Vợ chồng tôi cưới nhau đã 4 năm, có một con gái gần 3 tuổi. Chồng tôi là người chịu khó làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, không có thú vui nào đặc biệt nào. Theo như anh tự nhận, anh là người đàn ông của gia đình.

Hồi còn yêu nhau, thấy anh khá chi ly, tính toán trong việc tiêu tiền, tôi hơi ngần ngại. Tôi nghĩ đàn ông nên phóng khoáng, chỉ cần đừng hoang phí, chơi bời là được. Kiểu đàn ông "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" như nhiều chị em kể, tôi thực sự rất sợ.

Thế nhưng mẹ tôi lại nói, hãy nhìn gương của bố tôi. Bố tôi chỉ kiếm tiền không giỏi, còn ngoài ra cái gì cũng "giỏi". Ông thuốc lá cũng nghiện, nhậu nhẹt cũng hay. Tiền kiếm được 10 đồng phá đến 7 đồng. Nếu mẹ không giỏi cáng đáng, xoay xở thì có khi chị em tôi thất học.

Mẹ bảo, thời đại giờ kiếm một người đàn ông không tệ nạn, không gái gú, biết chăm lo, vun vén cho gia đình là phúc lớn, đừng đòi hỏi nhiều quá. Tôi suy nghĩ lại, cũng thấy ngoài việc chi ly tiền bạc, anh ấy không có nhược điểm gì đáng kể. Vậy nên sau thời gian tìm hiểu, tôi đồng ý nhận lời kết hôn.

Cứ đến bữa cơm, chồng lại hỏi một câu khiến tôi chán ghét-1
Mỗi bữa ăn, chồng đều hỏi bữa cơm hết bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa: Freepik).

Giống như nhiều ông chồng khác, sau khi cưới, chồng giao phần lớn tiền lương cho tôi, anh chỉ giữ lại một ít tiền xăng xe, điện thoại. Tuy nhiên, có vẻ như anh giao tiền cho vợ nhưng không hoàn toàn yên tâm.

Thỉnh thoảng, anh lại hỏi tháng vừa rồi nhà tiêu hết bao nhiêu tiền, để dành được bao nhiêu tiền. Anh đề nghị tôi lập bảng thu chi để xem mỗi ngày, mỗi tháng chi tiêu như thế nào để dễ kiểm soát.

Từ ngày cưới nhau, chúng tôi chưa từng đi ăn ngoài hàng, dù là bữa sáng. Anh nói ăn bên ngoài sợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng tôi biết rõ, anh muốn tiết kiệm, dù là một chút cơm nguội cũng không muốn bỏ đi.

Mỗi khi con gái tôi lười ăn, hoặc ăn không hết đồ ăn bỏ dở, anh sẽ ngay lập tức làm một bài giảng về thực hành tiết kiệm, về việc bao nhiêu người còn thiếu ăn, thiếu mặc. Tôi biết anh nhằm vào tôi chứ con nhỏ đã hiểu gì.

Biết tính chồng chặt chẽ, tôi không dám tiêu hoang. Trong nhà, cái gì thực sự cần mới mua, dùng nhiều mới mua. Quần áo của con chủ yếu đều là quần áo cũ do chồng tôi về quê xin của các cháu mang lên.

Thậm chí, có lần anh còn mang quần áo của em gái mình lên cho tôi mặc "đỡ phí" khiến tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. So với anh chị em ở quê, nhà tôi cũng không đến nỗi nào mà phải làm như vậy.

Nhưng điều anh khiến tôi khó chịu nhất chính là vào mỗi bữa cơm, anh sẽ nhìn khắp lượt mâm cơm rồi hỏi: "Mâm cơm này tính ra hết bao nhiêu tiền?". Sau đó, anh sẽ chê món này đắt, món kia ăn nhiều không tốt. Anh bảo khẩu phần ăn nên bớt thịt, tăng rau. Đậu phụ có tác dụng chống ung thư, bữa ăn nào cũng nên có.

Tôi cho rằng, cái gì có thể tiết kiệm, ăn uống thì nên đủ dinh dưỡng mới có sức khỏe để kiếm tiền. Anh lại nói các ông bà hồi xưa, kể cả thời anh còn nhỏ, bữa cơm chủ yếu sắn khoai vẫn lớn lên khỏe mạnh. Anh nói cái gì cũng khiến tôi không cãi lại được.

Hôm nay, tôi đón con đi học về, ngang qua hàng vịt quay. Con nói muốn ăn, tôi liền dừng lại mua nửa con. Khi nhìn vào mâm cơm, chồng tôi hỏi nửa con vịt hết bao nhiêu tiền?

Khi nghe số tiền hơn 100.000 đồng, anh ấy không giấu nổi khó chịu: "Con nhà lính, tính nhà quan, nhà có 2 người lớn, một đứa trẻ con mà ăn hẳn nửa con vịt. Nếu mua cá thì kho ăn được cả tuần đấy".

Tôi tưởng đã quen những lời nói kiểu này rồi, nhưng hóa ra không phải. Nỗi khó chịu tích tụ ngày một lớn dần lên khiến tôi không kìm lại được.

Tôi bảo từ tháng này, anh không cần đưa lương cho tôi nữa, ngược lại, tôi sẽ nộp tiền sinh hoạt cho anh. Mọi chi tiêu sinh hoạt, ăn uống trong nhà anh tự tính toán chi tiêu cho hợp lý đỡ phải cằn nhằn, khó chịu.

Tôi tưởng nói vậy cho anh biết mình quá đáng, không ngờ anh đồng ý ngay. Thú thật, tôi hơi hối hận vì lời đã nói ra. Nếu để anh ấy đi chợ, tôi không biết bữa cơm nhà mình sẽ như thế nào.

Tôi có nên giao "tay hòm chìa khóa" cho chồng hay cứ chi tiêu theo cách của mình, kệ anh cằn nhằn, cau có?

Theo Dân Trí