Sau những cuộc tình tan vỡ, có người trốn tránh có người dũng cảm đối mặt, có người mang trong mình nỗi nghi hoặc lớn, có người im lặng giữ mãi trong lòng vết thương nhức nhối, nhưng dù bằng cách này hay cách khác những nỗi đau đó cũng sẽ đến lúc phải trôi đi.
Vết thương trong lòng thật ra chẳng thể nào mất đi, chỉ là vì cuộc sống này mỗi ngày vẫn đều đặn gieo vào lòng bạn những vết thương mới, vậy nên bạn không còn thời gian để bận tâm đến những vết thương cũ mà thôi, đau đến một mức độ nào đó rồi sẽ trở thành thói quen.
Mãi mãi cuối cùng gói gọi trong hai chữ "kỷ niệm".
Trở thành người lớn, bỗng chốc ấy là lý do để bao nỗi trăn trở không lời giải đáp của ta về cuộc sống chẳng thể bày tỏ cùng ai, đành cứ thế nuốt vào lòng. Đau mà không thể nói rằng đau, đó mới là đau đớn tột cùng.
Nghiêm trọng hơn nữa là cứ mải mê bươn chải với cuộc đời rồi nhiễm luôn thói tật thế gian, mặc nhiên coi nỗi đau đó là chuyện đương nhiên. Để cho vết thương lòng đóng vảy thời gian, người ta cũng dần mất đi cảm giác đau. Sợ rằng giây phút cất lời kêu đau sẽ lập tức bị coi là trẻ con, chúng ta cứ thế nín lặng một mình ôm tâm bệnh.
Có thể thời gian không thật sự chữa lành những vết thương lòng, nhưng nó sẽ mặc vào trái tim của bạn một mảnh áo giáp, hoặc thời gian sẽ dạy cho chúng ta một cái nhìn mới về những vấn đề đã xảy ra.
Để rồi khi chúng ta chạm lại vết thương cũ - dẫu vẫn đang rỉ máu đi nữa, thì mình cũng chỉ muốn nở một nụ cười với nó, thay vì khóc thương như ngày hôm cũ.
Những tháng ngày tịch mịch, im lặng nhưng không an bình, lòng ta trống huếch hoác.
Bởi vì chênh vênh nên càng đi càng không thấy điểm tựa, cuối cùng chỉ biết tự ôm lấy mình, tự thu mình vào, cầu yên ổn.
Nhưng dù sao mỗi người có cách vượt qua biến cố khác nhau. Ta từ chối tìm kiếm lí do rồi, chấp nhận nó như một vết thương lòng âm ỉ, dù biết rằng càng lâu sẽ để lại sẹo càng đậm. Đặt người đó vào quá khứ, nhận lấy nguồn năng lượng tích cực từ mọi người, và tự mình cố gắng tự 'phát’ ra sự tích cực một cách thật lòng nhất.
Người ngủ yên đi, kí ức...
Theo Trí thức trẻ