Tôi rất hiểu tâm trạng của tác giả bài ‘'Đứng cho vay, quỳ đòi nợ’' cuối năm, bị con nợ xua như xua ăn mày vì chính tôi cũng bó tay với con nợ chây ì, khi vay tiền thì nói lời tha thiết, hứa hẹn chắc như đinh đóng cột nhưng đến hẹn không chịu trả, có tiền cũng không chịu trả. Những người đó dường như nghĩ trả nợ là mất tiền vậy. 

Tôi có người bạn thân, chơi với nhau đã gần 15 năm kể từ hồi học cấp 3. Đầu năm 2022, bạn chuẩn bị mua ô tô nên hỏi vay tôi 90 triệu đồng, hứa sẽ trả dần từng tháng và thanh toán hết vào giữa năm.

Tôi không được dư dả về tiền bạc vì hoàn cảnh gia đình có nhiều gánh nặng, nhưng ngại từ chối vì đã chơi với nhau nhiều năm, hai đứa cũng chưa từng có va chạm về chuyện tiền nong.

Hơn nữa, tôi biết tình hình kinh tế nhà bạn không tệ, bạn có lối sống khá hưởng thụ, thường xuyên tiêu tiền cho sở thích cá nhân như mua sắm, du lịch, hỏi vay tôi có lẽ vì cần ngay một khoản lớn, không xoay kịp. Vì thế, tôi đồng ý cho bạn mượn tiền.

Thế nhưng mua xe được vài tháng vẫn không thấy bạn trả đồng nào, tôi ngại hỏi vì là thân thiết, nghĩ chắc bạn đang kẹt, thôi thì để thư thư ít lâu.

Chúng tôi vẫn trò chuyện, gặp nhau thường xuyên nhưng đặc biệt không nhắc đến chuyện nợ nần. Cái hẹn nửa năm qua đi, tôi mới nhắc lần đầu, bạn bảo đã định trả tôi nhưng nhà vừa có việc nên xin khất thêm ít nữa. 

Cứ thế gần 3 năm trôi qua, bạn vẫn chưa trả đồng nào, cũng chẳng bao giờ chủ động xin khất nợ, hễ tôi hỏi là viện đủ lý do rồi hẹn ngày trả cụ thể và đến ngày thì im tịt, gọi điện không nghe.

Trong suốt 3 năm, bạn vẫn tiêu tiền ào ào và đăng ảnh khoe lên mạng.

Cả gia đình họ thường xuyên đi du lịch sang chảnh, check-in tại những khu nghỉ dưỡng 5 sao khắp cả nước. Hai vợ chồng toàn diện đồ hiệu, điện thoại luôn đổi đời mới nhất. Cái ô tô mà bạn vay tiền tôi để mua chưa trả cũng đã được đổi sang chiếc mới đắt tiền hơn. 

Con nợ đi resort sang chảnh, chủ nợ bóp mồm bóp miệng vì không đòi được tiền-1
Nhiều người không khỏi bức xúc khi thấy con nợ của mình vẫn sống đẩy đủ, dùng đồ hiệu, đi du lịch sang chảnh dù không chịu trả nợ. (Ảnh minh họa: Freepik)

Còn tôi thì kinh tế khó khăn hơn, hai vợ chồng một bị giảm lương, một bị mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Mọi khoản chi đều phải cắt giảm, đến khoản tiền gửi về cho bố mẹ ở quê hồi trước là 5 triệu đồng mỗi tháng, giờ cũng đành giảm xuống còn 3 triệu đồng.

Con tôi đang học trường tốt, nhưng năm sau khi lên cấp 2 có lẽ phải chuyển sang trường thường để giảm chi phí.

Từ hồi bạn quyết tâm lờ đi việc trả nợ, hai đứa không còn thân thiết như trước, mối quan hệ thực sự trở nên lạnh nhạt, xa cách.

Nhưng bây giờ, vì cần tiền, tôi đành phải nhắn tin nhiều lần, hết mắng mỏ gay gắt đến van xin lạy lục để mong nhận lại được tiền: "Tớ xin cậu đấy, nhà cậu có tiền mà, chỉ cần bớt một chuyến du lịch là đủ trả cho tớ, con tớ không có tiền sắp phải chuyển trường rồi".

Trước hoàn cảnh của tôi, bạn chẳng động lòng, cũng chẳng hồi đáp; tôi gọi điện thì chối quanh, bảo không nhận được tin nhắn nào, và khi tôi giục nợ thì bạn giả vờ có việc, tắt máy luôn.

Điều oái oăm là ngay sau đó, bạn lại đăng lên Facebook loạt ảnh ăn chơi tại khu nghỉ dưỡng sang chảnh ở Phú Yên. Tôi tò mò tìm kiếm thì thấy giá phòng mỗi đêm lên đến 7 triệu đồng.

Tôi không hiểu nổi suy nghĩ của những người như bạn. Tại sao vay nợ lại không muốn trả khi rõ ràng là có tiền, nhiều tiền là đằng khác? Ngang nhiên chiếm đoạt tiền mồ hôi nước mắt của người khác như vậy có khác gì ăn cướp?

Những người thích quỵt nợ như bạn tôi rõ ràng vứt bỏ phẩm giá, uy tín và lòng tự trọng, vứt bỏ tình bạn, nhưng lại rất sĩ diện khi liên tục khoe khoang thành công, giàu có trên mạng, thật kỳ lạ.

Với con nợ này, tôi bất lực rồi, chỉ đành tự dặn mình từ nay về sau dứt khoát không cho ai vay tiền nữa, trừ khi đó là mối quan hệ thân thiết đến mức sẵn sàng cho họ khoản tiền đó mà không cần lấy lại.

Theo VTC News