Lê Bình hiền lành, chất phác; Lê Bình chuyên đóng vai phụ, ít đất diễn, một màu là những hình ảnh rất quen thuộc của nghệ sĩ Lê Bình với khán giả. Song với chí tiến thủ, sự bền gan, đồng nghiệp, khán giả ruột từng biết về một Lê Bình rất khác, đã một thời gian dài là trụ cột ở Kịch 5B.
Người trụ lại Kịch 5B đến phút cuối cùng
Nghệ sĩ Lê Bình xuất thân là một người vẽ tranh tuyên truyền cổ động và tham gia phong trào sân khấu quần chúng. Vậy nhưng vào những năm đầu thành lập Sân khấu nhỏ Kịch 5B Võ Văn Tần lừng lẫy TP một thời, những năm cuối thập niên 1980, Lê Bình đã là một trong những nghệ sĩ có mặt từ đầu. Từ năm 1988, Kịch 5B đã dựng kịch bản Sân ga tình người của Lê Bình với những diễn viên trẻ đóng vai đám trẻ bụi đời như Thành Lộc, Ái Như, Minh Nhí… Từ đó, Lê Bình vẫn mãi trụ lại Kịch 5B bất kể bao người đi, người đến.
Thời Kịch 5B mới khởi nghiệp còn khó khăn, Lê Bình với tay nghề “thợ vẽ” của mình đã góp phần vẽ cho Kịch 5B hầu hết các panô quảng cáo sân khấu, quảng cáo vở diễn, kể cả cái logo đầu tiên của Kịch 5B. Thời Kịch 5B hưng thịnh, “cháy” vé, nhân tài đông đảo, song kỹ thuật in vẫn chưa có, Lê Bình vẫn trụ lại 5B với vài kịch bản, vài vai phụ và miệt mài với việc vẽ panô quảng cáo cho Kịch 5B. Sân khấu không nhiều vai, anh làm văn nghệ quần chúng, đóng phim cổ tích, phim truyền hình, phim điện ảnh.
Từ phim ảnh, Lê Bình gây ấn tượng cho khán giả với những vai nông dân, người lao động nghèo hiền lành, vai ông bụt trong các phim Cổ tích Việt Nam và hàng loạt phim truyền hình, phim điện ảnh. Đến nay, gia tài phim ảnh của Lê Bình khá đồ sộ với hàng loạt phim như Đất phương Nam, Người đẹp Tây đô, Blouse trắng, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa, Thám tử tư, Vịt kêu đồng, Cô gái xấu xí, Mùa len trâu, Nụ hôn thần chết, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…
Đi phim nhiều, được biết đến qua phim nhiều, sân khấu khó khăn chồng khó khăn nhưng với Lê Bình, sân khấu vẫn là mái nhà chính của anh. Đi đâu thì đi, vài ngày vẫn thấy Lê Bình có mặt ở Hội Sân khấu TP.HCM, Kịch 5B để nói chuyện sân khấu với đồng nghiệp, để khoe kịch bản mới đang viết.
Hình ảnh một nghệ sĩ Lê Bình tài tình biến hóa qua đa dạng vai diễn in đậm trong lòng người hâm mộ. Ảnh: Facebook nghệ sĩ Lê Bình
Kép chánh kịch ăn khách ở Kịch 5B
Với sự bền bỉ và tình yêu sân khấu sâu nặng của mình, có lẽ chính Lê Bình cũng không ngờ rằng cuộc đời chuyên đóng vai phụ của ông có ngày sẽ trở thành kép chánh trên sân khấu Kịch 5B. Những năm 2000, khi Kịch 5B liên tục khủng hoảng, nghệ sĩ tên tuổi lần lượt ra đi, sân khấu ngày càng vắng khách thì Tết 2007, Kịch 5B có được vở diễn ăn khách Kính thưa ôsin do đạo diễn Nguyễn Lâm dàn dựng, nghệ sĩ Lê Bình vào vai nam chính.
