Sau thành công của hai chương trình Rap Việt và King of Rap, một phiên bản trẻ em mang tên Rap Kids được gấp rút tiến hành. Hiện tại, Rap Kids trong quá trình sản xuất khi tổ chức casting những thí sinh nằm trong độ tuổi 5-15.
Hôm 12/11, một phần của video vòng loại giữa các em nhỏ, trong đó có một rapper nhí chọn chủ đề nhạy cảm cùng ngôn ngữ không phù hợp lứa tuổi, làm thổi bùng lên tranh cãi về cuộc thi. Thay vì đưa ra một lời giải thích hợp lý, ban tổ chức lại sử dụng ngôn từ “chợ búa”, sai chính tả và ngây ngô để phản biện luồng dư luận trái chiều.
Từ trước tới nay, Việt Nam chưa có sân chơi mang tầm cỡ quốc gia nào dành riêng cho thiếu nhi đam mê rap. Cùng sự lan tỏa của hip hop, rap và văn hóa underground tới mọi đối tượng, đây có lẽ không đơn giản là chuyện nên hay không nên tiếp tục một chương trình gây tranh cãi.
Văn hóa nhạc rap
Là thể loại giao thoa giữa nói và hát, rap được hiểu là việc đọc và nói câu từ có giai điệu. Rap bao gồm nội dung (content) là những thứ sẽ được nói ra, nhịp điệu (flow) và sự truyền tải (delivery). Những rapper lành nghề cần nhiều năm để xây dựng cho mình một “flow” trôi chảy, cùng phong cách riêng không trộn lẫn.
Khởi đầu từ những khu ghetto của cộng đồng người Mỹ da màu tại New York (Mỹ), nhạc rap được biết đến rộng rãi vào thập niên 1970 với track Rapper's Delight của Sugar Hill Gang. Từ đó, nước Mỹ chứng kiến nhạc rap chuyển dịch về hướng tăm tối và bạo lực hơn, cùng sự ra đời của khái niệm “gangsta rap”.
Phản ánh chính cuộc sống mà những người Mỹ da đen trải qua hàng ngày, nhiều tác phẩm là tiếng nói bất bình trước tệ nạn xã hội, sự bất bình đẳng, hố sâu giàu nghèo….
Rap là thể loại nhạc có lịch sử phức tạp, gắn liền với người da màu khi ra đời.
Khoảng thời gian 10 năm cho đến đầu những năm 1990 được coi là kỷ nguyên mới của nhạc rap với số lượng nghệ sĩ bùng nổ, làm thay đổi bộ mặt của thế giới âm nhạc đương đại. Tiến bộ của truyền thông và kỹ thuật âm thanh trong những năm qua càng giúp nhạc rap “thời đến cản không kịp”. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Jay-Z, Nas, Snoop Dogg hay Eminem, hàng loạt rapper trẻ xuất hiện và đem tới sự đổi mới không ngừng cho thể loại.
Với lịch sử phát triển cả nửa thế kỷ, nhạc rap mang trong mình sức sống cuộn chảy từ các thế hệ người Mỹ da màu. Trên cơ sở đó, rap Việt là sự hòa trộn khéo léo giữa màu sắc văn hóa cách đây nửa vòng trái đất với những nét đời thường của cuộc sống Á Đông.
Khi nào trẻ em có thể rap?
Ở nhiều trường hợp, trẻ em hoàn toàn có thể rap. Ở nước ngoài, phụ huynh được khuyến khích trao đổi với con cái về các vấn nạn xã hội, những bất cập mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.
Đối với người da trắng, việc bị cảnh sát bắt bớ không lý do là điều gì đó xa lạ. Rap kéo họ nhìn vào thực trạng cuộc sống của người da màu, với lịch sử bóc lột và kỳ thị từ thời nô lệ. Người thuộc giới trung lưu có thể chưa bao giờ hiểu khó khăn của thế giới người nghèo. Cũng chính rap đã đưa cho họ lăng kính để soi chiếu vào những khía cạnh mà bình thường không thể nhìn thấy vì ưu thế quá rõ ràng.
