Ngày rằm tháng 7 âm lịch với người Việt Nam cũng được xem là ngày xá tội vong nhân, trùng với dịp lễ Vu Lan báo hiếu theo truyền thống đạo Phật, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, thể hiện tình thương yêu, bi mẫn đối với mọi chúng sinh.
Rằm tháng 7 âm lịch năm nay rơi vào thứ tư ngày 30/8. Việc cúng rằm tháng 7 có thể diễn ra từ ngày 2 đến trước 12h ngày rằm tháng 7 âm lịch, tức từ ngày 17/8 đến ngày 30/8 dương lịch.
Theo lịch vạn niên, thời điểm cúng rằm tháng 7 đẹp nhất năm 2023 là ngày 13/7 âm lịch, tức ngày 28/8 dương lịch. Ngày này được dự đoán thuận lợi để cầu tài, xuất hành và đạt được nhiều may mắn.
Nhiều gia đình sửa soạn mâm cúng cầu kỳ. Ảnh: Hoài Nam.
Theo quan niệm dân gian, ngày rằm tháng 7 được coi là ngày giới hạn của kỳ mở cửa, nên người âm khó để trở về hay không thể nhận được đồ thờ cúng. Do đó, người dân thường có thói quen cúng rằm tháng 7 từ sớm. Thói quen này hình thành từ đời này sang đời khác.
Nghi lễ cúng rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn) với thời điểm và cách thức thực hiện khác nhau. Lễ cúng chư Phật và thần linh có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch. Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc trưa, từ 10-12h.
Lễ cúng gia tiên cũng nên được thực hiện vào ban ngày, từ 10-12h là hợp lý nhất. Người xưa cho rằng đây là giờ hoàng đạo, dương khí rất mạnh, còn linh hồn gia tiên sẽ được thổ thần cho phép vào để thụ lộc.
Nghi lễ cúng rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh. Ảnh: Như Ý.
Lễ cúng chúng sinh là nghi lễ cúng bố thí cho những vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Nghi lễ này nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn.
Theo quan niệm dân gian, các cô hồn thường sợ ánh sáng, thời điểm trời tắt nắng họ sẽ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng hơn.
Theo Tiền Phong