Với kinh nghiệm diễn xuất gạo cội và số tuổi phù hợp, Lê Bình diễn rất ngọt vai một ông chủ nhà đạo mạo, trải đời, vị tha, yêu quý người giúp việc và muộn phiền trước sự toan tính của cháu con. Vai diễn này của anh đem lại không ít tiếng cười lẫn sự ngậm ngùi nơi khán giả. Vở diễn ăn khách, diễn suốt hơn 10 năm liền, các vai nữ ôsin lần lượt thay hết diễn viên này đến diễn viên khác, Lê Bình vẫn trụ cột cho vở diễn với vai nam chính.
Sự ăn khách của vở kịch này dẫn đến sự ra đời của bộ phim truyền hình Kính thưa ôsin vào năm 2009 do đạo diễn Trần Cảnh Đôn thực hiện; vai của nghệ sĩ Lê Bình ở kịch do nghệ sĩ Hoài Linh đảm nhận trên phim. Chưa kể năm 2008, kịch bản Kính thưa ôsin 2 đã được Sân khấu kịch Gia Định cho ra đời.
Từ Kính thưa ôsin, Lê Bình liên tục trở thành kép chánh của Kịch 5B ở nhiều vở diễn như Nhà trọ tình yêu, Tình sân chung, Hoa biển, Mẹ ơi, Quan nhất thời dân vạn đại… với nhiều loại vai tính cách đa dạng. Trong đó, vai người đàn ông ở xóm mả trong vở kịch Mẹ ơi của Hạnh Thúy đạo diễn, Lê Bình đã có sự lột xác dữ dội. Không còn một chút nào bóng dáng những nhân vật hiền lành, chất phác, cam chịu, Lê Bình dữ dội, đầy chất giang hồ khi cầm cây rựa đòi đâm chém kẻ xấu theo kiểu nghĩa khí trượng phu để bảo vệ tình yêu, sau đó gục xuống vì sự bất lực của người đàn ông trước sự từ chối của người đàn bà mình yêu.
Vai diễn này đã khiến nhiều PV sân khấu bình chọn cho Lê Bình giải Cù nèo vàng năm 2012. Chỉ tiếc rằng sự bầu chọn này đã không đi đến đích. Song đồng nghiệp và không ít khán giả nhớ mãi đến một Lê Bình kép chánh, luôn âm thầm, bền bỉ vượt qua khó khăn của bản thân mình để tiến về phía trước một cách cần mẫn nhất, lương thiện nhất.
Cận kề cửa tử vẫn lo cho người khác
Khi phát bệnh ung thư, Lê Bình đã nhận được rất nhiều tình yêu thương, quan tâm của đồng nghiệp, khán giả. Đó có lẽ là quả ngọt cuộc đời dành trả cho Lê Bình bởi cả đời ông đã cố gắng sống lương thiện, nghĩa tình, dù đời riêng nhiều buồn lo, bất hạnh.
Tính tình vốn luôn sợ làm phiền người khác, Lê Bình đã giấu chuyện phát hiện ra bệnh ung thư của mình hơn một năm trước. Khi khán giả, đồng nghiệp biết chuyện, ông đã từ chối nhận quyên góp và nói mình có thể tự lo được dẫu tiền để dành chỉ được hơn 50 triệu đồng. Với sự bức bách của bệnh tật, sự động viên của đồng nghiệp, khán giả, Lê Bình đã tiếp nhận tiền quyên góp nhưng để lại di nguyện trước khi qua đời: Khi ông chết, số tiền dư sẽ được chuyển cho Hội Nghệ sĩ để lo cho những nghệ sĩ nghèo, bệnh tật khác.
Nghệ sĩ Lê Bình mất lúc 7 giờ 19 phút ngày 1-5. Tang lễ nghệ sĩ được cử hành tại Nhà tang lễ số 3 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 1-5. Lễ viếng bắt đầu từ 16 giờ ngày 1-5. Lễ di quan lúc 7 giờ thứ Bảy (4-5), sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Theo Pháp luật TP.HCM