Phim truyền hình Việt đã thực sự chuyển mình thay vì là những cú ăn may như trước. Ngay sau Về nhà đi con, hai phim Bán chồng và Hoa hồng trên ngực trái tiếp tục gây chú ý.
Những con số biết nói về phim truyền hình
Khép lại sau 85 tập, bộ phim Về nhà đi con đã đạt trung bình rating 14,1% tại thị trường Hà Nội và 1,39% tại TP.HCM (tức trung bình mỗi tập phát sóng có 14,13% dân số Hà Nội xem phim và 1,39% dân số TP.HCM xem phim). Tập có rating cao nhất đạt 21,68% tại thị trường Hà Nội, cao hơn cả bộ phim Người phán xử từng làm mưa làm gió năm 2017.
Tuy phim xuất phát tập 1 chỉ đạt rating 7,13% và duy trì từ khoảng 6% đến 9% cho đến tập 26, từ tập 27 rating mới bắt đầu tăng dần và nhanh chóng. Chứng tỏ, giai đoạn này phim mới được nhiều người nhắc đến, bàn luận, nhất là trên mạng xã hội.
Phim Về nhà đi con đạt 1.781 TVC quảng cáo và thu về 122,6 tỷ đồng (theo báo giá quảng cáo theo TVAD).
Còn phim Nàng dâu order khép lại ở tập 30, trung bình mỗi tập phim có rating 11% tại thị trường Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 0,66%. Tuy phim xuất phát điểm rating tập 1 đạt 11,06% cao hơn rất nhiều so với phim Về nhà đi con ở tập 1, song phim bị khán giả rời bỏ bắt đầu từ tập 9 khi đạt 9,49%. Nhưng các tập sau có sự lên xuống nhẹ từ 9% đến 13% tại thị trường Hà Nội. Còn thị trường Cần Thơ và Đồng Bằng Sông Cửu Long hầu như không có khán giả xem phim này.
Phim đạt 839 TVC quảng cáo và thu về 77,5 tỷ đồng (theo báo giá quảng cáo theo TVAD).
"Hoa hồng trên ngực trái" đang được công chiếu trên VTV3 có rating trung bình mỗi tập đạt 10,32% tại Hà Nội.
Phim Hoa hồng trên ngực trái đang được công chiếu trên VTV3 có rating trung bình mỗi tập đạt 10,32% tại Hà Nội và 1,13% tại TP.HCM, 1,09% tại Đà Nẵng, thị trường Cần Thơ dường như không có khán giả theo dõi. Sau 12 tập phát sóng phim đạt 328 TVC quảng cáo, thu về 35,6 tỉ đồng (báo giá quảng cáo theo TVAD).
Phim Bán chồng cũng có sức hút không kém khi có rating trung bình đạt 7,16% tại Hà Nội và khoảng 1% tại TP.HCM. Mặc dù phim về miền Tây Nam Bộ song tại thị trường Cần Thơ dường như không có khán giả, đây cũng là điều dễ lý giải do thói quen xem truyền hình của khán giả khi họ ưu tiên kênh miền nam nhiều hơn. Doanh thu sau 17 tập phát sóng phim cũng đạt 31,9 tỷ đồng khi có 435 TVC quảng cáo.
Phim Việt Nam đang dần được ưa chuộng bởi lối diễn xuất tự nhiên, gần với đời sống của khán giả. Phim được dựng với bối cảnh đời thường không bị kịch hóa, ngôn ngữ gần gũi, trẻ hóa tình huống.
Tại sao rating và quảng cáo ngày càng quan trọng?
Cuộc chiến rating trên sóng truyền hình ngày càng trở nên khốc liệt. Bởi lẽ từ lâu, sóng giờ vàng không còn chỉ là sân chơi của phim truyền hình Việt, thay vào đó còn là đất của game show. Do vậy, rating và quảng cáo càng trở nên quan trọng với phim truyền hình.
