Cứu người mắc kẹt trong nhà
Những ngày qua, nhiều clip và hình ảnh mưa lũ ở Sơn La do chị Phạm Thị Vân Anh (SN 1987, tổ 3, phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) ghi lại được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ.
Trong đó, đoạn clip lực lượng cứu hộ vượt dòng nước chảy cuồn cuộn cứu người được cộng đồng mạng quan tâm và để lại nhiều bình luận nhất.
Video lực lượng cứu hộ băng dòng nước cuồn cuộn cứu người mắc kẹt trong nhà.
Chị Vân Anh cho biết, đoạn clip đó quay lại cảnh lực lượng cứu hộ của Công an tỉnh Sơn La vượt lũ cứu mẹ của chị.
Nhà mẹ cách nhà chị khoảng 500m, nằm sâu trong con hẻm trên đường Trường Chinh, TP Sơn La. Dù đoạn đường rất ngắn nhưng do mưa lũ chia cắt, chị không thể băng qua đường Trường Chinh sang cứu mẹ.
“Khoảng 4h ngày 24/7, mẹ gọi điện cho tôi, báo nước ngập trong nhà và cao đến mắt cá chân. Mẹ sống một mình và chưa từng bị nước tràn vào nhà. Vì vậy, mẹ tôi rất hoang mang, sợ hãi.
Tôi động viên mẹ bình tĩnh, rồi cùng chồng vội vàng qua nhà bà. Tuy nhiên, mặt đường Trường Chinh nước chảy cuồn cuộn, chúng tôi thấy không an toàn, đi qua rất dễ bị nước cuốn.
Lúc này, mẹ lại gọi điện, báo nước dâng lên đến đầu gối. Tôi cố trấn tĩnh và gọi lực lượng cứu hộ đến ứng cứu”, chị Vân Anh kể.
Lực lượng cứu hộ bám dây sang đường.
May mắn, lực lượng cứu hộ trực chiến nên chỉ sau khoảng 5 phút, họ đã có mặt tại hiện trường. Các chiến sĩ công an dùng dây giăng ngang đường, rồi bám vào đó để sang khu vực bị cô lập.
Lúc đội cứu hộ tiếp cận nhà mẹ chị Vân Anh, nước đã ngập đến vai người, đồ đạc bên trong nhà trôi dạt khắp nơi.
Chị Vân Anh chưa hết bàng hoàng: “Trong lúc di chuyển, mẹ tôi bị vấp té, ngụp xuống nước và rơi điện thoại. Cùng lúc, đội cứu hộ đến kịp, đưa mẹ tôi sang nhà hàng xóm trú tạm.
Lúc họ liên lạc, báo tin mẹ bình an, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Chỉ chậm một chút nữa thôi, mẹ tôi đã gặp nguy hiểm. Đến 10h ngày 24/7, nước lũ rút xuống thấp, tôi mới đón được mẹ về nhà chăm sóc.
Hiện tại, bà ăn cơm và ngủ ở nhà tôi. Lúc nào tạnh mưa, chúng tôi lại cùng bà về nhà dọn dẹp, mang đồ đạc ra phơi”.
Nhà của mẹ chị Vân Anh tan hoang sau mưa lũ
Sống ở TP Sơn La 16 năm, đây là lần đầu chị Vân Anh và mẹ chứng kiến cảnh mưa lũ ngập sâu. Ngày 25/7, mưa lớn tiếp tục gây ngập sâu, nhưng gia đình chị đã chủ động ngăn nước tràn vào nhà.
Cụ bà U100 bình tĩnh nằm trên ghế giữa biển nước
Nếu như gia đình chị Vân Anh lần đầu chứng kiến mưa lũ ngập sâu, thì bà Luyện Thị Đài (SN 1927, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã quen với cảnh nước ngập.
Vì vậy, khi mưa lũ gây ngập nhà, cụ Đài vẫn bình tĩnh, nằm trên ghế chờ con cháu đến giúp đỡ.
Hình ảnh cụ Đài không chút lo sợ, nằm yên trên ghế nhìn ra cửa được con cháu chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngay lập tức, hình ảnh này được cộng đồng mạng chia sẻ và bình luận rôm rả. Mọi người yêu thích cách cụ bà điềm tĩnh trước mưa lũ.
Lê Hải Hậu (25 tuổi), cháu ngoại của cụ Đài chia sẻ: “Ảnh bà ngoại tôi nằm trên ghế khi nước lũ tràn vào nhà được người thân chụp vào lúc 1h ngày 25/7.
Những năm có mưa bão, khu vực nhà bà ngoại tôi thường xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, con cháu sống cạnh nhà bà rất nhiều. Mỗi lần ngập nước, chúng tôi thường sang dọn dẹp giúp bà”.
Cụ Đài điềm tĩnh nằm chờ con cháu đến hỗ trợ lúc 1h sáng.
Rạng sáng 25/7, thấy mưa lớn, anh trai của Hậu - người cháu sống cùng bà, đang đi làm vội chạy về nhà. Dù nước ngập qua mắt cá chân, nhưng anh này thấy cụ Đài vẫn điềm tĩnh, nằm gác chân trên ghế nhìn ra cửa.
Chứng kiến khoảnh khắc đáng yêu của bà, anh trai của Hậu dùng điện thoại chụp lại và chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình.
Khoảng 9 – 10h cùng ngày, chị gái của Hậu tiếp tục chạy sang thăm cụ Đài. Lúc này, cụ vẫn không chút lo lắng, thảnh thơi nằm nghỉ, xem ti vi, tập thể dục… trên ghế.
Thấy bà đáng yêu và lạc quan, chị gái Hậu chụp thêm ảnh và quay clip chia sẻ với gia đình, cộng đồng mạng.
Cụ Đài rất vui vẻ, lạc quan giữa mùa mưa lũ.
Cụ Đài cao tuổi nhưng rất minh mẫn và vui tính. Với con cháu, cụ là niềm tự hào, gia tài quý báu nhất. Tinh thần lạc quan, yêu đời của cụ Đài là điểm sáng ấm áp trong bối cảnh mưa lũ phức tạp ở khu vực Tây Bắc.
Theo VietNamNet