Còn đó những câu chuyện băng đảng, nghiện ngập và đủ thứ tệ nạn tăm tối. Trẻ em có thể chưa hiểu hết tất cả sự thật trần trụi đằng sau bài hát bắt tai chúng nghe trên sóng radio, nhưng có quyền thắc mắc, và phụ huynh có trách nhiệm để thảo luận về điều đó.
Năm 2019, Christina Gabbitas từng tổ chức một cuộc thi rap tại Anh, với chủ đề là bài thơ của chị mang đề tài bảo vệ môi trường.
Talking to Myself là tiếng lòng của Eminem về hành trình vượt qua cám dỗ của chứng nghiện ngập để trở thành rapper mà anh mong muốn. Rap cũng là thể loại ca ngợi tự do, dám sống thật và sống khác biệt. Jay-Z dạy người nghe rằng: “Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ không cố gắng đủ”.
Theo đuổi giấc mơ là chủ đề phổ biến trong các bài rap, lý giải cho cảm giác hưng phấn mà thính giả thưởng thức. Đằng sau sự gai góc của lời bài hát có thể là thông điệp đẹp đẽ về bình đẳng, tự tin vào bản thân hay nỗ lực cố gắng cải thiện cuộc sống.
Cuối cùng, cũng chính trẻ em có khả năng phân biệt giữa tốt và xấu. Điều quan trọng là cha mẹ dạy con nghe và hát “thế nào”, sau đó mới tới nghe hát “cái gì”.
Mặc dù phần lớn ngôn từ các bài hát thường liên quan đến vấn nạn xã hội, bạo lực, tình dục... vẫn có những ca khúc “sạch” được viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Cũng giống như mọi sản phẩm phục vụ cho trẻ em, rap nhí cần được kiểm soát về ngôn ngữ và ý tưởng. Các chủ đề mà các em có thể rap không dừng lại ở cuộc sống hàng ngày. Những lời rap có thể là thông điệp tích cực, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên... mang tính lan tỏa.
Năm 2019, nữ nhà văn Christina Gabbitas đã tổ chức cuộc thi rap toàn nước Anh cho học sinh tiểu học. Chủ đề cuộc thi là rap lại bài thơ của chị về bảo vệ môi trường.
Hay Ludacris - rapper nổi tiếng và là ông bố của ba đứa trẻ - mới quyết định thành lập một nền tảng dạy rap cho trẻ em mang tên KidNation hồi tháng 7. Anh hy vọng sử dụng sự nghiệp âm nhạc của mình để khuyến khích trẻ em trưởng thành tốt hơn.
Bất cập khi cho trẻ dưới 15 tuổi thi rap
Quay trở lại chuyện dạy trẻ em rap (bởi nếu không, Rap Kids chẳng lẽ sẽ để trẻ em bắn rap với lyrics do người lớn viết sẵn?, không đơn giản là cho các em nghe nhạc, rồi tự nhiên em bé nào cũng viết được lyrics cho rap.
Tại Mỹ, có những người được đào tạo chuyên nghiệp để dạy trẻ em về hip hop nói chung và rap nói riêng. Một trong số đó là Ike Ramos đến từ trung tâm giáo dục Flocabulary. Anh đã có nhiều năm viết lời cho các bài rap, cũng như hướng dẫn trẻ em tiếp cận thể loại hip hop một cách lành mạnh.
Ike Ramos là một rapper dành nhiều tâm huyết trong việc giúp trẻ em rap sao cho đúng với lứa tuổi.
Là một DJ, rapper và giáo viên, Ramos hiểu rõ có những yêu cầu nhất định để tạo ra nội dung gắn kết cho từng độ tuổi. Chẳng hạn, một em bé 6-10 tuổi sẽ muốn nội dung gần gũi, trong khi trẻ lớn hơn một chút thì không thể rap một bài quá ngây ngô. Tương tự, các nội dung mang tính xã hội như phản đối thói bắt nạt (bully), bảo vệ môi trường... cần được biến tấu với một “flow” mượt mà không thua kém gì nhạc của các rapper chuyên nghiệp.
