Phải huy động vốn do khó khăn tài chính

Sau hơn nhiều giờ công bố cáo trạng, gần trưa 19/3, HĐXX cho cách ly bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) để xét hỏi các bị cáo còn lại.

Trả lời đầu tiên, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) cho biết, tại Tân Hoàng Minh, bị cáo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán.

“Lý do gì mà Tân Hoàng Minh lấy 3 công ty trong cáo trạng quy kết để phát hành trái phiếu?”, Chủ tọa hỏi. Bị cáo Việt cho rằng, từ năm 2021, do dịch Covid-19 hoành hành nên rất khó khăn trong vay tín dụng, do đó, phát hành trái phiếu huy động vốn từ người dân.

Theo Việt, thời gian này, Tập đoàn nhiều khoản nợ đến hạn, song không thể vay trực tiếp để đáo hạn.

Việt khai thêm, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu, sau khi có chủ trương, Việt cùng cha mình họp với nhóm lãnh đạo Tập đoàn. Tại cuộc họp này, ông Dũng đã chỉ đạo Việt và nhóm cán bộ chủ chốt của Tân Hoàng Minh lên phương án.

Cá nhân bị cáo sau đó triệu tập cuộc họp riêng với nhóm cán bộ của Tập đoàn bàn phương thức triển khai thực hiện”, bị cáo Việt nói.

Về việc sử dụng ba công ty: Ngôi Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông và Soleil, để phát hành trái phiếu, Việt cho hay đã báo cáo cho ông Dũng… đồng thời, chỉ đạo nhóm nhân viên làm việc với Công ty Kiểm toán bằng mọi cách “hợp thức” báo cáo tài chính.

Ngoài ra, bị cáo Việt cũng chỉ đạo nhóm nhân viên liên hệ với các Công ty Thẩm định giá ban hành báo cáo thẩm định theo yêu cầu của đơn vị tư vấn.

Về phương án “chạy dòng tiền” tạo giá trị "ảo", Việt khai các phòng ban chuyên môn tự thực hiện. Tuy nhiên, câu trả lời của Việt bị chủ tọa ngắt lời hỏi: “Việc chạy dòng tiền từ 1 thành 10 như thế mà bị cáo không chỉ đạo thực hiện thì ai làm?”. Việt khai quanh co nhưng sau đó phải thừa nhận chính bản thân đã chỉ đạo nhân viên.

Con trai Chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên chạy dòng tiền ảo-1
Các bị cáo tại phiên tòa.

Thực hiện theo chỉ đạo, không hưởng lợi

Đối với cáo buộc “thông đồng” với nhóm Công ty Thẩm định giá, Công ty Kiểm toán, Việt cho biết, các ban chuyên môn tự liên hệ thực hiện dựa trên chủ trương phát hành trái phiếu ban đầu do Chủ tịch và Tổng giám đốc phê duyệt. Khi trái phiếu bán ra thị trường, thu về bao nhiêu tiền đều báo cáo lên Tổng giám đốc.

“Tân Hoàng Minh đã khắc phục bao nhiêu cho bị hại?”, Chủ tọa hỏi. Bị cáo Việt cho biết đã nộp hơn 6.000 tỷ đồng cộng với khoản truy thu của cơ quan điều tra đến nay đã khắc phục toàn bộ.

Tới lượt mình, các bị cáo Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán); Lê Thị Mai (nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn Tân Hoàng Minh) và Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn) đều thừa nhận lời khai của Phó tổng giám đốc Đỗ Hoàng Việt là đúng.

Nhóm bị cáo cho rằng, việc tạo lập hồ sơ báo cáo tài chính giá trị "ảo" là không đúng, song việc tạo dựng này chỉ thực hiện theo chủ trương cuộc họp phát hành trái phiếu. Quá trình làm không hưởng lợi ích vật chất, chỉ hưởng lương.

Trong cáo trạng, Viện kiểm sát cáo buộc do khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, từ tháng 6/2021 - 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty: Ngôi Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông và Soleil, phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã gian dối hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.

Ngoài ra, nhóm ông Dũng còn "thông đồng" với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu; ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”; đồng thời, sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm, từ đó, tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để phát hành trái phiếu huy động được hơn 14.000 tỷ đồng, cha con ông Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.643 tỷ đồng.

Theo Viện kiểm sát, dù số trái phiếu tổng trị giá hơn 10.030 tỷ đồng nhưng tài khoản của Tân Hoàng Minh khi này chỉ có 40 - 200 tỷ đồng.

Theo Tiền Phong