy nhiên định nghĩa về lạm dụng, bạo hành tinh thần rất mơ hồ nên quyền quyết định thuộc về thẩm phán, và thực tế rất hiếm thẩm phán đưa ra phán quyết ly hôn.

Theo số liệu khảo sát năm 2023, tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ thấp nhất thế giới, chỉ 1%.

Theo VTC