Người dân Carina mong được trở về nhà: Block C của chung cư Carina, nơi ít bị ảnh hưởng bởi đám cháy, có một số người dân quay lại ở. Họ mong sớm được ổn định cuộc sống.
Quay trở lại chung cư Carina Plaza 20 ngày sau vụ cháy, Zing ngạc nhiên khi tòa nhà vẫn có người ở. Sau vụ hỏa hoạn khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương vào đêm 23/3, điện, nước của chung cư này đã bị ngắt toàn bộ để phục vụ điều tra, đồng thời thi công sửa chữa, khắc phục hậu quả cho tới khi đủ điều kiện sinh hoạt, vận hành trở lại.
Nếu block A và B - 2 tòa nhà ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ cháy vắng hoe, không bóng người, thì block C - nơi thiệt hại nhẹ hơn vẫn có một vài hộ bám trụ ở lại, không muốn rời đi.
Cố ở đến khi chung cư hoạt động trở lại
Cuộc sống của gia đình anh Nam (tầng 7, block C) đảo lộn hoàn toàn sau đám cháy kinh hoàng 20 ngày trước. Dù may mắn sống sót, gia đình 4 người không thể tiếp tục ở lại chung cư này. Điện nước ở tòa nhà đã ngừng hoạt động. Hộ dân này được hỗ trợ 300.000 đồng/ngày tiền thuê nhà. Họ được sắp xếp ở tạm tại một căn hộ trống tại chung cư City Gates phía đối diện. Tuy nhiên, cả nhà 4 người chọn ở lại Carina.
Người dân xếp hàng lấy nước mang lên nhà sử dụng tại block C, chung cư Carina. Ảnh: Hoàng Việt.
"Một căn hộ được xây cho 1 gia đình nhưng được phân cho 3 nhà ở. Đồ đạc không có, chật chội, nóng bức, lại nơm nớp lo sợ căn đó được phân cho chủ mới nên chúng tôi không yên lòng ở đó", anh Nam giải thích lý do "bám trụ" tòa nhà từng gặp hỏa hoạn chưa đầy một tháng trước.
Không điện, không nước, anh và con trai thay phiên dùng xô xách nước từ bồn nước đặt trước sảnh lên nhà. Đây cũng là nguồn nước đang được dùng để dọn dẹp block A và B.
Căn hộ được mua vài tỷ của vợ chồng anh Nam bày đầy xô, chậu, để trữ nước. Số nước này chủ yếu dùng cho sinh hoạt cá nhân nhân, ăn uống.
"Mấy ngày mới tắm một lần. Đi vệ sinh cũng phải tiết kiệm. Nhưng nước còn giải quyết được chứ điện là chịu chết. Ban ngày cả nhà nằm dài gữa nhà cho mát, nhưng tối thì nóng lắm, không chịu nổi", vợ anh Nam than thở.
Sài Gòn đang vào đỉnh điểm mùa khô, đứa con gái út còn nhỏ, lại ốm yếu, nên vài ngày nay cứ tầm 22h, 4 người rồng rắn nhau sang căn hộ được phân cho ngủ nghỉ, để sáng hôm sau tỉnh dậy lại trở về Carina.
Cũng như gia đình anh Nam, nhà bà Liên (tầng 7, block C) cũng chọn "bám" Carina. Với suy nghĩ căn hộ của mình không bị ảnh hưởng gì, toàn bộ đồ đạc vẫn còn nguyên, bà cùng vợ chồng con trai và hai đứa cháu chấp nhận chịu nóng để ở lại.
Nước được dùng tiết kiệm, chủ yếu phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Hoàng Việt.
"Đi ra ngoài thuê thì lại ăn hàng suốt ngày, vừa tốn kém lại rắc rối. Ở đây tuy không có điện nhưng đồ đạc đầy đủ, nấu nướng được. Thôi thì chịu khó sống không điện, nước thì phải xách từ lầu trệt lên", bà Liên nói.
