Cùng 1 người có nên tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau?

WHO khuyến cáo không nên tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 khác nhau khi chưa đủ dữ liệu.

Có nên tiêm kết hợp 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau?

Trước đó, theo công bố ngày 19/5 trên tạp chí Nature, nghiên cứu tiến hành ở Tây Ban Nha khẳng định tiêm một liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca kết hợp 1 liều vắc xin Covid-19 Pfizer - BioNTech tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh với virus SARS-CoV-2. 

Đó cũng là thử nghiệm đầu tiên về việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine khác nhau và cho thấy lợi ích của việc này. Tại Anh cũng có một báo cáo tương tự và khẳng định phối hợp 2 loại vắc xin là an toàn, nhưng tỉ lệ người bị các tác dụng phụ sau tiêm sẽ cao hơn so với những người tiêm 2 liều cùng loại.

Các phản ứng miễn dịch này có thể khiến con người mệt hơn nhưng lại tốt hơn vì "dạy" hệ miễn dịch nhận ra các bộ phận khác nhau của mầm bệnh xâm nhập, từ đó phản ứng nhanh và chính xác hơn.

Theo New York Times, một số nước đã cân nhắc tiêm 2 liều vaccine khác nhau cho người dân trong trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn nguồn cung hạn chế hoặc loại vắc xin đầu tiên hiệu quả không như kỳ vọng.

Các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia đang cho phép trộn và kết hợp vắc xin ở một mức độ nhất định. 

Cùng 1 người có nên tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau?-1
Phối hợp hai loại vắc xin COVID-19 có thể vẫn hiệu quả và an toàn - Ảnh: scitechdaily.com

Thời gian vừa qua, ở Việt Nam có thêm các nguồn vaccine Covid-19 khác ngoài AstraZeneca về, nhiều người cũng đã bày tỏ mong muốn tiêm mũi thứ 2 là loại vaccine khác với mũi 1.

Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Trí về vấn đề trên, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, Việt Nam khuyến cáo nên tiêm 2 liều phòng Covid-19 cùng một loại vắc xin.

PGS Hồng nói thêm, khi tiêm ngừa vaccine Covid-19 phải có sự đồng ý của người tiêm, phải kí vào giấy đồng ý, chịu trách nhiệm với quyết định tiêm. Vì thế, ngay cả với việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine, cán bộ y tế cũng phải giải thích rất rõ nguy cơ, hướng dẫn theo dõi chặt sau tiêm.

WHO cũng khuyến cáo các nước không nên tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 khác nhau khi chưa đủ dữ liệu, Việt Nam hiện cũng đang thực hiện chủ trương tiêm 2 liều vaccine Covid-19 cùng một loại cho người dân. 

"Các cuộc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, chúng ta cần phải chờ đợi các nghiên cứu đó. Có thể đó sẽ là một cách tiếp cận tốt. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới chỉ có dữ liệu về vắc xin Oxford-AstraZeneca, tiếp đó là Pfizer.

Sẽ xảy ra tình huống hỗn loạn ở các quốc gia, nếu người dân bắt đầu tự quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều thứ hai, thứ ba và thứ tư", nhà khoa học WHO cảnh báo.

Ai nên tiêm vaccine Moderna mới?

Mới đây, Bộ Y tế vừa tiếp nhận hơn 2 triệu liều vaccine Moderna do chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX, 1 triệu liều trong số này đã được chuyển thẳng vào TP HCM. 

Cùng 1 người có nên tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau?-2
Rạng sáng 10/7, chiếc máy bay chở hơn 2 triệu liều Vaccine do Mỹ tài trợ đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh:VnExpress

Các Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (SAGE) đã đưa khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vaccine mRNA-1273 của Moderna phòng Covid-19 ở người từ 18 tuổi trở lên. Cụ thể: 

1. Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi. 

2. Những người mắc bệnh nền gồm bệnh phổi mạn tính, bệnh lý về tim, béo phì nặng, đái tháo đường, bệnh gan và nhiễm virus gây giảm miễn dịch ở người (HIV) cũng có thể được tiêm vaccine này.

SAGE cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu ở người bị suy giảm miễn dịch, nhưng người trong nhóm này có thể được tiêm sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.

Đối với những người dương tính với HIV cần được cung cấp thông tin và tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiêm vaccine Moderna.

3. Những người từng mắc Covid-19 cũng có thể tiêm vaccine này nhưng nên hoãn tiêm chủng trong khoảng 6 tháng kể từ thời gian nhiễm bệnh. 

4. Hiệu quả vaccine được đánh giá là tương tự trên phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ và những người trưởng thành khác.

SAGE khuyến cáo sử dụng vaccine ở phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ tương tự như ở người trưởng thành khác. Nhóm chuyên gia không khuyến cáo dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm phòng Covid-19.

Ai không nên tiêm vaccine Moderna?

Bên cạnh những người có thể tiêm được vaccine Moderna, có một vài nhóm người không nên tiêm loại vaccine này. Cụ thể: 

1. Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vaccine thì không nên dùng loại vaccine này hay vaccine mRNA khác.

2. Những người cao tuổi, rất yếu, tiên lượng thời gian sinh tồn dưới 3 tháng cần được đánh giá cụ thể từng trường hợp. 

3. Những người dưới 18 tuổi do chưa có kết quả từ các nghiên cứu thêm.

Cùng 1 người có nên tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau?-3
Vaccine COVID-19 của Moderna. Ảnh: Unicef

Hiệu lực của vaccine Moderna

Ngày 30/4, WHO phê duyệt vaccine Moderna vào danh sách sử dụng khẩn cấp dựa trên đánh giá chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của vaccine Covid-19 và là điều kiện tiên quyết để cung ứng vaccine theo cơ chế COVAX Facility.

Vaccine Moderna có hiệu lực bảo vệ khoảng 94,1% đối với Covid-19, hiệu lực bảo vệ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu.

Đến hiện tại, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bao gồm B.1.1.7 và 501Y.V2, không làm thay đổi hiệu quả của vaccine mRNA Moderna. Cần tiếp tục theo dõi, thu thập và phân tích số liệu về các biến thể mới và tác động của chúng đối với hiệu quả chẩn đoán, điều trị và vaccine Covid-19.

Chúng ta chưa thể biết vaccine này có phòng ngừa được việc nhiễm và ngăn chặn lây truyền virus hay không. Khả năng miễn dịch kéo dài trong vài tháng nhưng chưa thể biết toàn bộ thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu. Các câu hỏi quan trọng này đang được nghiên cứu.

Bên cạnh đó, SAGE cũng nhấn mạnh người dân vẫn phải duy trì các biện pháp y tế công cộng hiệu quả như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt.

HT(t/h)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/co-nen-tiem-vaccine-covid19-cua-2-hang-khac-nhau-n-269231.html

COVID-19 vaccine

Tin tức mới nhất