Chị Nguyễn Thị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cậu con trai lớn của chị đã 16 tuổi, cháu học giỏi và là học sinh một trường chuyên top đầu của thành phố nên mỗi khi nhắc đến việc học của con, chị rất tự hào.

Để con có được thành tích đáng ngưỡng mộ trên, ngay từ khi con còn học tiểu học, gia đình chị Hà đã dành cho con nhiều sự ưu ái, không bắt con làm việc nhà, chỉ chăm chú vào học tập liên miên.

Tuy nhiên, gần đây chị giật mình nhìn nhận lại cách dạy con của mình khi thấy con quá “gà mờ”.

“Cháu học cấp 3 nhưng hằng ngày đi học vẫn dùng chiếc xe đạp cũ từ cách đây 4 năm, nó hỏng hóc liên tục. Tôi đề nghị dạy con học đi xe đạp điện để mua cho con một cái để đi học cho đỡ vất vả nhưng cháu không chịu.

Đến độ chồng tôi phải tìm đến cửa hàng xe đạp cũ mua 1 chiếc về và nói dối là xe của một người bạn tặng lại thì cháu mới chịu dùng.

Hôm trước, tôi đang nấu ăn thì phát hiện thiếu rau mùi tàu nên nhờ cháu xuống siêu thị mua. Chờ gần 45 phút mới thấy cháu mang đồ về, hỏi tại sao lâu thế thì cháu nói không biết rau mùi hình thù thế nào nên phải nhờ cô nhân viên siêu thị lấy giúp, mà lúc đó giờ cao điểm đông khách nên mãi cô đó mới ra tìm giúp được”, chị Hà kể lại.

Con trai học siêu giỏi, ông bố vẫn than phiền 1 câu chua chát-1
Dòng tâm sự của phụ huynh thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Một lần khác con chị Hà đi khai giảng nhưng vô tình bị ngã bẩn hết chiếc áo, cậu bé mặt mũi lem nhem khóc từ trường rồi đi bộ về nhà.

“Tôi bảo áo bẩn tại sao con không mua tạm một chiếc áo trắng ở cửa hàng quần áo gần đó rồi gọi điện cho bố mẹ đến vì nhà cách trường chỉ 4km. Hễ có việc gì là thằng bé chỉ xị mặt và im lặng chứ không năng động như những đứa khác”, chị Hà than thở.

Sự “tồ tệch” của con trai chị Hà không phải là hiện tượng cá biệt. Khi được hỏi vấn đề này, ngay lập tức rất nhiều phụ huynh đưa ra những bằng chứng cho thấy con mình cũng mắc tình trạng tương tự mặc dù đi học rất giỏi.

Mới đây, một nam phụ huynh Hà Nội cũng phải thốt lên rằng: “Nhà người ta chỉ mong con ngoan, giờ mình chỉ mong con nghịch, phá một chút”.

Hỏi lý do thì ông bố này cho biết con anh học rất giỏi, thi đạt 8.0 IELTS và cũng là học sinh giỏi tỉnh nhưng ngày nào đi học cũng phải bố mẹ đưa đón vì không biết đi xe, không biết nấu ăn và không biết đùa nghịch với bạn bè.

Nói về vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, giáo dục kỹ năng sống là trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ và kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực cũng như loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống, qua đó có thể tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.

Thế nhưng, hiện nay nhiều gia đình đang biến trẻ thành “gà công nghiệp”, phục vụ cho con mọi thứ, còn giáo dục ở trường học biến trẻ thành những “siêu nhân” chạy theo mục tiêu làm sao đạt thành tích, giải thưởng này nọ.

“Nhà trường không coi trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề trong khi phụ huynh cũng quá coi trọng thành tích thì việc biến con thành 'gà mờ' là dễ hiểu.

Bố mẹ hãy mạnh dạn bỏ thói quen bao bọc con, để con tự va chạm, tự thích nghi, hòa nhập với cuộc sống thay vì con học cấp 3 nhưng bố mẹ lo cho từng bữa sáng, thậm chí quần áo, đồ đi tắm mẹ cũng chuẩn bị tận nhà tắm, không cho con có được cơ hội tự làm, tự chịu trách nhiệm với cuộc sống.

Nếu chúng ta cứ mãi bao bọc để những đứa trẻ không biết tự ăn, tự mặc, những hạn chế cá nhân còn bị xem là 'chuyện nhỏ' thì về lâu dài đó chính là mối nguy lớn.

Khi không có các kỹ năng cơ bản cũng có nghĩa là các em mất cơ hội bồi đắp các giá trị sống, sau này tốt nghiệp đại học ra trường sẽ 'vật lộn' thế nào với cuộc sống, với công việc?”, chuyên gia Nguyễn Phương Anh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này thì hiện nay nhiều gia đình có con học đại học cũng còn bao bọc con rất nhiều, ví như ở lớp con có chút chuyện và con hoàn toàn có thể xử lý được nhưng bố mẹ cũng nháo nhào gọi điện nhờ giáo viên giúp đỡ, không cho con cơ hội được chịu trách nhiệm với việc mình làm.

“Hãy thả con ra, để các con tự chơi, tự học, tự chịu trách nhiệm trong vòng kiểm soát của mình, đó là cách khiến con nhanh trưởng thành nhất”, chuyên gia Nguyễn Phương Anh nhắn nhủ.

Theo Infonet