'Con thân yêu': Bi kịch tận cùng khi con thơ bị tước đoạt khỏi vòng tay mẹ cha

Bộ phim không có những kịch tính, âm mưu, hay sự thù hận nhưng vẫn hồi hộp, đau đáu, xúc động qua từng giây từng phút.

Có khoảnh khắc nào xúc động hơn khi người làm cha, làm mẹ bị mất con phát đi thông điệp trong tuyệt vọng: “Nếu đã mua con tôi, xin hãy đối xử tốt với Bằng Bằng. Xin đừng cho cháu ăn đào, bởi cháu bị dị ứng với loại quả này. Xin hãy yêu thương con tôi, nếu bạn đã mua cháu…”.

Mọi thứ đều có thể thay thế, trừ những đứa con thân yêu của chúng ta…” – những người làm cha, làm mẹ bị mất con đã nói như thế, và họ chưa từng từ bỏ hy vọng tìm lại máu mủ của mình, cho dù phải giả điên giả khùng, tán gia bại sản hay tha hương khắp chốn cùng quê.


'Con thân yêu': Bi kịch tận cùng khi con thơ bị tước đoạt khỏi vòng tay mẹ cha


Khắc họa tận cùng nỗi đau của những gia đình mất con

Câu chuyện bắt đầu trong một ngõ nhỏ, phố nhỏ, người người qua lại tấp nập ở thành phố Quảng Châu. Ở đó có cậu bé Điền Bằng, 4 tuổi, hồn nhiên, hiếu động, chạy chơi trong một buổi chiều nhộn nhịp và chỉ trong tích tắc, bé đã bị bắt cóc.

Cũng chỉ trong tích tắc đó, cuộc sống của bậc làm cha, làm mẹ như Điền Văn Quân và Lỗ Hiểu Quyên vĩnh viễn thay đổi. Dù đã li dị, nhưng cả hai vẫn sống nghĩa tình, trọn vẹn bởi sợi dây gắn kết là đứa con thân yêu.

Bắt đầu từ con số 0, họ lên đường tìm lại khúc ruột của mình giữa một biển người mênh mông không tung tích. Chỉ cần ở đâu có chút manh mối, thông tin, bất kể thật giả, bất chấp sự lừa gạt, lợi dụng của những kẻ máu lạnh, cả hai vẫn kiên trì một niềm tin rằng ở đâu đó, bé con thân yêu đang an lành chờ bố mẹ đến đón. 


Những đứa trẻ thơ dại đã bị tước đoạt khỏi vòng tay cha mẹ bởi ham muốn lợi ích của nhiều kẻ xấu.

Rồi tình cờ, họ gặp một nhóm người có hoàn cảnh tương tự, những người như phát điên vì nỗi đau con thơ bị cướp khỏi vòng tay, dằn vặt, hối hận trong ngàn vạn lời tự vấn: “con tôi giờ này thế nào? Còn sống hay đã bị hãm hại? Thằng bé nhà tôi liệu có bị bán lấy nội tạng, hay cô bé con chưa đầy 5 tuổi liệu có bị lũ khốn nạn ngoài kia lạm dụng?”.

Những con người ấy, họ tìm đến nhau, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và cùng nhau trên những hành trình dài không điểm dừng để tìm lại nguồn sống. 

Một ngày kia, trời phật rủ lòng giúp Văn Quân – Hiểu Quyên tìm được manh mối của Bằng Bằng ở một miền quê xa xôi hẻo lánh cách Quảng Châu cả nghìn km. Linh cảm người mẹ giúp Hiểu Quyên nhận ngay ra con mình.

Nhưng xót xa thay, Bằng Bằng của cô, sau 3 năm xa cách, nhìn mẹ ruột của mình như nhìn người xa lạ, và chạy về vòng tay của Lý Sở Hồng – người phụ nữ nghèo khó, lam lũ chốn thôn quê.
 


Dù tìm lại được cha mẹ ruột nhưng đứa trẻ ấy cũng đã mất đi một phần tuổi thơ.

Trong tích tắc ấy, cuộc sống của tất cả lạ tiếp tục đảo lộn. Dù rất khác so với khoảnh khắc Bằng Bằng bị bắt đi như nhiều năm trước, nhưng cũng xót xa và bi kịch không kém. Đứa con ruột bao ngày mong ngóng nhất quyết không về với cha mẹ ruột, còn người phụ nữ vô sinh Lý Sở Hồng cũng bỗng chốc mất đi bảo bối, dù chẳng phải ruột thịt nhưng 3 năm qua cô yêu thương chăm sóc như máu mủ ruột già. 

Đứa trẻ bị mất đi một phần tuổi thơ bỗng thấy mình bơ vơ – có nhà mà không thể về, bố mẹ ruột như người xa lạ, và người phụ nữ bấy lâu nay Bằng Bằng coi như mẹ ruột bị khép tội bắt cóc. Bi kịch mà phút giây Bằng Bằng bị cướp đi vẫn chứa khép lại, ngay cả khi em đã được đưa trở về với những người ruột thịt…

Chỉ vì năm xưa, chồng của Lý Sở Hồng đã bí mật bắt cóc Bằng Bằng, đem về cho vợ nuôi với lời nói dối: “thằng bé mồ côi…”.