Cư dân này cũng làm một phép tính nhanh. Với 300.000 đồng/ngày, gia đình bà chỉ đủ thuê 1 phòng khách sạn hạng trung. Với 5 người, ít nhất nhà bà cần thuê căn hộ có 2 phòng ngủ, hoặc 1 phòng ngủ, 1 phòng khách. Số tiền này cũng khó tìm nơi nào cho thuê ngắn ngày. Chưa kể tiền ăn uống, đi lại.
"Thấy có dân ở lại, quản lý tòa nhà cũng bật thang máy cho đi lại. Vậy là tốt lắm rồi. Nóng còn chịu được, chứ già rồi khó leo nổi 7 tầng", bà Liên chép miệng, cười nói.
Phần lớn những hộ này khi được hỏi về việc tòa nhà chưa đủ an toàn để sử dụng, họ đều cho biết đã nắm rõ điều này. Và khi họ đã tự quay lại chung cư để ở, thì trách nhiệm thuộc về người dân, chứ không còn là trách nhiệm của chủ đầu tư nữa. "Nhưng chúng tôi cần nơi ở", họ giải thích.
Mong sớm ổn định cuộc sống
Theo quan sát, hiện block C có khoảng 14 hộ ở lại. Phần lớn tập trung ở lầu 7. Block A và B đang được tu sửa, dọn rửa. Block C không bị ảnh hưởng, nhưng cũng phải chờ giám định mới có thể đưa vào hoạt động.
Theo cam kết của chủ đầu tư, block C sẽ hoàn thiện trong 10 ngày. Sau khi có kết luận chung cư đủ điều kiện hoạt động trở lại sẽ thông báo đến cư dân. Tuy nhiên, đã 20 ngày trôi qua, người dân nơi đây vẫn mong mỏi ngày tòa nhà chính thức được vận hành trở lại.
Từng xô nước được người dân xách từ tầng trệt lên nhà. Ảnh: Hoàng Việt.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân chung cư Carina Plaza, cho biết nhóm cư dân đã gửi kiến nghị lên Công an TP HCM, Công ty Hùng Thanh, yêu cầu ngừng khởi công sửa chữa tầng hầm bị cháy vì lo ngại chủ đầu tư xóa dấu vết.
Đơn này cho rằng Công ty Hùng Thanh gấp rút cho thi công sửa chữa ngay vào thời điểm này là nhằm làm thay đổi hiện trường vụ án, xóa vết tích, gây cản trở trong việc giám định hiện trường, giám định thiệt hại và cản trở việc điều tra vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. "Do vậy, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư ngay lập tức ngưng việc thi công sửa chữa tầng hầm, giữ nguyên hiện trường", trong đơn nêu.
Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của một số hộ dân sống tại chung cư này thì quá trình điều tra, giám định hiện trường đã kết thúc từ lâu. Việc yêu cầu ngừng thi công làm chậm việc người dân được ổn định cuộc sống. Thậm chí, phía công an còn gửi thông báo cho biết vụ án đã được khởi tố, nguyên nhân, quá trình gây cháy đã được xác định.
"Đơn của cô Mai là đúng nhưng không đầy đủ. Việc điều tra đã kết thúc thì mong việc dọn dẹp, thi công sớm hoàn thành để chúng tôi được về nhà sinh sống. Cứ nay đây mai đó rất mệt mỏi. Cuộc sống còn phải tiếp tục. Người lớn phải đi làm. Trẻ con còn đi học", một người dân bức xúc.
Các căn hộ phải trữ nước để nấu ăn trong ngày. Ảnh: Hoàng Việt.
Theo ghi nhận của phóng viên, 3 tòa nhà của khu chung cư không còn được trông coi như những ngày mới xảy ra vụ cháy. Người ngoài có thể thoải mái ra vào bên trong.
Tới thời điểm này, các tầng 12-13-14-15 của block A đã được dọn sạch sẽ, một vài tầng trên cao của block B đã hoàn thành việc lau chùi. Không khí ở những nơi này thoáng mát, bớt nặng nề hơn những tầng dưới.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết chung cư Carina cần phải giám định lại để đảm bảo an toàn, thời điểm nay chưa thể cho cư dân vào ở trở lại.
Theo Zing