Sinh năm 1927, ông Nguyễn Hữu Trọng (ở thôn Yên Sở, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội), không chỉ nổi tiếng là một bác sĩ tài ba, mà đời tư của ông được nhiều người biết đến như một “câu chuyện cổ tích” thời hiện đại.
Theo đó, ông Trọng lập gia đình khi tuổi tròn 80, còn vợ là chị Đinh Thị Bảy chưa đầy 28 tuổi. “Chuyện một ông lão 80 lấy một cô gái trẻ đẹp khiến không ít người dèm pha, đàm tếu. Đặc biệt là khi vợ tôi mang thai con đầu”, ông Trọng chia sẻ.
Ngoài dạy con cách sống, ông Trọng còn dạy con học đàn, học vẽ.
Theo lời kể của ông Trọng, sau khi lấy nhau một thời gian vợ ông có thai. Nhiều người còn đoán già, đoán non cho rằng đó không phải là con của ông Trọng vì ở cái tuổi 80 thì không thể sinh con được nữa.
“Khi đó tôi bỏ ngoài tai tất cả, tôi chỉ suy nghĩ một điều rằng phải chăm sóc cho vợ thật tốt, để sau này con ra đời khỏe mạnh”, ông Trọng cho hay. Sau khi sinh con gái đầu lòng, hai vợ chồng ông Trọng vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người lại bắt đầu “kích đểu” và “thách đố” ông đẻ được con trai.
Đám cưới của vợ chồng cụ ông kéo dài 28 ngày
“Khi đó, tôi đã 83 tuổi, còn vợ tôi cũng muốn sinh thêm một đứa con nữa cho có chị, có em, trong thâm tâm tôi cũng muốn như vậy. Nhưng do ở trung tâm Hà Nội ngột ngạt nên gia đình tôi đã lên Ba Vì để sinh sống.
Lạ thay, vừa về nơi ở mới thì vợ tôi mang bầu cháu thứ 2. Điều hạnh phúc nhất là khi siêu âm, các bác sĩ cho biết đó là một cậu con trai”, ông Trọng nhớ lại.
Kể lại giây phút đưa vợ đi đẻ lần 2, ông Trọng nói: “Hôm đó trời mưa tầm tã, vợ tôi ra bệnh viện 105 Sơn Tây để sinh con. Khi ra đến viện con trai tôi gan lắm, mãi không chịu ra.
Lúc đó, tôi ra chợ mua một bó hoa thật to về để tặng vợ sau khi sinh. Nhưng khi về thì con trai tôi đã chào đời. Điều trớ trêu nhất là vừa về đến nơi nữ hộ sinh ở bệnh viện đề nghị tôi phải bế vợ về phòng.
Quả thật, một ông lão 83 tuổi đi bế bà đẻ thì chẳng an toàn chút nào. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi có một động lực rất lớn, vẫn hiên ngang bảo vợ quàng tay vào cổ và bế suốt đoạn đường dài khoảng 70 mét về đến phòng trước sự chứng kiến của hàng trăm người có mặt ở bệnh viện”.
Ngoài câu chuyện sinh con ở tuổi ngoài 80, câu chuyện về đám cưới được tổ chức dài ngày nhất Việt Nam cho đến thời điểm này cũng thuộc về ông Nguyễn Hữu Trọng.
Theo đó, đám cưới của hai vợ chồng ông Trọng được tổ chức liên tục trong vòng 28 ngày, suốt 28 ngày đó ông Trọng và vợ đã đón hơn 4.000 khách và ngày nào vợ ông cũng mặc áo cưới.
“Cứ có khách đến là chúng tôi tổ chức cỗ bàn, tôi mặc áo vest và vợ tôi mắc áo cưới cô dâu”, ông Trọng chia sẻ. Ông Trọng nhớ lại: “Sau khi về quê vợ ra mắt, được sự đồng ý của gia đình nhà vợ, tôi mạnh dạn đề nghị được cưới luôn trong ngày hôm sau và gia đình nhà vợ cũng đồng ý luôn.
Sau khi công việc xong xuôi tôi hỏi trên đó thủ tục lấy vợ như thế nào? Mọi người nói tục lệ là lấy 1 con lợn, 1 con bò, nghe xong tôi tính ra tiền đưa cho gia đình nhà gái bảo họ sắm giúp vì nhà mình xa quá không chuẩn bị kịp.
Gia đình hạnh phúc của cụ ông
Mọi thủ tục xong thì bỗng dưng thấy anh em trong nhà kéo nhau ra nhổ hết bờ rào lên. Tôi cứ tưởng nhổ để lấy chỗ bắc rạp làm đám cưới, ai dè họ nhổ lên làm đuốc đi mời cưới trong đêm vì thời gian gấp quá, trên quê vợ tôi lúc đó lại không có điện”.
Sau một ngày tổ chức đám cưới ở quê vợ, ông Trọng và vợ dẫn nhau về Hà Nội, trên đường đi ông Trọng liên tục gọi điện báo hỷ và mời bạn bè, đồng nghiệp đến dự đám cưới của mình.
“Khi tôi thông báo, nhiều người không tin, nhiều người lại báo phải đi công tác xa không về được. Ngay lúc đó, tôi lập tức thông báo sẽ tổ chức đám cưới 28 ngày liên tục, ai đến được ngày nào tôi tiếp ngày đó. Đó chính là lý do vì sao đám cưới tôi lại dài nhất Việt Nam”, ông Trọng kể lại.
Nói về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày khi “chồng già vợ trẻ”, ông Trọng nói: “Tuổi tôi năm nay đã 90, nhưng tôi luôn nghĩ mình chỉ 35 thôi. Như thế mới làm việc và phục vụ được vợ con.
Còn cuộc sống hàng ngày, tôi luôn chia sẻ với vợ rằng: hãy coi chồng là người bạn, người tình, người cha, thì mới hợp và sống được với nhau.
Còn với bản thân tôi, quan niệm sống của tôi chỉ gói gọn trong hai từ: Trách nhiệm. Trách nhiệm đó là trách nhiệm nuôi dạy vợ con, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với quê hương, tổ quốc…”.
Theo Khám phá