Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa

Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ Trừ Tịch. Lễ này sẽ được tiến hành vào giờ Tý ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), tùy theo năm đó là năm đủ hay thiếu.

Dân gian quan niệm, mỗi năm Thiên đình sẽ thay toàn bộ quan quân trông non công việc dưới hạ giới. Vào thời khắc giao thừa, các quan quân cai quản hạ giới của năm cũ sẽ trở về trời và quan quân mới được cử đến sẽ xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Việc bàn giao, tiếp quản công việc diễn ra hết sức khẩn trương nên không thể vào trong nhà. Do đó, các gia đình sẽ đặt mâm cơm cúng giao thừa ở sân để các vị thần có thể nhìn thấy.

Nếu gia đình không có sân thì có thể đặt mâm cúng ở cửa chính, trên tầng thượng hoặc nơi sạch sẽ, thoáng mát.

Mâm cúng giao thừa ngoài trời nên đặt hướng nào?

Mâm cúng giao thừa ngoài trời thường được đặt ở hướng Bắc hoặc hướng Đông. Theo quan niệm dân gian, hướng Bắc là hướng của thượng đế, còn hướng Đông là hướng cúng Thiên Tử. Vì vậy, gia chủ có thể chọn một trong hai hướng này để đặt mâm cúng giao thừa ngoài trời sao cho phù hợp với vị trí của căn nhà.

Với các gia đình sống tại chung cư, lễ cúng có thể làm trong nhà. Khi cúng giao thừa chỉ cần mở cửa sổ lớn và cúng theo hướng ra ngoài là được, không bắt buộc phải cúng tận ngoài trời.

Cúng giao thừa hướng nào để năm mới thuận buồm xuôi gió?-1

Mâm cúng giao thừa ngoài trời gồm có gì?

Theo văn hóa dân gian, mâm cúng giao thừa ngoài trời thường có mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, 2 cây đèn hoặc nến, trầu cau, gạo muối, trà, nước (hoặc rượu), quần áo, mũ nón thần linh, một con gà trống luộc, xôi, bánh chưng, mứt, bánh kẹo.

Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị thêm các món đồ mặn hoặc chay tùy theo điều kiện của gia đình.

Lễ vật cúng giao thừa cũng có thể thay đổi tùy theo vùng miền.

Bài khấn Giao thừa ngoài trời theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin

Nam mô A-Di-Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

- Con kính lạy ngài cựu niên Hành khiển, cựu Hành binh chi thần, cựu Phán quan.

- Con kính lạy ngài đương niên Hành khiển, đương niên Hành binh chi thần, đương niên Phán quan.

- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút Giao thừa năm Tân Sửu với năm Nhâm Dần.

Chúng con là: …, sinh năm: …, hành canh: … tuổi, cư ngụ tại số nhà: ..., ấp/khu phố: …, xã/phường: …, quận/huyện/ thành phố: …, tỉnh/thành phố: …

Nhân phút thiêng liêng Giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân.

Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật, Thánh, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.

Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A-Di-Đà Phật (3 lần, 3 lạy).

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Theo Khoevadep