Những ai thường tìm hiểu về lịch sử nhà Minh, Trung Quốc, chắc hẳn đều biết đến vị hoàng đế nổi tiếng khó tính bậc nhất vương triều này – hoàng đế Gia Tĩnh, tức Minh Thế Tông. Theo những ghi chép lịch sử, Minh Thế Tông thường vì một số lời nói khiến ông không hài lòng của các đại thần mà xử tội họ.
Về phía hậu cung, Minh Thế Tông cũng thường xuyên ra lệnh đưa các phi tần vào lãnh cung chỉ vì những lý do vụn vặt. Thậm chí còn có lần ông suýt chút nữa bị một nhóm cung nữ bóp cổ đến chết vì thói ngược đãi, hành hạ cung nữ.
Thế nhưng vào một lần nọ, Minh Thế Tông bị một cung nữ cười nhạo khi vô tình ngủ gật trong lúc đọc kinh. Ông không những không xử phạt mà còn sủng hạnh cung nữ này. Chuyện này là sao?
Tranh vẽ Minh Thế Tông. (Ảnh: Baidu)
Minh Thế Tông bị cung nữ cười vì ngủ gật
Thời gian đầu khi mới kế vị, Minh Thế Tông được đánh giá là một hoàng đế tốt. Tuy nhiên sau thời gian dài liên tục xử lý việc triều đình, ông cảm thấy cuộc sống quá vô vị. Sau đó, ông tình cờ nghe thông tin do nhiều người truyền tai nhau với nội dung: tu đạo có thể thành tiên.
Từ đó Minh Thế Tông bắt đầu si mê tiên đạo (một môn đạo do Trương Đạo Lăng thời Đông Hán lập lên). Mỗi ngày ông đều ngồi thiền, tụng kinh, và lệnh cho những cung nữ đi thu thập sương sớm để uống.
Cho đến một ngày, khi đang cầm sách tụng kinh như thường lệ, Minh Thế Tông đột nhiên ngủ gật. Chứng kiến bộ dạng này của hoàng đế, những cung nữ hầu hạ xung quanh không ai dám lên tiếng, càng không có ai dám đến bên nhắc nhở ông.
Bầu không khí trong đại điện đang chìm vào im ắng thì một trong số những cung nữ đứng hầu bỗng nhiên phát ra tiếng cười giòn giã.
Có lẽ vì bộ dạng khi ngủ gật của Minh Thế Tông tức cười tới nỗi cung nữ này không nhịn nổi mà phát thành tiếng. Ngay lập tức, tiếng cười của cung nữ đã đánh thức Minh Thế Tông.
Các cung nữ thấy hoàng đế bị tỉnh giấc thì hết sức sợ hãi. Ai nấy cũng lo lắng cho cung nữ kia sẽ phải chịu hình phạt gì sau đó.
Hình phạt không ai ngờ đến
Thế nhưng diễn biến tâm trạng của Minh Thế Tông lại trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của tất cả những người có mặt trong đại điện khi đó. Sau khi bị đánh thức, Minh Thế Tông liền đưa mắt nhìn về phía phát ra tiếng cười vừa rồi.
Thì ra đó là một cung nữ chỉ mới 13 - 14 tuổi. Điều bất ngờ nhất là, hoàng đế không xử phạt tiểu cung nữ này mà còn sủng hạnh nàng và đưa vào hậu cung, phong làm mỹ nhân.
"Cả gan" cười hoàng đế, cung nữ không những không bị phạt còn được hoàng đế sủng hạnh. (Ảnh: Baidu)
Nhiều người phỏng đoán, có lẽ vì tiểu cung nữ này sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành nên mới có thể làm rung động trái tim Minh Thế Tông mà thoát cửa tử.
Tuy nhiên, theo ghi chép của những tài liệu lịch sử, phi tử Thượng Thị (tiểu cung nữ được Minh Thế Tông sủng ái) là một người có nước da đen nhẻm chứ không trắng ngần tựa mỹ nhân như nhiều người tưởng tượng.
Có người suy đoán rằng, có lẽ cung nữ Thượng Thị khiến Minh Thế Tông động lòng là bởi cách bộc lộ cảm xúc hết sức hồn nhiên của một cô gái 13, 14 tuổi. Điều này khiến ông có cảm giác như được trở về thời niên thiếu.
Từ khi được sủng hạnh sau sự cố cười thành tiếng đó, Thượng Thị vẫn luôn được Minh Thế Tông hết lòng yêu thương.
Cho đến một lần nọ, khi đang chơi đùa trong cung, Thượng Thị đòi Minh Thế Tông cho chơi bắn pháo hoa. Để chiều lòng ái phi, Minh Thế Tông cũng không ngần ngại đáp ứng.
Thượng Thị rất được Minh Thế Tổng sủng ái (Ảnh: Baidu)
Bất ngờ khi chơi bắn pháo hoa, Thượng Thị làm cháy một tấm màn bên trong cung điện. Rất nhanh sau đó, ngọn lửa lan ra xung quanh và thiêu rụi mọi thứ.
Một lần nữa trong đời gây ra tội tưởng chừng như sẽ bị phạt nặng, nhưng Thượng Thị vẫn được Minh Thế Tông ân xá. Sau sự việc này không lâu, Minh Thế Tông qua đời. Thượng Thị tiếp tục cuộc sống trong cung và kết thúc cuộc đời ở tuổi 62.
Theo Pháp luật và Bạn đọc