Kể từ ngày 27/5, người dân đến phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ không được mang theo vật nuôi; không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường...

Trước động thái nêu trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá đây là một nỗ lực của UBND TP Hà Nội và cộng đồng dân cư trên địa bàn trong việc xây dựng một môi trường văn hóa, lịch sự. 

Cố tình dắt thú cưng, mang loa kéo vào phố đi bộ Hồ Gươm bị xử lý thế nào?-1
Hình ảnh người dân dẫn chó đi dạo tại khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm mà không có rọ mõm (Ảnh: Vietnamnet).

Theo luật sư Tiền, quy chế nhấn mạnh, mọi hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Do đó, đối với những hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng nói chung và các nội dung trong quy chế nêu trên sẽ bị xử lý.

Cụ thể, người có hành vi vi phạm sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Đặc biệt, đối với hành vi mang vật nuôi vào không gian đi bộ; sử dụng loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ… người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thả rông động vật nuôi tại nơi công cộng và hành vi gây mất trật tự công cộng ở nơi tổ chức các hoạt động văn hóa.

Cố tình dắt thú cưng, mang loa kéo vào phố đi bộ Hồ Gươm bị xử lý thế nào?-2
UBND TP Hà Nội mong muốn việc ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian phố đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận sẽ nâng cao công tác quản lý, phát huy hơn nữa giá trị của điểm đến Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị)

Căn cứ vào Điểm a, b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu thực hiện các hành vi trên. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt là gấp đôi mức phạt áp dụng với cá nhân.

Nêu dẫn chứng về việc được cơ quan có thẩm quyền cho phép mang vật nuôi, gia súc, gia cầm vào trong không gian phố đi bộ Hồ Gươm, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, các trường hợp này gồm: Vật nuôi, gia súc trong các đoàn xiếc, đoàn diễu hành ở các sự kiện được cấp phép; chó nghiệp vụ của lực lượng chức năng…

"Quận sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm cùng công an quận cử lực lượng chức năng túc trực, kiểm soát ở khu vực này. Thời gian đầu, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, tuyên truyền để người dân chấp hành, nếu cố tình vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định" - vị này cho hay.

Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, việc UBND TP Hà Nội ban hành quy chế nêu trên có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại trong không gian phố đi bộ như các hành vi thiếu ý thức, để vật nuôi gây nguy hiểm cho người khác hay việc sử dụng các thiết bị âm thanh lớn ảnh hưởng tiêu cực đến không gian phố đi bộ nói chung và cuộc sống của người dân xung quanh nói riêng.

Tuy nhiên, để quy chế trên còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức cộng đồng của người dân. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định chung khi tham gia các hoạt động công cộng góp phần xây dựng khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực lân cận văn minh, cũng như thể hiện nét đẹp thủ đô.

Trước đó, hồi tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận.

Động thái này được thành phố đưa ra nhằm nâng cao công tác quản lý, phát huy hơn nữa giá trị của điểm đến Hà Nội. Ngày 17/5, Hà Nội chính thức ban hành quy định này và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5.

Theo Dân Trí