Đối chiếu với tình hình tại Việt Nam hiện tại khi rap mới chỉ thực sự “nóng” lên trong vài tháng nay, việc giáo dục trẻ em về nhạc rap chưa tồn tại. Không dễ để các em có thể viết và trình diễn một bài rap tốt nếu thiếu đi sự hướng dẫn và hỗ trợ.
Như nhiều bình luận và chứng minh nhãn tiền qua clip do chính ban tổ chức đưa lên, không thể tránh khỏi tình trạng nội dung tác phẩm sa đà vào chủ đề không phù hợp.
Trẻ em khi không được hướng dẫn tìm kiếm chủ đề phù hợp với độ tuổi, chúng sẽ nhìn vào gương người lớn để học theo. Bậc cha mẹ có thể lầm tưởng đây cũng chỉ như biết bao cuộc thi ca nhạc khác, trong khi chưa rõ gốc rễ đầy phức tạp của thể loại âm nhạc này. Một khi phụ huynh còn chưa hiểu con mình nghe gì, làm sao họ có thể nắm được con mình hát về điều gì?
Hãy cẩn trọng khi kiếm tiền từ tài năng của trẻ em
Tại các nước phương Tây, những quy định bảo vệ cho quyền trẻ em rất nghiêm ngặt. Như ở Anh, trẻ em muốn làm việc ở các lĩnh vực như điện ảnh, ca nhạc, người mẫu hoặc nhạc kịch cần có giấy phép. Trẻ nào nghỉ quá nhiều ở trường thì người giám hộ cần có trách nhiệm thuê gia sư kèm cặp để bảo đảm kết quả học tập.
Tại Ấn Độ, Shoojit Sircar - đạo diễn của Piku and Pink - từng đề nghị nhà chức trách cấm các chương trình truyền hình thực tế về trẻ em bởi chúng ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe tâm lý và thể chất của các thí sinh nhí.
Không ai có thể cấm các em rap, nhưng trẻ nhỏ cần được chỉ bảo một cách đúng đắn, chứ không đơn giản là sao chép người lớn.
Sau đó, đồng nghiệp của anh là Amol Gupte cũng lên tiếng về trải nghiệm của mình với các chương trình kiểu này: “Những em bé được đưa từ những thị trấn hẻo lánh tới Mumbai, sau đó bị nhồi nhét trong các khách sạn rẻ tiền cùng bố mẹ. Mỗi sáng, họ phải đi tới phim trường để quay sớm. Những em bé bị tách khỏi cuộc sống thường nhật để ném vào một guồng máy muốn dùng tiếng nói của các em để kiếm tiền. Các em phải quay hàng tiếng đồng hồ, đôi khi còn không có điều hòa. Điều đó thật nhẫn tâm. Có một em bé khiếm thị vào được vòng chung kết một cuộc thi ca nhạc. Cả ngày, em ấy phải luyện tập dưới những điều kiện khốn khổ như thế, để rồi lúc bắt đầu thu âm thì mất giọng. Em bé đó đã bị chấn thương tâm lý cả đời”.
Năm nay, Netflix từng hứng chịu làn sóng tẩy chay hàng loạt khi bộ phim Cuties của họ bị chỉ trích vì các cảnh trẻ em ăn mặc và biểu cảm không phù hợp độ tuổi. Người ta la ó rằng một bộ phim mà trẻ em ăn mặc hở hang tạo dáng như phụ nữ trưởng thành chỉ cổ xúy cho những kẻ ấu dâm, mặc lời giải thích từ phía ê-kíp.
Với Rap Kids, trong rất nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối từ khán giả, có nhiều người cho rằng, cuộc thi đang ăn theo sức hút của Rap Việt và King of Rap một cách bất chấp. Việc vội vã tổ chức một cuộc thi rap cho trẻ em là cách nhà sản xuất lợi dụng độ hot của thể loại âm nhạc này và tài năng của các em bé để kiếm tiền.
Rap Kids cũng tiếp tay thổi phồng thêm quả bong bóng nhạc hip hop trong cơn sốt mà không phải ai cũng hiểu rõ giá trị và thực sự đam mê.
Theo Zing