Mới đây, thông tin Nguyễn Tuấn Hải (tức "Hải Bánh", 55 tuổi, quê Hà Nội) được tha tù sau 21 năm thụ án tại trại giam Xuân Lộc ( Đồng Nai) sáng 27/1, khiến dư luận rất chú ý. Bởi trước đó nhân vật "giang hồ" khét tiếng một thời này bị tuyên án tù chung thân.

Phân tích cơ sở pháp lý liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, đây không phải là chuyện hi hữu mà hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong trường hợp không được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn thì Hải sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân, nghĩa là ở tù đến hết đời.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn.

Cơ sở pháp lý để Hải Bánh ra tù dù bị tuyên án chung thân-1
Hình ảnh Hải "Bánh" bật khóc khi được mãn hạn tù

Theo đó, người phải chấp hành hình phạt tù (kể cả tù chung thân) nếu chấp hành tốt trong quá trình cải tạo thì vẫn có cơ hội được giảm án, được trở về với gia đình.

Thời điểm Hải "Bánh" bị xét xử, bị thi hành án với mức án tù chung thân là thời điểm áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo đó, Điều 58 Bộ luật hình sự quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên như sau:

Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân.

Một người có thể được giảm án nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định tại Điều 63 như sau:

"Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt".

Cơ sở pháp lý để Hải Bánh ra tù dù bị tuyên án chung thân-2
TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

"Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm", quy định nêu rõ.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bị kết án tù chung thân thì cánh cửa cuộc đời của họ chưa hẳn đóng lại. Thẩm chí với người bị kết án tử hình thì vẫn có thể có cơ hội được sống nếu họ được Chủ tịch nước ân giảm, đặc xá, đại xá.

Với chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân nếu tích cực cải tạo trong thời gian chấp hành án, được nơi cải tạo ghi nhận thì vẫn có cơ hội được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù.

Theo đó, sau khi chấp hành được 12 năm mà đủ điều kiện để xét giảm án theo quy định của pháp luật thì sẽ được giảm xuống tù có thời hạn là 30 năm.

Tiếp đó, mỗi năm thường sẽ có 3 đợt giảm án là đợt 30/4, đợt 2/9 và đợt tết âm lịch. Nếu quá trình cải tạo tiếp theo vẫn đủ điều kiện để được xem xét giảm án thì sẽ được giảm nhiều lần nhưng tối thiểu phải chấp hành đủ 20 năm tù theo quy định tại điều 58 Bộ luật hình sự năm 1999 và điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bởi vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, Nguyễn Tuấn Hải được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được 21 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật.

Nếu có khiếu kiện liên quan đến điều kiện giảm án, tha tù trước thời hạn thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lại hồ sơ xem hồ sơ thủ tục đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay chưa.

Còn với thời hạn 21 năm chấp hành án thì đó là thời hạn đủ để một người chịu án chung thân có thể được trở về với đời sống xã hội.

Luật sư Cường cho biết thêm, Bộ luật hình sự 2015 còn 1 số Điều luật cho phép người chấp hành án phạt tù được giảm án.

Ví dụ Điều 64 quy định: "Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này".

Ngoài ra còn có một số trường hợp bị kết án tù chung thân nhưng do lập công trong quá trình cải tạo (như cứu người, ngăn chặn hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng..) hoặc quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được giảm án, được tha tù trước thời hạn mà thời hạn chấp hành án không bắt buộc phải đến 20 năm.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị