Chì là gì? Chì vào cơ thể chúng ta bằng cách nào?

Cần khẳng định rằng, chì (Pb) là một kim loại nặng, là nguyên tố có độc tính cao với sức khỏe con người.

Nhưng bạn có hay, chì có thể đến từ không khí, từ môi trường bị ô nhiễm, do tiếp xúc với thực phẩm, nước, đồ chơi hay mỹ phẩm, vật dụng có chứa chì....?

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 2.
Trẻ em có thể bị nhiễm chì do ngậm đồ chơi có sơn chì ở lớp ngoài (ảnh minh họa).

Cụ thể, chì có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta do hít bụi từ các loại sơn cũ có chứa chất chì, hay tiếp xúc với nguồn nước, nguồn đất bị ô nhiễm chì, hít thở không khí từ hoạt động công nghiệp có chì...

Bên cạnh đó, sử dụng các loại mỹ phẩm, thực phẩm có chứa chì, hoặc đưa tay dính chì, sản phẩm có chứa chì đưa lên miệng cũng là cách gián tiếp đưa chì vào cơ thể chúng ta.

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 3.

Bạn cũng có thể nhiễm chì qua mỹ phẩm. (Ảnh minh họa)

Hàm lượng chì hấp thụ vào máu tùy theo độ tuổi và lượng thực phẩm có trong dạ dày. Đặc biệt hơn, cùng số lượng chì ăn vào, trẻ em hấp thụ chì vào máu nhiều hơn người lớn tới 4 - 5 lần.

Chì tồn tại trong cơ thể chúng ta như thế nào?

Sau khi hấp thu, chì tác động lên hệ thống enzyme vận chuyển hiđro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Chì xâm nhập vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu.

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 4.

Chì xâm nhập vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu.

Về lâu dài, chì tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%. Chì cũng xâm nhập cả móng tay, chân, mồ hôi, nước bọt và sữa. Chì đào thải khỏi cơ thể rất chậm và cứ ở xương trong nhiều năm.

Cụ thể, lượng chì hấp thu vào cơ thể không được giữ lại sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (khoảng 65%) và qua mật (khoảng 35%). Một lượng rất nhỏ qua mồ hôi, lông tóc và móng. Trẻ em giữ lại chì trong cơ thể nhiều hơn so với người lớn, trẻ giữ lại tới 33% lượng chì so với 1-4% ở người lớn.

Tuy nhiên, chì tích luỹ trong xương còn có thể đi vào máu trong quá trình mang thai, do đó thai nhi bị phơi nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe em sau này.

Nếu cơ thể nhiễm chì sẽ ra sao?

Theo WHO, nhiễm độc chì gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Thống kê của WHO cho thấy khoảng 600.000 các ca chậm phát triển hàng năm trong trẻ em do nhiễm độc chì. Điều đáng chú ý là có tới 99% trẻ em bị nhiễm chì đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 5.
Người nhiễm chì có phần lợi xuất hiện phần xanh đen lớn

Bình thường nồng độ chì trong máu toàn phần khi xét nghiệm phải dưới 10 µg/dL, lý tưởng nhất là không có chất chì trong máu. Nếu xét nghiệm mà kết quả vượt ngưỡng này thì điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đã bị nhiễm độc chì.

Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em và người lớn có sự khác biệt nhau. Tuy nhiên, chủ yếu phân ra 3 dạng chính: mức độ nặng, nhẹ và trung bình.

- Chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì ở trẻ em

Ở mức độ phơi nhiễm cao, với nồng độ chất chì ở trong máu trên 70 µg/dL: chì tấn công vào não và hệ thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong. Trẻ em sống sót sau ngộ độc chì nặng có thể để lại hậu quả chậm phát triển trí tuệ, còi xương và rối loạn hành vi.

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 6.
Cơ thể nhiễm chì có thể gây còi xương, chậm phát triển.

Ở mức độ trung bình - nồng độ chất chì ở trong máu từ 45 đến 70 µg/dL: xuất hiện tổn thương thần kinh trung ương như tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, chán ăn...

Chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi như giảm sự tập trung và tăng hành vi chống đối xã hội, giảm trình độ học vấn.

Ở mức độ phơi nhiễm nhẹ, nồng độ chất chì ở trong máu dưới 45 µg/dL: chưa có triệu chứng bệnh nặng nhưng là nguyên nhân của hàng loạt các tổn thương trên nhiều hệ thống cơ thể.

- Mức độ nhiễm độc chì ở người lớn

Ở mức độ nặng - nồng độ chất chì ở trong máu trên 100 µg/dL: hệ thần kinh trung ương ở não xuất hiện cơn co giật, hôn mê, liệt thần kinh sọ não, rối loạn tiêu hóa, nôn kéo dài, biểu hiện bệnh lý thận...

Cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi nhiễm độc chì - Ảnh 7.
Hình ảnh một người bị nhiễm chì nặng.

Ở mức độ trung bình - nồng độ chất chì ở trong máu từ 70 đến 100 µg/dL: đau đầu, mất trí nhớ, suy giảm khả năng tình dục, rối loạn tiêu hóa, vị giác có vị kim loại, đau bụng, táo bón...

Ở mức độ nhẹ - nồng độ chì trong máu 40 - 69 µg/dL: buồn ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ, có dấu hiệu bệnh lý thận, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa.

Kết luận:

Như đã nêu ở trên, tình trạng nhiễm độc chì có thể gây nên các nguy hại rất lớn đến sức khỏe của con người, đặc biệt là ở trẻ em.

Bởi vậy, chúng ta cần giữ gìn môi trường trong sạch, tránh gây ô nhiễm, định kỳ kiểm tra tình hình sức khỏe, xét nghiệm máu để xác định nồng độ chỉ ở trong máu nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, phủ hợp.

Theo Trí thức trẻ