Rating ngày càng quan trọng với phim truyền hình Việt.
Thực tế, phim truyền hình trên sóng VTV từng có một thời kỳ được "bao cấp". Nhưng trong sự phát triển chung của kinh tế thị trường hiện nay, truyền hình và nhiều lĩnh vực khác đều phải quan tâm đến doanh thu, kiếm tiền để có kinh phí và tái đầu tư.
Chính vì vậy, phim truyền hình thay đổi và đã phát triển với cả một chiến lược đầu tư từ kịch bản, diễn viên, đạo diễn, bối cảnh đến công nghệ kỹ thuật. Sự phát triển của phim truyền hình gần đây là kết quả của sự đổi mới tổng thể, từ việc làm phim đến cả cách thức truyền thông. Tất cả thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng nền công nghiệp phim truyền hình ở Việt Nam, thỏa mãn được khán giả trong nước.
Nguồn thu trực tiếp từ sự phát triển này chính là hàng trăm tỷ đồng quảng cáo mà mỗi phim thu được. Việc kiếm tiền trên sóng giờ vàng phim truyện của VTV đã đa dạng hơn rất nhiều ở những dự án phim mới. Ngoài kiểu quảng cáo truyền thống với thời lượng khoảng vài phút giữa phim vẫn được duy trì, phim truyền hình Việt giờ đã đẩy mạnh quảng cáo bằng chính lời thoại và cảnh quay trong phim.
Tình khúc Bạch Dương là ví dụ. Trong ít nhất 3 tập phim, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại từ lời thoại của nhân vật trong phim. Không dừng lại ở đó, phim còn có nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, dịch vụ của doanh nghiệp. Phim Về nhà đi con mới đây cũng sử dụng hình thức quảng cáo này.
Những phim gây bão màn ảnh đều có ngoại truyện sau đó
Cụ thể, khi nhân vật Huệ có ý định mở quán trà, cô được bạn của Quốc đầu tư. Huệ sau đó đến ngân hàng vay thêm tiền để kinh doanh vì muốn có một phần trong quán trà.
Ở đây, bạn của ông Quốc đã đưa Huệ đến một trụ sở ngân hàng đồng thời khéo léo tranh thủ giới thiệu cho đơn vị này. Trong khoảng gần phút, các cảnh quay trực diện trụ sở, logo của ngân hàng, nhân viên tư vấn cho Huệ. Đồng thời tên gói dịch vụ vay ưu đãi cũng được quay cận cảnh.
Chiến lược đường dài
Ngoài các sản phẩm chính thức, ngoại truyện cũng được cho là mang lại nguồn thu không nhỏ. Nhiều ngoại truyện trước đây của VTV từng quảng cáo tương đối lộ liễu cho đơn vị tài trợ. Tuy nhiên, ngoại truyện gần nhất là Về nhà đi con, việc quảng cáo đã khéo léo hơn và nhận được cảm tình của khán giả.
Phần đông khán giả ủng hộ quảng cáo trong phim Việt, đó là xu thế tất yếu. Đây cũng là cách để đơn vị sản xuất tái đầu tư. Trung bình mỗi năm VFC sản xuất 300 tập phim, bình quân đơn giá là 200 triệu một tập.
Theo chia sẻ từ VFC, nhà sản xuất có quyền quyết định phim nào sẽ đầu tư cao hơn và phim nào sẽ đầu tư thấp hơn liên quan đến yêu cầu về bối cảnh, số lượng tập phim và chất lượng kịch bản.
Thực tế nhìn nhận cho thấy với những dự án “bom tấn”, VTV thường không ngại xuống tiền đầu tư sản xuất. Bởi lẽ, nếu một bộ phim gây bão, lợi nhuận còn lớn hơn nhiều số tiền đã đầu tư.
Thực tế đó là một chiến lược đường dài, nhìn xa trông rộng cho phim truyền hình.
Theo Zing