Cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ hay trong bếp để không đắc tội?

Nhiều người cho rằng Táo quân quản lý nhà bếp nên cúng trong bếp, cũng có người làm lễ cúng trên bàn thờ gia tiên. Vậy đâu mới là đúng?

Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?

Theo quan niệm dân gian, vào 23 tháng Chạp hàng ngăm, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo về một năm đã qua. Cứ đến ngày này, người Việt lại làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.

Nhiều gia đình không phân biệt ông Công ông Táo và đều làm lễ cúng ngày 23 tháng Chạp trên bàn thờ gia tiên.

Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là chỉ 3 vị thần đầu rau trông coi việc bếp múc trong gia đình.

Cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ hay trong bếp để không đắc tội?-1

GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch, cho biết lễ cúng vào ngày 23 tháng Chạp là tiễn chung ông Công ông Táo về chầu trời và việc gộp chung lễ rồi cúng trên bàn thờ là chưa đúng.

GS. Hiền nói: "Chúng ta phải đặt mâm cúng ở hai nơi, ở bếp và bàn thờ tổ tiên. Ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng".

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết việc đặt bàn thờ ông Táo trong bếp (có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp) thể hiện tín ngưỡng dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình hòa thuận, sung túc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cũng có quan điểm tương tự. Ông Tuấn Anh cho biết, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên tuy nhiên đây lại là hai vị thần khác nhau.

Trong ngày 23 tháng Chạp, ông Công được cúng trên bàn thờ chính cùng với gia tiên, còn ông Táo phải được cúng dưới bếp mới đúng.

Cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ hay trong bếp để không đắc tội?-2

Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cho rằng ngày 23 tháng Chạp không chỉ là ngày tiễn thần linh về trời mà còn được xem là ngày cúng gia tiên, tất niên cuối năm.

Đây là lễ mở đầu cho hàng loạt lễ nghi trong Tết Nguyên đán của người Việt, kéo dài từ 23 tháng Chạp tới Rằm tháng Giêng. Sau khi tiễn ông Công ông Táo về Thiên đình, các gia đình sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ, trang trí nhà... để chuẩn bị đón năm mới.

Đại đức Thích Chúc Tiếp cho biết hiện một số chùa lớn cũng có bàn thờ riêng để cúng Táo quân. Ngày xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi có bàn thờ riêng cho các Táo. Tuy nhiên, ngày này việc thờ cúng được đơn giản hóa nên nhiều nhà không có bàn thờ ông Táo.

Với trường hợp không có bàn thờ Táo quân riêng, gia chủ nên chuẩn bị một mâm cơm đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên. Khi cúng, gia chủ sẽ nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.

Cúng ông Công ông Táo giờ nào?

Theo quan niệm dân gian, Táo quân phải có mặt ở Thiên Đình trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, các gia đình cần chuẩn bị nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Theo Khoevadep

Xem link gốc Ẩn link gốc https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/cung-ong-cong-ong-tao-tren-ban-tho-hay-trong-bep-la-chuan-nhat-gia-chu-lam-dung-de-khong-dac-toi-be-tren.html

Ông Công ông Táo Phong thủy

Tin tức mới nhất