BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, cây mãng cầu xiêm không chỉ được biết đến là cây ăn quả mà còn là cây thuốc quý. Tất cả bộ phận từ cây mãng cầu xiêm đều có thể sử dụng. 

Quả mãng cầu xiêm có thịt trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt, chua giống mùi na, tác dụng giải khát, bổ.

"Người ta thường dùng quả chín để ăn, thịt quả pha thêm nước và đường, rồi đánh như đánh trứng gà làm thành loại sữa dùng để giải khát, bổ mát và chống hoại huyết", bác sĩ Vũ nói và cho biết ngoài quả mãng cầu xanh, phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét.

Hạt mãng cầu xiêm được dùng làm thuốc sát trùng hay đem giã nhỏ lấy nước gội đầu trừ chấy rận.

Lá mãng cầu xiêm non có thể dùng làm gia vị, nấu hãm uống buổi tối sẽ làm dịu thần kinh. Lá và vỏ cũng được dùng làm thuốc chữa sốt, tiêu chảy và trục giun. Nhiều người cũng dùng lá mãng cầu làm thuốc trị sốt rét, thường dùng để chặn cữ.

Công dụng chữa bệnh của mãng cầu xiêm-1

Công dụng, bài thuốc của mãng cầu xiêm

Chặn cữ sốt rét: Lá mãng cầu xiêm 10-15 lá, vắt lấy nước cốt uống một lần. Ngày uống 4 lần.

Chữa bệnh chàm: Lá mãng cầu xiêm được dùng như bài thuốc làm giảm bệnh chàm trên da, đặc biệt, phần lõi trái là món ăn tốt cho trẻ bị yếu bàng quang cũng như giúp ngừa tật đái dầm thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Giúp an thần: Loại trà chế biến từ lá mãng cầu xiêm giúp làm dịu thần kinh khi bị căng thẳng, đem lại giấc ngủ ngon. Người xưa thường lá mãng cầu xiêm như phương thuốc gia truyền giúp an thần.

Chữa bệnh đường niệu, sỏi thận: Nước ép nạc quả mãng cầu xiêm có tác dụng trị bệnh về đường tiết niệu, tiểu ra máu và bệnh đau gan. Nước sắc từ rễ hoặc lá còn non giúp trị bệnh sỏi thận.

Chữa bệnh tiêu chảy, nôn mửa: Hoa mãng cầu xiêm làm giảm chứng tiêu chảy mạn tính.

Chữa đau nhức các khớp: Nghiền nát lá đắp lên chỗ khớp bị đau nhức sẽ thấy hiệu quả rất rõ rệt.

Chữa viêm tấy, điều trị vết thương: Chiết xuất từ vỏ cây, cuống, lá và rễ của cây mãng cầu xiêm công dụng kháng khuẩn gây mầm bệnh và nấm gây bệnh. Nước sắc cô đặc từ lá mãng cầu xiêm giúp ngừa viêm tấy rất hữu hiệu. Phần nạc (trong quả) dùng làm thuốc đắp lên vết thương giúp mau lành.

Ngừa giun sán: Hạt mãng cầu xiêm nghiền nát uống giúp trị giun sán, ký sinh trùng (rễ cây cũng có tác dụng tương tự).

Bồi dưỡng sức khỏe: Thành phần vitamin B, C của nạc mãng cầu xiêm dùng để chế biến món sinh tố, kem, nước ép rất tốt cho cơ thể.

Đề phòng cao huyết áp: Lá mãng cầu xiêm được dùng để uống như trà giúp ngừa huyết áp.

Mãng cầu xiêm tuy tốt nhưng bác sĩ Vũ lưy ý, phụ nữ có thai không nên dùng các chế phẩm làm từ lá, rễ và hạt mãng cầu xiêm (phần thịt của quả không bị hạn chế).

Lá, rễ và hạt tác dụng gây hạ huyết áp, ức chế tim, người dùng thuốc trị áp huyết cần tư vấn với thầy thuốc điều trị.

Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên môn khi dùng mãng câu xiêm làm thuốc, tránh lạm dụng không có lợi cho sức khỏe.

Theo VTC