Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang được kiểm soát ở mức ổn định. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong.

Mặc dù vaccine vẫn là biện pháp phòng dịch chủ chốt, tiến độ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) tại một số tỉnh, thành hiện còn khá chậm.

Băn khoăn về mũi vaccine thứ 4

Chia sẻ về dự định tiêm vaccine Covid-19 mũi 4, Hiếu Duy (25 tuổi, nhân viên văn phòng, sống tại Bình Thạnh) cho biết anh không nghĩ đến việc này.

Duy chia sẻ sau khi tiêm 3 mũi vaccine, anh đã mắc Covid-19 vào tháng 3. Trong thời gian mắc Covid-19, anh có triệu chứng nhẹ, sức khỏe không bị ảnh hưởng đáng kể.

"Điều quan trọng hơn là tôi sợ phải mất 1-2 ngày sốt li bì sau tiêm vaccine. Kể từ sau khi khỏi bệnh, trong suy nghĩ, tôi không còn thấy sợ Covid-19 nữa nên tiêm thêm mũi vaccine, với tôi, không cần thiết", Duy chia sẻ.

Trong khi đó, Ngọc Bích (24 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) còn khá băn khoăn trước quyết định tiêm vaccine Covid-19. Lý do nữ sinh đưa ra là những ảnh hưởng (có thể xảy ra) sau khi tiêm với cơ thể.

"Tôi nghe các thông tin về vaccine mRNA có thể ảnh hưởng gene nên còn nhiều lo lắng. Ngoài ra, hiện tại, tất cả trở về cuộc sống bình thường, không có dịch nên tiêm vaccine hay không, với tôi không quan trọng lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên ông bà lớn tuổi nên tiêm vaccine để phòng bệnh tốt hơn", Bích nói. 

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?-1
Ngọc Bích tự vượt qua hậu Covid-19 nhờ lối sống tích cực, cô đang băn khoăn có nên tiêm mũi 4 hay không. Ảnh: NVCC.

Ngược lại, Thanh An (27 tuổi, kinh doanh tại TP Thủ Đức) đồng ý tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 khi có thông báo từ trạm y tế phường.

Cô cho biết cô may mắn trải qua đợt dịch ở TP.HCM và tiếp xúc một số F0 là bạn bè, người thân nhưng chưa mắc Covid-19. Một phần tạo nên sự may mắn này, theo Nhàn, chính là hiệu quả từ những liều vaccine trước đó.

"Tôi nghĩ vaccine theo thời gian sẽ giảm dần hiệu lực, do đó, cách vài tháng nên tiêm nhắc lại, quan trọng hơn là hiện tại vaccine vẫn miễn phí thì không lý do gì không tiêm cả", Nhàn nói.

Nên tiêm mũi 4 hay không?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ông hiểu tâm lý phần lớn người dân hiện không còn sợ Covid-19 như trước, nhất là trường hợp tiêm 2-3 mũi vaccine và từng nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng theo nghiên cứu khoa học, những người trên 50 tuổi nên tiêm mũi nhắc lại lần 2 (tức mũi 4), bởi nhóm này vẫn có khả năng mắc bệnh nặng, nguy cơ tử vong.

"Người trên 50 tuổi chắc chắn nên tiêm. Còn người trẻ, người dưới 50 tuổi, không có bệnh nền thì có thể cân nhắc tiêm hoặc không tiêm, nhưng theo ý kiến của tôi là nên tiêm mũi 4.

Các thống kê cho thấy mũi 4 vẫn có lợi, tác dụng tăng kháng thể, bảo vệ tốt hơn. Điều quan trọng là hiện tại, vaccine Covid-19 vẫn được khuyến khích tiêm miễn phí", PGS Dũng nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng vaccine có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng nghĩa giảm khả năng gặp các di chứng hậu Covid-19.

"Hiện tại, chủng Omicron gần như chiếm đa số, người dân cũng không sợ Covid-19 vì triệu chứng khá nhẹ như cảm cúm. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ bị hậu Covid-19, chúng ta nên cân nhắc yếu tố này", PGS Dũng nói thêm.

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?-2
Những người đầu tiên được tiêm vaccine mũi 3 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), mũi nhắc lại của vaccine Covid-19 có thể giúp tăng cường sự bảo vệ hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản.

Hiện tại, nhiều quốc gia triển khai tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân. Việc này dựa trên quan điểm dù số ca tử vong và nhập viện do Covid-19 có xu hướng giảm, nhưng khả năng miễn dịch của con người theo thời gian cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Người lớn tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm nhắc lần 2 do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ.

Ngoài ra, người lớn tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19.

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?-3
Vaccine Pfizer, một trong các loại vaccine tiêm mũi 4 cho người dân. Ảnh: Duy Hiệu.

Từ tháng 3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho tất cả người lớn từ 50 tuổi trở lên, cũng như bất kỳ người nào bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.

Tại châu Âu, các nước Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Singapore (từ 11/6) Campuchia, Malaysia, Lào cũng có những động thái tương tự.

"Chúng ta được bảo vệ tốt nhất khỏi Covid-19 nặng, phòng ngừa trước nguy cơ xuất hiện mới biến thể của SARS-CoV-2, ngăn đại dịch quay trở lại khi tuân thủ đúng lịch tiêm được khuyến cáo, bao gồm cả những mũi tiêm nhắc lại", HCDC khuyến cáo.

Tại TP.HCM, nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch bền vững cho người dân thành phố, UBND TP.HCM ký ban hành văn bản mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4.

Trong đó, 3 nhóm được ưu tiên mũi 4 gồm:

- Người từ 50 tuổi trở lên.

- Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.

- Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu như giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các sở, ban, ngành thành phố, công ty, doanh nghiệp...).

Lịch tiêm mũi nhắc vaccine phòng Covid-19 theo khuyến cáo của HCDC như sau:

+ Liều nhắc lần 1 (mũi 3): Ít nhất 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

+ Liều nhắc lần 2 (mũi 4): Ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).

* Lưu ý: Với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19.

Theo Zing