Thiêng liêng 3 chữ - Con thân yêu

Trong hành trình tha hương tìm con, Văn Quân luôn quấn quanh người mảnh vải in dòng chữ: “Nếu đã mua con tôi, xin hãy đối xử tốt với Bằng Bằng. Xin đừng cho cháu ăn đào, bởi cháu bị dị ứng với loại quả này. Xin hãy yêu thương con tôi, nếu bạn đã mua cháu…”.

Khi anh đưa được con về nhà, câu đầu tiên mà Lý Sở Hồng van xin, đó là: “Xin đừng cho con tôi ăn đào. Thằng bé bị dị ứng”…

Hành trình tìm kiếm con thân yêu của Văn Quân kết thúc, chỉ để bắt đầu bi kịch mất con của người mẹ quê mùa Lý Sở Hồng…

Con thân yêu là như thế, đớn đau, nghẹn ngào, nhưng chân thực, nhân văn và truyền cảm hứng, đến với ngay cả những khán giả chưa làm cha mẹ. Không màu mè, kịch tính hay có những nút thắt, nút mở đến đứng tim, Con thân yêu là một khúc ca buồn và trầm lắng những cung bậc cảm xúc thấu tâm can.

Không phải trải qua bi kịch như các nhân vật trong phim mới có thể cảm nhận được nỗi đau mà những bậc làm cha làm mẹ bị mất con phải trải qua.

Nỗi đau ấy, thậm chí còn nghiệt ngã hơn cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, bởi họ mãi mãi phải sống trong sự hối hận vì một phút lơ đãng, suốt đời phải dằn vặt vì những viễn cảnh khủng khiếp khi bé con phải chìm nổi trong cuộc sống xoay vần mà không có sự chở che của bố mẹ. 


Bộ phim đem đến một cảm giác hết sức buồn thương về một xã hội mà nạn bắt cóc trẻ con đã trở thành nỗi lo sợ và ám ảnh thường trực


Bộ phim do đạo diễn Trần Khả Tân thực hiện, gay tiếng vang lớn sau khi phát hành vào năm 2014. Dù là người Hồng Kông, nhưng đạo diễn Trần đã tạo nên một bộ phim đậm chất đại lục. Từ nội dung về những đứa trẻ bị bắt cóc và gia đình các bé đến tiếng động, âm thanh, sắc màu… đều đem đến một cảm giác hết sức buồn thương về một xã hội mà nạn bắt cóc trẻ con đã trở thành nỗi lo sợ và ám ảnh thường trực.

Ở đất nước quá đông dân ấy, những em bé bị cướp khỏi gia đình, trở thành những món hàng cho bọn buôn người đổi chác. Nếu may mắn, các em sẽ được những gia đình hiếm con mua về nuôi. Nếu bất hạnh, sẽ trở thành những đứa bé bị buộc phải lao động khổ sai.

Tệ hơn nữa, bị lạm dụng và đưa vào gồng quay của hoạt động mua bán nội tạng. Dù thế nào, khi không còn được ở trong vòng tay yêu thương của gia đình, thì tất cả những gì trẻ thơ phải đối mặt đều là giông bão. 
 


Vai diễn mang nhiều đột phá của Triệu Vy.

Khi ra mắt, Con thân yêu tập trung tuyên truyền cho nhân vật Lý Sở Hồng do ngôi sao Triệu Vy thể hiện. Cô xuất hiện ở phần sau, chỉ khác lạ so với thường thấy bởi hình ảnh một người phụ nữ quê mùa, ít học. Mái tóc cắt ngắn, áo quần lem luốc, quả thật khó nhận ra đó là một “én nhỏ” xinh tươi.
 


Hoàng Bột và Hác Lôi đã tỏa sáng với diễn xuất tuyệt vời.

Nhưng hai diễn viên thuộc trường phái thực lực là Hoàng Bột (Điền Văn Quân) và Hác Lôi (Lỗ Hiểu Quyên) mới thực sự tỏa sáng khi thể hiện xuất sắc hình ảnh người cha, người mẹ bị tước đoạt đứa con ra khỏ vòng tay. Từ đầu đến cuối, cả hai đã truyền đến những cảm xúc chân thật nhất đến khán giả, để những người chưa một lần được làm cha mẹ dường như có thể chạm vào bi kịch tận cùng ấy.

Con thân yêu là một bộ phim đáng để xem, không chỉ dành cho các bậc phụ huynh, mà dành cho toàn xã hội. Không chỉ là nỗi buồn, là sự phản ánh, khắc họa, bộ phim còn là một hồi chuông cảnh báo và cảnh tỉnh tới những kẻ tàn ác biến trẻ thơ thành những món hàng trao đi đổi lại, cướp đi tuổi thơ và hạnh phúc của các em vì những lợi ích cá nhân trước mắt. 

Và có thể, bộ phim sẽ khiến chúng ta trân trọng hơn những gì mình đang có, biết yêu thương hơn nữa những thiên thần bé nhỏ - giờ đang khép bờ mi ngoan bình yên trong vòng tay gia đình. 

Sansan
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/con-than-yeu-bi-kich-tan-cung-khi-con-tho-bi-tuoc-doat-khoi-vong-tay-me-cha-n-115766.html

bắt cóc trẻ em lạm dụng trẻ em Triệu vy

Tin tức mới nhất