Mới đây, câu chuyện về ông Nguyễn Lụng - người bán vé số ở Sài Gòn kiếm tiền nuôi vợ mắc ba bệnh ung thư suốt 25 năm - được nhiếp ảnh gia Nam Ngô chia sẻ trên trang cá nhân, khiến dân mạng xúc động.

Nhiều người cho rằng trong cuộc sống hiện đại, hiếm có người chồng nào hết lòng vì vợ như vậy.

Số phận nghiệt ngã

Gần 25 năm nay, ông Nguyễn Lụng (thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) bươn chải mưu sinh giữa Sài Gòn bằng nghề bán vé số.

Mỗi ngày, người đàn ông 71 tuổi kiếm được khoảng 80.000 đồng. Ông gửi 2/3 số tiền thu hàng tháng về quê, phụ các con nuôi người vợ mang trọng bệnh.

Ông Lụng có thân hình nhỏ bé, nhanh nhẹn, lúc nào trông ông cũng tất bật, vội vàng. Dáng vẻ ấy được hình thành sau nhiều năm chạy ngược xuôi vừa bán vé số vừa chăm vợ nằm bệnh viện.

Ông Lụng kể từ năm 1992 đến nay, bà Phan Thị Mẫn (68 tuổi) - vợ ông - liên tiếp mắc nhiều bệnh ung thư.

Căn bệnh đầu tiên bà Mẫn mắc phải là ung thư tử cung. Khi đó, ông bỏ hẳn nghề làm ruộng, đem tất cả vốn liếng đưa vợ lên Sài Gòn chữa bệnh.

Ông Lụng luôn mang theo giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng bên người. Ảnh: Nam Ngô.


Để có tiền chữa bệnh cho vợ và trang trải chi phí sinh hoạt của hai người, ông bắt đầu đi bán vé số những lúc không lên viện chăm vợ. Sau 4 năm điều trị tích cực, trải qua 36 lần xạ tia, căn bệnh ung thư của bà Mẫn đỡ dần.

Không lâu sau, năm 2000, bà Mẫn bị ung thư đại tràng, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Sau khi đỡ bệnh, bà tiếp tục trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Mỗi lúc sức khỏe ổn định, bà Mẫn thường cùng chồng đi bán vé số kiếm thêm thu nhập. Hai ông bà vất vả mưu sinh ở chốn đô thành với hy vọng chữa dứt điểm căn bệnh hiểm nghèo dai dẳng, để có thể về quê vui sống an nhàn cùng con cháu.

Nhưng niềm mong ước ấy chẳng bao giờ thành hiện thực. Căn bệnh ung thư quái ác vẫn không buông tha người phụ nữ tuổi lục tuần. Năm 2011, bà Mẫn bị ung thư trực tràng, phải thực hiện hóa trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Tuy nhiên, đang điều trị giữa chừng, bệnh viện cho bà về quê vì bệnh tình quá nặng. Suốt ba tháng sau đó, ông Lụng vẫn ở Sài Gòn bán vé số, gửi tiền về mua thuốc men cho vợ.

Chia sẻ về những tháng ngày vất vả nơi đất khách, ông Lụng nói: “Tôi vừa đem vợ đi chữa bệnh, vừa bán vé số. Hai vợ chồng sống nhờ cơm từ thiện của những người hảo tâm. Thế mà chúng tôi cũng sống lay lắt ở Sài Gòn được 25 năm”.

“Giờ bệnh tình vợ tôi nặng quá rồi. Tôi sợ bà ấy không thể vượt qua được số mạng, không biết có gắng hết năm nay không. Còn tôi chỉ biết lặn lội bán vé số qua ngày, nuôi bà ấy thêm được ngày nào hay ngày ấy”, ông Lụng buồn bã tâm sự.

Gian nan ngoài đời

25 năm nuôi vợ bệnh tật khiến gia đình ông Lụng kiệt quệ, phải vay mượn khắp nơi, căn nhà tạm lợp tôn ở quê chẳng mấy khi có bóng người. Nay bà Mẫn về dưỡng bệnh, các con thay phiên nhau qua chăm sóc bà.

Ông Lụng kể vợ chồng ông sinh được 7 người con (2 trai, 5 gái). Các con ông đều làm ruộng hay phụ hồ, kinh tế không khá giả gì.

Mấy năm nay mất mùa suốt nên kinh tế càng khó khăn. Nhưng tháng nào mỗi người cũng để dành 1-2 triệu đồng chung vào chữa bệnh cho mẹ.

Hình ảnh ông Lụng tất bật, chạy ngược xuôi bán vé số cho kịp giờ được nhiếp ảnh gia ghi lại. Ảnh: Nam Ngô.


Số tiền ông Lụng và các con chung vào chữa bệnh cho bà Mẫn từ năm 1992 đến nay rất lớn. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, đầy lo toan luôn trầm ngâm khi nghĩ về 25 năm bôn ba mưu sinh của mình.

Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi khổ lắm, 25 năm nay sống lay lắt ở Sài Gòn, kiếm từng đồng chữa bệnh cho vợ. Chừng này tuổi rồi vẫn phải đi bán vé số, còn gian nan ở ngoài đời”.

“Vợ thấy tôi vất vả, bà ấy buồn, không muốn tôi đi bán vé số nữa. Nhưng không bán thì lấy đâu ra tiền mua thuốc và sữa cho bà ấy?

Giờ tôi chỉ biết cầu nguyện cho bà ấy sống thêm được với chồng, con. Cái tình chồng nghĩa vợ đời này tôi phải làm cho trọn”, ông Lụng nói.

Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quang Minh (47 tuổi) - Trưởng thôn Phú Sen Tây - cho biết gia đình ông Lụng thuộc diện hộ nghèo của thôn.

“Gia đình ông Lụng, bà Mẫn khó khăn lắm. Nhà cửa tạm bợ, trông như nhà tạm.

Mỗi tháng, bà Mẫn được nhận 270.000 đồng tiền trợ cấp bệnh tật. Bà ấy bị bệnh viện trả về ba tháng nay nên mấy đứa con ở gần đó thay nhau đi lại chăm sóc”, ông Minh thông tin.

Các nhà hảo tâm có thể liên hệ theo số điện thoại của ông Nguyễn Lụng: 0168 3499 449.

Ông hiện trọ ở hẻm 214, đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM.

Hoặc tìm gặp trực tiếp bà Phan Thị Mẫn ở thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo Zing