Tôi là người nhà quê, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Lúc nông nhàn thì tranh thủ thêu ren kiếm thêm thu nhập nên tôi ít được đi đây đi đó.

Khi con gái tôi lấy chồng, theo tập tục ở quê, tôi không được đưa dâu nên cũng không hề biết nhà thông gia. Tôi chỉ nghe con mình giới thiệu nhà chồng cháu rất giàu. Bố là công chức nhà nước. Mẹ làm kinh doanh.

Cả gia đình có 4 người (sau này thêm con gái tôi về làm dâu là 5) nhưng căn nhà của họ rộng hàng trăm m2 và cao tới 5 tầng. Trong nhà, đồ đạc sang trọng, đầy đủ. Đồ ăn thức uống không bao giờ thiếu…

Tôi nghe xong cũng thấy mừng thầm. Nghĩ số con mình từ nay đã được đổi vận.

Cú sốc người mẹ nghèo lần đầu đến nhà thông gia giàu có-1
Ảnh: Yandex

Kết hôn xong, con gái tôi có bầu luôn. Cháu bị dọa sảy thai và quãng đường từ Hà Nội về nhà tôi cũng hơn 300 km nên suốt 9 tháng mang bầu, cháu không về ngoại 1 lần.

Tôi nhớ con nhưng vì điều kiện nên cũng chỉ biết gọi điện, gửi quà cáp ra bồi dưỡng cháu. Đến khi cháu nhập viện sinh mổ bất ngờ, tôi mới vội vàng bắt xe ra với con.

Thấy tôi, bà thông gia nhờ tôi ở viện chăm con chăm cháu, bà bận kinh doanh nên chỉ chạy đáo qua. Tôi hoàn toàn đồng ý và ở đó suốt 5 ngày.

Lúc cháu chuẩn bị xuất viện thì mẹ chồng tôi ở quê ốm nặng. Thế là tôi lại ra bến xe về thẳng nhà. Đầu tháng 9 vừa rồi, tôi thấy người không khỏe, bụng thường xuyên bị đau nên đi Hà Nội khám bệnh.

Bà thông gia biết tôi không cần nằm viện nhưng phải uống thuốc điều trị nên khuyên tôi nên ở lại nhà bà ấy, uống hết đợt thuốc rồi đi khám lại.

Về nhà thông gia, thấy căn nhà đẹp và hoành tráng, tôi thấy vui cho con mình. Tuy nhiên chỉ sống ở đó 1 ngày, tôi đã thay đổi suy nghĩ.

Con gái tôi bận con mọn, cơ thể gầy yếu nhưng 5h sáng đã phải dậy giặt giũ một chậu quần áo đầy. Sau đó, cháu đi chợ, tất tả nấu đồ ăn sáng cho cả nhà rồi quay ra lau dọn 5 tầng lầu..

Khi công việc lau dọn được hoàn tất. Cháu nấu gói mỳ rồi ngồi ăn vội một mình thì mẹ chồng xuất hiện. Bà thắc mắc: “Sao không ăn nốt cơm trong nồi mà mang mỳ tôm ra nấu cho phí phạm”.

Tôi giật nảy mình. Cảm giác thương con đến nghẹn lòng. Đến bữa ăn chính, ngồi cùng gia đình thông gia, cổ họng tôi càng thêm nghẹn lại.

Ai đời, con gái tôi vừa phải trông con, cho con ăn, vừa phải chịu sự sai bảo của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình chỉ việc ngồi xuống bàn và ăn. Khi thiếu bất cứ thứ gì, họ đều gọi con tôi làm giúp. Ngay cả cô em chồng, năm nay 25 tuổi - bằng tuổi con tôi nhưng trong lúc ăn bị rơi đũa, phải lấy chiếc đũa khác, cháu cũng gọi chị dâu.

Ăn xong, tất cả ra ghế sofa. Con gái tôi lại chạy tới chạy lui pha trà, lấy tăm rồi gửi con cho tôi để ăn uống và dọn dẹp.

Tôi hỏi cháu, sao không rủ em chồng làm cùng cho có chị có em vui vẻ. Cháu bảo, cô em chồng không muốn làm vì sợ hỏng móng tay. Với lại, từ bé cô ấy đã được chiều chuộng, không phải làm bất cứ việc gì nên thậm chí lúc ngủ dậy, cô ấy cũng không biết gấp chăn. Tất cả đều do một tay chị dâu - tức con gái tôi dọn dẹp.

Đến ngày thứ 3 ở nhà thông gia, cháu ngoại tôi mọc răng nên sốt và quấy mẹ. Cả đêm, tôi và con gái thay nhau bế ẵm, dỗ dành. Ông bà nội và bố cháu không một lần thức dậy hỏi han.

4h sáng, đứa bé vẫn khóc lớn. Bà mẹ chồng mới xuất hiện. Thay vì hỏi han con cháu, bà quắc mắt : “Làm sao cứ để nó khóc như thế, phải dỗ nó đi chứ”. Con gái tôi lại vâng dạ.

Đến lúc thằng bé mệt lăn ra ngủ. Con gái tôi mới được ngủ theo. Lúc tỉnh dậy, đồng hồ báo 6h. Con bé lại vội vàng lao ra chợ, mua đồ ăn sáng cho cả nhà và bắt đầu công việc lau dọn, phục vụ như mọi ngày.

Tôi nhìn con, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng vẫn nai lưng ra lau từng hạt bụi trên nền nhà mà lòng quặn thắt. Tôi ngỏ ý giúp con nhưng bà thông gia không đồng ý.

2 hôm sau, thấy cháu ngoại đã dừng sốt và tạm thời không quấy mẹ, tôi vội sắp đồ đạc rồi xin phép thông gia để ra về.

Lên xe, tôi mới dám khóc vì thương con. Đứa con trước kia chỉ biết học hành, nay về nhà giàu tưởng được sung sướng. Nào ngờ, cháu sống không khác gì một người giúp việc. Lúc nào cũng nai lưng làm, nai lưng phục vụ. Ai sai khiến cũng dạ, ai mắng cũng vâng...


Theo Vietnamnet