Ngày 6/4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp bàn kế hoạch thực hiện kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024.
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa, vụ ngộ độc năm 2022 ở trường iSchool Nha Trang khiến hơn 660 học sinh, cán bộ, nhân viên phải nhập viện và vụ ngộ độc cơm gà Trâm Anh hơn 360 người nhập viện có nhiều yếu tố gây ngộ độc, trong đó có yếu tố nguồn nước.
Khánh Hòa tổ chức họp bàn nội dung Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024 (Ảnh: Trung Thi).
Qua điều tra, Trường Ischool Nha Trang đã sử dụng nguồn nước bơm từ lòng đất lên bồn chứa inox không được kiểm định. Kết quả kiểm định phát hiện chỉ số Coli (độ tinh khiết) vượt quy chuẩn. "Nguồn nước này dùng sơ chế thực phẩm, có thể dẫn đến gây ngộ độc", Thượng tá Thảo nói.
Bên cạnh đó, quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo quy trình 4 bước như rã đông, ăn chín, uống sôi do đó dẫn đến có vi khuẩn trong thực phẩm.
Đối với vụ ngộ độc cơm gà Trâm Anh, theo Thượng tá Thảo, đến nay chưa xác định nguồn thực phẩm, tuy nhiên kết quả xét nghiệm nguồn nước giếng bơm lên sử dụng rửa, chế biến là không đảm bảo.
Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo phát biểu (Ảnh: Trung Thi).
Cũng theo đại diện Công an tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra trên địa bàn tỉnh, công an đã phát hiện nhiều kho đông lạnh có loại gà nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác.
"Tra trên các sổ sách, chứng từ, chúng tôi thấy giá nhập, bán của loại nguyên liệu này rất rẻ", Thượng tá Thảo cho hay.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bất ngờ trước ý kiến việc sử dụng nước giếng trong sơ chế thực phẩm, trong khi đó nguồn nước máy hiện rất dồi dào.
Thượng tá Thảo cho hay quá trình sản xuất, kinh doanh, lượng nước các hàng quán sử dụng rất nhiều. Trong khi đó, giá nước cho hộ kinh doanh cao nên các quán sử dụng song song nước giếng và nước máy.
Bà Đào Thị Vân Khánh, Giám đốc Trung tâm An toàn thực phẩm khu vực miền Trung (Pasteur Nha Trang - Bộ Y tế), cho rằng nguồn nước giếng không đảm bảo là một yếu tố góp phần dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Hơn 360 người phải nhập viện thăm khám, điều trị sau khi ăn cơm gà Trâm Anh (Ảnh: Phú Khánh).
"Các cơ sở trong vụ ngộ độc đều được công bố đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng việc cấp giấy đủ điều kiện là tại thời điểm cấp, còn trong thời gian triển khai dịch vụ, các điều kiện không còn như ban đầu. Khi đoàn đi kiểm tra, cần chú ý vấn đề này, đừng chỉ kiểm tra hồ sơ", bà Khánh kiến nghị.
Theo bà Khánh, ngoài yếu tố nguồn thực phẩm sạch, hành vi của người chế biến cũng rất quan trọng.
Kết luận cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu đề nghị các sở, ngành nhanh chóng thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
"Các đoàn phải thực hiện kiểm tra tất cả các thực phẩm, trong đó tập trung các cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm từ gà", ông Thiệu yêu cầu.
Ngày 5/4, 37 học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo nhập viện để kiểm tra sức khỏe, điều trị nghi ngộ độc.
Cũng tại thời điểm này, một nữ sinh lớp 5 sau khi ăn sushi, uống nước ngọt khoảng 30 phút có biểu hiện muốn nôn, sùi bọt mép và được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng tử vong ngoại viện. Nguyên nhân tử vong của nữ sinh này đang được điều tra.
Tháng trước, ngành y tế Khánh Hòa ghi nhận 10 học sinh Nha Trang nhập viện điều trị nghi do ăn cơm gà trước cổng trường.
Hồi giữa tháng 3, có 369 người bị ngộ độc sau ăn tại quán cơm gà Trâm Anh tại thành phố Nha Trang. Nguyên nhân ngộ độc được cho là các món gà, sốt trứng, dưa chua... lây nhiễm chéo các vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Mẫu nước giếng tại quán ăn này ghi nhận có vi khuẩn.
Năm 2022, hơn 660 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn Salmonella từ món cánh gà.
Theo Dân Trí