Con đường trong khu dân cư nơi tôi sống không nhỏ, đủ cho hai ô tô đi ngược chiều tránh nhau dễ dàng, vậy mà vẫn tắc thường xuyên vào đầu giờ sáng, chỉ vì những chiếc xe đỗ theo kiểu “mặc kệ thiên hạ”.
Trong khi mọi người cùng hối hả đi làm, chở con đi học thì lối đi bị "bóp chặt" lại bởi 2 chiếc ô tô nằm chình ình gần như đối xứng nhau ở hai bên đường.
Suốt hàng chục phút, mặc cho tiếng bấm còi và tiếng quát "xe của ai làm ơn lái đi nhanh chút", chúng vẫn cứ im lìm cho đến khi một trong hai ông chủ từ hàng quà sáng gần đó thong thả bước đến, vừa đi vừa xỉa răng, không để tâm đến vẻ sốt ruột và cau có của những người bị mình làm chậm trễ công việc.
Có hôm, trong lúc xe cộ đang ùn lại vì hai ô tô đỗ chênh chếch hai bên đường, một ô tô khác vội vã chen vào giữa để giành lượt đi trước, để rồi nhanh chóng chuyển sang trạng thái bất động vì những xe máy đi ngược chiều cũng xông tới, không chịu lùi.
"Sự cộng hưởng" giữa việc đỗ xe vô ý thức với thói chen lấn, tranh cướp đường tạo ra cục diện tắc tị suốt nửa tiếng.
Trong những xung đột liên quan đến chiếc ô tô ở đô thị, đỗ xe vẫn là câu chuyện khiến người ta dễ sửng cồ, "nổi điên" nhất.
Trên các diễn đàn, bao nhiêu người từng chia sẻ sự bức xúc khi không thể lái xe ra khỏi nhà mình để đi làm vì ô tô của ai đó đỗ chắn trước cửa, hoặc không thể vào nhà mình vì chủ nhân chiếc ô tô ngăn giữa họ và cánh cổng đang bận đi chợ.
Người đăng bức ảnh này lên mạng (sống ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết từ sáng sớm ô tô nhà hàng xóm đã bít lối đi khiến bạn anh không thể đưa xe máy ra ngoài, dẫn đến muộn thi. (Ảnh: L.T.N)
Lời nhắc khéo của gia chủ dành cho tài xế đỗ xe chắn cửa trong một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.
"Đỗ nhờ một chút, làm gì mà căng?"; "Đây là vỉa hè chứ có phải đất nhà bà đâu mà cấm tôi đỗ"; "Chỗ này không có biển cấm đỗ, tôi để xe ở đây ông lấy quyền gì mà nói"... là cách lý sự cùn của không ít chủ xe khi đối diện với sự chất vấn đầy giận dữ của những người bị họ làm phiền.
Nhiều vụ đánh nhau, chửi nhau, đập phá ô tô xảy ra vì kiểu "đỗ xe không lối thoát". Không ai bênh cách hành xử bạo lực, phá hoại, nhưng sự tức giận đến "phát hỏa" của họ thì nhiều người hiểu được.
Còn nhiều kiểu dừng, đỗ xe oái oăm khác mà ta dễ dàng bắt gặp trên đường phố: Dừng, đỗ xe ở nơi dành cho xe buýt đón khách, đỗ xe che khuất biển báo hiệu đường bộ, hay dừng ở các đoạn đường cong, che mất tầm nhìn của các tài xế khác...
Những hành vi này không chỉ thể hiện vấn đề về văn hóa giao thông, mà còn vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Bào chữa cho hành vi đỗ xe vô tội vạ của mình, nhiều tài xế viện cớ mật độ ô tô ngày một lớn, chỗ có thể đỗ ngày càng ít đi, rất khó tìm được nơi "để tạm" chiếc xe một lát.
Điều đó đúng; cái sai là khi đối mặt với khó khăn này, họ chọn cách vi phạm pháp luật, phớt lờ văn hóa ứng xử thay vì lựa chọn dùng phương tiện khác, hoặc di chuyển xa hơn để tìm chỗ đỗ xe.
Cách biện minh của họ cũng "cùn" như những người bảo rằng "tôi đi vào làn dành cho xe ưu tiên là vì đường đông quá".
Đất nước giàu lên, ngày càng nhiều gia đình mua được ô tô. Xe sang ngày càng trở nên phổ biến trên phố, là "dấu hiệu đẳng cấp" mà nhiều người muốn khoe ra.
Thế nhưng, sự hiện diện đầy khó coi của chiếc xe đắt tiền ở vị trí không được hoặc không nên dừng, đỗ khiến chủ nhân của nó chẳng những kém sang mà còn thấp kém trong mắt cộng đồng.
Thật đáng buồn khi nhiều người có dăm ba tỷ đồng mua ô tô nhưng lại không có văn hóa đỗ xe. Sự thiếu hụt này không hẳn do hiểu biết, trình độ, vì người đỗ xe vô duyên, trái khoáy ấy có thể biết cách cư xử rất chuẩn mực, hoàn hảo ở môi trường khác.
Tính ích kỷ, chỉ biết đến mình, vô cảm và vô trách nhiệm với cộng đồng mới là căn nguyên thực sự.
Theo VTC