Vì hiện tại, họ chỉ được chuyển tạm đến nơi ở mới chưa biết ngày mai sẽ ra sao, trong khi cuộc sống đang bị đảo lộn bởi người thân bị thương, mất việc, thiệt hại tài sản…

Chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đối với 62 hộ dân

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị phương án giải quyết tiếp theo vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, cụ thể như sau: Thông báo chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đối với 62 hộ dân ký hợp đồng thuê nhà với Ban Quản lý và Phát triển nhà Đường sắt (nay thuộc quyền quản lý, sở hữu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) theo quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các bên trong hợp đồng.

“Lí do là công trình nhà chính đã bị sụp đổ một phần, có nguy cơ tiếp tục sập đổ bất kỳ lúc nào tác động đến các dãy nhà ở xung quanh. Tại thời điểm hiện nay, công trình nhà cho thuê đã quá cũ, có nguy cơ mất an toàn đối với các hộ thuê nhà ở…”, lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN cho hay.

Tổng Công ty cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục bố trí đủ cho 62 hộ tạm cư để di dời toàn bộ các hộ dân ở đây ra khỏi khu vực nguy hiểm (hiện đã được 47/62 hộ, còn thiếu 15 hộ, bao gồm cả 4 hộ chưa di dời).

Thông tin chấm dứt hợp đồng thuê nhà này, đã gây xôn xao hầu hết 47 hộ đã chuyển đến khu nhà tạm cư CT1A, CT1B Định Công, Hoàng Mai, họ đều bức xúc trước thông tin trên.

 Cư dân biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bất an tại nơi ở mới - 1

Trước thông tin cắt hợp đồng thuê nhà của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, vợ chồng ông Hải, bà Tiêu rất bức xúc. Ảnh: HP

Ông Nguyễn Đình Hải, tổ trưởng tổ dân phố 107 Trần Hưng Đạo (căn nhà bị sập) bức xúc: “Chúng tôi không được thông báo trực tiếp mà đọc được ở trên mạng Internet về thông tin cắt hợp đồng thuê nhà ở nhà 107 Trần Hưng Đạo. Theo tôi thì đây là việc làm thiếu trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đối với những người dân bị nạn như chúng tôi. Mong muốn của người dân là cơ quan chức năng sớm kiểm định tình trạng tòa nhà, nếu còn sử dụng được thì để chúng tôi sớm trở về. Nếu không thể ở được thì phải có phương án bố trí cho chúng tôi yên tâm. Hiện  nay, ở đây chỉ là ở tạm, không ai cho chúng tôi biết là có thể ở đến bao giờ nên rất hoang mang”.

Hoang mang sống ở nơi tạm cư

Là cán bộ ngành Đường sắt nghỉ hưu nên ngay sau khi biệt thự cổ này bị đổ sập, gia đình ông Nguyễn Đình Hải được bố trí căn hộ khoảng 50m2 ở nguyên đơn CT1B khu đô thị Định Công. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, ông Hải phải ở nhà chăm sóc vợ bị tường nhà cổ đổ trúng người. Do khi đó, bà Nguyễn Thị Tiêu (vợ ông Hải) đang quét rác ở ngõ ra vào. Toàn bộ khối đất đá, gạch vữa đè hết lên người bà. Khi đó, ông Hải phải tri hô, nhiều người đến mới đưa bà ra khỏi đống đổ nát. Bây giờ, nhớ lại cảnh tượng đó vẫn khiến bà Tiêu sợ hãi.

Hiện, chân bà Tiêu vẫn phải bó bột, nằm một chỗ, vết thương ở đầu, ở trán vẫn còn chằng chịt sẹo. “Bà ấy vẫn phải nằm một chỗ, chưa biết diễn biến bệnh sẽ thế nào, tôi rất lo. Chi phí đi viện đã trên 20 triệu đồng, lúc này tôi mong ngành Đường sắt hỗ trợ giúp gia đình. Tôi đã photo toàn bộ giấy tờ liên quan đến bệnh án, viện phí gửi lên cơ quan chức năng nhưng vẫn không có một phản hồi nào”, ông Hải cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ 16 chiếc xe máy bị hỏng, đồ đạc của người dân tại biệt thự sập đã được trình báo, tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có một phản hồi nào.

Chị Tâm, một cư dân phải sơ tán đến đây cho biết: “Chúng tôi được cho đến đây ở nhưng không biết được ở đến bao giờ. Tôi đã kê khai thiệt hại, trong đó có chiếc xe máy SH đã bị vùi. Mong cơ quan chức năng sớm có hướng giải quyết lâu dài để người dân chúng tôi đỡ hoang mang”.

Chị Tâm, ông Hải và nhiều người dân ở khu tạm cư không khỏi lo lắng khi những thiệt hại do sập nhà gây ra vẫn chưa được bồi thường. Trong khi đó, ở nơi mới việc đưa đón con trẻ học hành bị đảo lộn. “Ở nơi tạm cư, nhiều người mất việc ngồi chơi. Trước đây, người ta có quán tạp hóa, cửa hàng, quán trà đá, giờ không có việc, không làm ra tiền, vô cùng nóng ruột”, ông Hải tâm sự.

Bà Trần Thị Sửu, người trông xe ở tòa biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đến bây giờ vẫn như người thất thần. Bà Sửu cho biết, bà thuê một phòng trong ngôi biệt thự cổ đã hơn 20 năm với giá 6 triệu đồng/tháng. Chồng bà mất đã hơn chục năm nên một mình bà vừa bán nước chè, vừa trông xe máy trong nhà để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Con gái lớn của bà hiện đang học Trường CĐ Du lịch. Con trai thứ hai học lớp 7B Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Bây giờ, hàng tháng tiền học của con đương nhiên phải đóng, quán trà đá không còn, nhà cửa được bố trí ở tạm, lại mới nghe cắt hợp đồng thuê nhà ở 107 Trần Hưng Đạo nên bà vô cùng hoang mang lo lắng.

Theo Gia đình & Xã hội