Bộ phim của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân đưa người xem theo chân bà Nguyện (NSND Minh Châu), phụ nữ trung niên từ châu Âu trở về Việt Nam với hành lý là tro cốt của người chồng ngoại quốc quá cố, một con cu li lạ lẫm và nhiều nỗi tiếc nuối.

Hành trình trở về của bà mang đầy cảm giác lạ lẫm. “Phố không ra phố. Nhà không còn nhà”. Máy quay lướt qua những con đường vắng vẻ, những góc phố quen mà lạ, những công trình mới dang dở. Dù mang trong mình nỗi nhớ quê hương, bà lại thấy bơ vơ tại nơi từng gọi là mái ấm.

Những người không cho phép bản thân trôi đến tương lai

Cu li không bao giờ khóc là bộ phim về ký ức, và cách chúng xói mòn, hình thành và đôi khi giam cầm chúng ta. Sự trở về của bà Nguyện luôn bị ám ảnh bởi những ký ức về cuộc sống của bà ở Đức, nơi bà cố tìm kiếm sự ổn định nhưng chỉ gặp thêm gian truân.

Cuộc hôn nhân xa xôi của bà phản ánh một thời đại di cư và chia lìa, là một công nhân nhập cư, bà là dấu tích của thế hệ đã phải vật lộn để tìm thấy mái ấm cả trong và ngoài biên giới.

Cu li không bao giờ khóc: Đột ngột và dở dang-1
Bà Nguyện (NSND Minh Châu) với cảm giác lạc lõng trong chính căn nhà của mình. Nguồn: Square Eyes Film.

Được hoàn chỉnh và mở rộng hơn so với bộ phim ngắn Giòng sông không nhìn thấy của mình, đạo diễn Phạm Ngọc Lân trong Cu li không bao giờ khóc tiếp tục sử dụng hình ảnh dòng sông để ẩn dụ cho dòng chảy bất tận của thời gian, kéo theo phù sa ký ức. Người đồng nghiệp cũ của bà Nguyện cho rằng con người có thể tắm hai lần trên một dòng sông bởi vì họ đã xây đập để chặn dòng sông đó lại rồi, như cách những người như bà mãi chấp vào quá khứ để không cho phép bản thân trôi đến tương lai.

Thông qua những cảnh quay tĩnh, dài và bảng màu đơn sắc, đạo diễn khắc họa một cách khá siêu thực chuyến lang thang của người đàn bà. Không gian sống của bà như ngưng đọng, thế giới của bà bị tước đi sắc màu khi bước qua những nơi chốn vừa quen thuộc vừa thay đổi sâu sắc. Nhịp độ chậm rãi của bộ phim làm nổi bật sức nặng của những ký ức và sự bất lực trong việc hòa hợp quá khứ với hiện tại.

Bà gặp lại cô cháu gái Vân (Hà Phương) giữa thời điểm cô đang lạc lối và yếu đuối nhất. Vân đang vướng vào những vấn đề trong lối sống hiện đại của người trẻ, còn bà như mắc kẹt giữa những giá trị xưa cũ và một thế giới đang đổi thay. Mối quan hệ và sự xung đột giữa hai dì cháu vạch ra khoảng cách thế hệ đặc trưng trong xã hội Việt Nam đương đại.

Vân là người trẻ thích trượt băng, vui chơi nhảy múa cùng học sinh của mình. Cô đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và làm mẹ, lại vừa đối mặt với nỗi bất an trước mắt. Mối hôn nhân vội vàng và chắp vá do dính bầu của Vân và Quang (Ngô Xuân An) càng khiến bà âu lo và thất vọng.

Cu li không bao giờ khóc: Đột ngột và dở dang-2
Bà Nguyện và người cháu Vân (Hà Phương) - khoảng cách thế hệ đặc trưng trong xã hội Việt Nam đương đại. Nguồn: Square Eyes Film.

 

Đối với những người trẻ như Vân và Quang, họ còn có hiện tại và tương lai như mặc định của người đời. Song, đối với người ở độ tuổi như bà Nguyện, quá khứ là tất cả những gì bà có, là “hành lý” bà gom góp được sau suốt cả đời người bôn ba.

