Bà Evita Cleverly, năm nay 80 tuổi, người Nam Phi, cho biết bà đã bị ông chồng hiện tại là Roy đá chân khi họ cùng nhau chờ xe buýt ở Milton Keynes (Anh).
"Tôi đã tìm thấy tình yêu ở bến xe buýt. Tôi là người phụ nữ cô đơn đã vài năm nay, đã ly hôn và muốn tìm bạn đồng hành".
Năm 2011, bà Evita từ Nam Phi đến Anh thăm gia đình. Khi đó, bà đang 78 tuổi, là người độc thân, có bốn con và từng nghĩ sẽ không lấy thêm người chồng nào nữa sau 6 lần ly hôn.
Nhưng hôm đó, Evita gặp một người đàn ông cũng đợi xe bus đến trung tâm mua sắm ở ở Milton Keynes. Bà nhờ ông ấy hướng dẫn thời gian chờ xe bus, giá vé và giúp tìm đến trung tâm mua sắm.
"Thấy ông ấy dễ chịu, tôi nhét số điện thoại của mình vào tay ông ấy", bà nói.
Bà Evita Cleverly và người chồng thứ 7
Sau đó, ông Roy đã gọi để mời bà Evita đi ăn tối và thể hiện bài hát Bức Thư Tình Trên Cát của Pat Boone. Khi bà Evita trở về Nam Phi, ông Roy đã rất mong bà quay lại Anh.
Sau khi xử lý các thủ tục pháp lý, bà Evita đã trở về Anh và 2 người kết hôn vào năm 2012.
Các con vui vẻ chúc phúc khi mẹ có tình yêu mới, mừng vì bà gặp được người đàn ông tốt.
Người phụ nữ cho biết không muốn nói xấu bất kỳ ai trong 6 người chồng trước, bởi khi ly hôn, cả hai đều có lỗi.
"Tôi chẳng thích thú gì khi có tới 6 cuộc hôn nhân không thành. Tôi cũng chỉ ước mình có thể trọn đời sống bên một người chồng", bà nói.
Nhiều người nghĩ rằng người lớn tuổi không còn nhu cầu yêu đương như thời trẻ, chỉ chủ yếu sống sao cho khỏe mạnh vui vẻ cùng con cháu là đủ rồi, nếu không lại bị mang tiếng là "mất nết" hay "già mà ham".
Thế nên, người lớn tuổi thường gói mình trong những khuôn khổ và suy nghĩ mang tính cục bộ, bó buộc lại cái tôi cá tính mà lứa tuổi nào cũng có. Chỉ cần mặc một chiếc áo hơi rằn ri kiểu cọ chút là có thể bị xét nét "già mà không biết mình già" hay đại loại thế. Chỉ cần một màu son tươi trẻ là sẽ bị soi và cho là lố.
Tuy nhiên, tình yêu ở lứa tuổi nào cũng đáng được trân trọng và là một nhu cầu cần thiết như cơm ăn, nước uống. Bởi vì, ngày nào người ta còn sống, ngày đó người ta còn khóc cười vì yêu.
Chẳng những thế, người già càng cần có tình yêu đôi lứa bởi đó chính là quãng thời gian người ta cần có một người bạn đồng hành để chia sẻ những vui buồn, cùng chăm sóc nhau và dắt nhau qua những ngày tháng quý giá vốn đã không còn nhiều ở phía trước.
Ở lứa tuổi này, người ta phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe cùng với sự cô đơn khi con cái đã trưởng thành và bước ra xã hội, để lại những người già cô độc.
Lúc này, nhu cầu về vật chất chỉ còn là thứ yếu thì nỗi sợ cô đơn, ám ảnh là người thừa bị bỏ rơi luôn hiện hữu. Đó cũng là lúc những người già cần nhất sự đồng cảm và sự yêu thương của người bạn đời.
Tình yêu vẫn cứ xuất hiện ngay cả khi người ta ở vào cái độ tuổi thập cổ lai hy. Thậm chí, tình yêu ấy vẫn mãnh liệt, vẫn nồng nàn, ngang ngửa với bất cứ tình yêu tuổi đôi mươi nào đó.
Bạn nghĩ rằng đó là một câu chuyện cổ tích, hoặc một câu chuyện hài hước. Nhưng không, ngoài thế giới rộng lớn kia, thiếu gì đâu những mảnh đời va vào nhau khi đã luống tuổi về già. Và tình yêu thì chưa bao giờ là muộn cả.
Chỉ cần tim bạn còn đập, nghĩa là tim bạn còn biết rung động vì một người nào đó. Chỉ cần bạn còn tin rằng tình yêu vẫn đang tồn tại đâu đây quanh bạn, thì nó sẽ còn xuất hiện.
Cũng có đôi khi người ta thường hay lầm tưởng. Người ta nghĩ rằng yêu thì sẽ hết cô đơn, hết buồn phiền. Tình yêu giống như một loại vitamin có đa tác dụng, khiến người ta khỏe mạnh hơn, vui tươi yêu đời hơn, và sống tốt hơn.
Theo Sức Khỏe Đời Sống