Khu vực các cư dân xóm nhà lá tạm trú nằm trong vùng đất nhà nước quy hoạch xây khu đô thị, nhưng vì chưa thỏa thuận giá bồi thường thành công nên chủ đất không chịu dời đi. Họ dựng những mái nhà bằng lá dừa nước, đóng những chiếc giường bằng ván ép để cho dân tứ xứ đổ về thuê trọ. Có khoảng 20 đứa trẻ tại xóm nhà lá, rải rác từ các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu… nhưng nhiều nhất là Cà Mau lên.
Những ngôi nhà nhìn khá xập xệ nhưng giá cho thuê lại hơn 1,5 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Với đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê làm mướn và vì là dân nhập cư, cha mẹ của những đứa trẻ không có đủ điều kiện để cho con đến trường.
Anh Lê Văn Phước, một cư dân của xóm nhà lá cho biết, để các con không bị dốt, lúc đầu anh cho chúng theo một học sinh đang học cấp ba gần đó học đánh vần với học phí là 250 ngàn đồng/tháng cho mỗi đứa. Thế nhưng không phải lúc nào anh cũng có đủ tiền, nên việc học của những đứa trẻ vì thế mà đứt quãng.
Mỗi ngày thay vì được đi học, những đứa trẻ nơi đây chỉ quanh quẩn trong nhà, dưới sự thay phiên trông nom của bà và mẹ. Trong ảnh, bà Lê Thị Nga (62 tuổi) đang ngồi trông những đứa cháu của mình.
Bà kể, ở dưới quê không có ruộng vườn, chồng con bà chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời bằng nghề đi biển, nên thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn. Cực chẳng đã, con cái bà mới phải dắt díu nhau tha phương cầu thực.
Trong căn phòng trọ bé xíu và ẩm thấp, mùa khô cực kỳ nóng bức, còn khi mùa mưa đến, ngoài sân sình đất lầy lội như dưới ruộng. Không được đi đâu xa, đám trẻ ở đây chỉ quanh quẩn những bãi đất trống ngổn ngang và dòng kênh cực kỳ ô nhiễm.
Giữa dòng nước đen ngòm, chúng bày những trò chơi như đuổi bắt, trốn tìm mà không biết rằng mình đang sống chung với đầy rẫy những mầm mống bệnh tật dưới dòng kênh đen ngòm đầy rác thải kia...
Em Lâm Quốc An (9 tuổi) nói mình lên thành phố cùng cha mẹ từ trước Tết. Gia cảnh quá khó khăn nên 7 tuổi em mới được đi học. Nhưng mới xong lớp 1 đã phải nghỉ ngang.
Rụt rè thò đầu ra, cô bé Lê Thị Chi (9 tuổi) nói mẹ cấm ra bên ngoài chơi, sợ bị người lạ bắt cóc. Bé Chi chỉ mới lên Sài Gòn mấy tháng hè. Em cho biết người dì dưới quê hứa vài bữa sẽ dẫn em đi học, nhưng nay các bạn đã đến trường hết rồi mà em vẫn chưa được về.
Từ hồi lên thành phố, cô bé Lê Thị Trâm (2 tuổi) chỉ bận những bộ quần áo cũ xin từ bà con, hàng xóm. Bà ngoại em bảo sẽ để em ở Sài Gòn “đến đâu hay đến đó”, chừng nào đến tuổi đi học rồi tính sau.
Xế chiều, ông Lê Văn Lâm (chồng bà Nga) trở về từ công trường xây dựng. Đã hơn 60 tuổi nhưng mỗi ngày ông phải quần quật làm việc nặng nhọc từ sáng đến tối với đồng lương bèo bọt chỉ đủ ăn ngày ba bữa. Ông Lâm cho biết, vài bữa nữa cháu Lâm Quốc Hòa sẽ được ba mẹ dẫn về quê cho đi học. Ba đứa cháu còn lại sẽ phải ở nhà. “Biết là như vậy rất tội nghiệp tụi nhỏ, nhưng gia cảnh không cho phép, đành phải hi sinh một vài đứa để lo tương lai cho đứa khác thôi” – người đàn ông buồn bã tiếp lời.
Phía sau cậu bé Lâm Quốc Hòa, những tòa nhà cao tầng lờ mờ xuất hiện, tạo nên hình bóng cho một khu đô thị khang trang sắp sửa hình thành. Có ai biết giữa một chốn phồn hoa hiện đại như vậy, vẫn còn đó một khu nhà lụp xụp với những đứa trẻ bị dòng đời xô đẩy phải dang dở học hành.
Anh Trần Khánh Tây, Bí thư đoàn phường An Phú (Q.2) cho biết: "Xóm nhà lá phía sau chùa Thiền Tịnh có trên dưới 20 trẻ em, tùy từng thời điểm mà số trẻ có thể tăng hay giảm, vì chúng theo cha mẹ đi làm công trình, không cố định một chỗ. Ngoài ra, trên địa bàn còn có một xóm Vườn Ổi, tập trung đến 40 em là con của cha mẹ là người miền Tây lên thành phố làm ăn. Ngoài chuyện đói nghèo, việc không có giấy tờ hợp lệ cũng là điều khiến các trẻ ở đây không được đến trường. Thậm chí một số cha mẹ có tư tưởng để con theo phụ mình kiếm tiền, nên họ không muốn cho con đi học dù các cán bộ đến tận nhà vận động. Vì nguồn lực có hạn, đến nay phường mới chỉ mở được lớp học tình thương ở xóm Vườn Ổi. Nhưng chắc chắn trong tương lai, phường sẽ đến khảo sát chi tiết, tìm mọi cách để đem cái chữ đến với tất cả các em.
Theo Trí thức trẻ