Vì thế, hành trình của bà Nguyện trong phim không còn là một cuộc đấu tranh với mục tiêu rõ rệt vì bà không còn gì để tranh đấu nữa. Thứ bà đang kiếm tìm là hành trình hòa giải nội tâm, nhưng lại thêm phần phức tạp bởi sự hiện diện lặng lẽ của con cu li – một sinh vật mang gánh nặng bí ẩn của riêng nó, và có thể là cả ký ức về người chồng đã khuất của bà.

Cu li không cắn nhưng để lại nhiều vết thương

Nằm trong chính tựa đề phim, con cu li nhỏ bé, lặng lẽ với đôi mắt to tròn như thể nhìn thấu tâm can của người đối diện. Đôi mắt ngây ngô này dường như chứa đựng những điều bí ẩn không lời, như dõi theo quá khứ mà bà Nguyện không thể bỏ lại. Tương tự, đôi mắt đầy tiếc nuối của bà cũng luôn nhìn vào hư vô để kiếm tìm một miền đất hứa nào đó giúp bà được trở về với tuổi trẻ của mình.

Cu li không bao giờ khóc: Đột ngột và dở dang-3
Con cu li lầm lì với đôi mắt to tròn chứa đựng những điều bí ẩn không lời. Nguồn: Square Eyes Film.

 

Cu li - con vật trông hiền lành nhưng không hề vô hại, nó không cắn nhưng nó vẫn để lại nhiều vết thương. Trong tiếng Việt, “cu-li” còn là từ chỉ những người lao động chân tay, nhắc bà Nguyện nhớ về cuộc sống của một công nhân nhập cư của mình nơi xứ người. Bà tìm thấy sự an ủi khi ở bên cạnh con vật ấy, như thể nó hiểu được nỗi cô đơn của bà.

Và rồi chính Hà Nội cũng trở thành một nhân vật đặc biệt trong phim. Những cảnh quay chậm rãi, màu phim đen trắng đơn điệu khiến thành phố như ngưng đọng, hiện ra vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm. Hà Nội đã thay đổi, nhưng cũng như bà, thành phố này vẫn mang nỗi hoài niệm về một quá khứ mà dù muốn hay không cũng không thể quên.

Không chỉ riêng Hà Nội, sự xa cách giữa con người và mái ấm của họ nổi bật trong từng nơi chốn khác trong phim. Một ngôi nhà được dùng làm nhà trẻ với bầu không khí được lấp đầy bởi tiếng nô đùa của trẻ thơ nhưng lại không phải là của con cháu của mình. Hay con đập thủy điện sừng sững mang phong cách kiến trúc Thô mộc cùng tiếng dội ầm vang của dòng nước khổng lồ tương phản với những con người nhỏ bé dành cả tuổi trẻ với nó.

Tương tự với bộ phim ngắn Giòng sông không nhìn thấy của mình, đạo diễn Phạm Ngọc Lân tiếp tục đặt những con người tí hon trước những công trình khổng lồ như tuyến đường sắt đô thị còn dang dở, đập thủy điện Hòa Bình, sự chuyển mình của quy hoạch đô thị và những công trình mới, và cách nó lưu giữ ký ức của những con người từng đặt chân đến đó.

Cu li không bao giờ khóc: Đột ngột và dở dang-4
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân (đứng giữa) cùng ê-kíp và dàn diễn viên tại thảm đỏ LHP Berlin lần thứ 74. Nguồn: LHP Berlin.

Cu li không bao giờ khóc là một bộ phim chậm rãi nhưng không hề nhẹ nhàng, khám phá chiều sâu về triết lý của ký ức, những tổn thương và cách mà con người phải học cách chung sống. Kết của phim đột ngột và dang dở, tựa như cái cách mà cuộc đời đôi khi kết thúc. Nỗi lo âu và sự khó khăn sẽ không có hồi kết, nó chỉ được truyền lại cho thế hệ mai sau. Thế nhưng nó không phải là di sản duy nhất mà người trẻ được nhận, đó còn là lòng tốt và sự thấu cảm mà con người dành cho nhau.

 

Theo Tiền Phong