Cúng Rằm tháng Giêng 2021 ngày nào?
Lễ cúng Rằm tháng Giêng 2021 đối với đa số người dân Việt Nam rất quan trọng. Người Việt có quan niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" để nói lên vị trí quan trọng của ngày lễ này trong đời sống. Thậm chí ngày xưa các cụ quan niệm như ăn Tết lần 2.
Dân gian cho rằng đầu xuôi thì đuôi mới lọt nên việc tổ chức ngày Rằm đầu tiên trong năm mới rất được quan tâm. Nhiều người tin rằng đi lễ chùa, sửa soạn mâm cúng thịnh soạn trong ngày Rằm tháng Giêng thì cả năm sẽ được may mắn, phước lành.
Rằm tháng Giêng 2021 diễn ra vào ngày 15 tháng 1 Âm lịch, tức thứ Sáu ngày 26/2/2021. Đây là ngày Ất Tỵ, ngũ hành Hỏa, ngày Hoàng đạo.
Thông thường, lễ cúng Rằm tháng Giêng được các gia đình tiến hành vào chính Rằm, tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch.
Theo phong tục xưa truyền lại, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) là tốt nhất. Bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm Tân Sửu 2021. Vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.
Nghi lễ cúng nên diễn ra vào buổi sáng sớm hoặc lúc chính Ngọ.
Nên cúng Rằm tháng Giêng 2021 vào ngày 14 hay 15 âm lịch?
Theo các chuyên gia tâm linh, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14 hay 15 âm lịch đều được. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuận lợi để tiến hành cúng Rằm vào đúng ngày 15 âm lịch.
Có gia đình bận rộn, không sắp xếp được công việc để cúng vào giờ chính Ngọ ngày 15/1 âm lịch thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng.
Thời gian cúng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19h ngày 15/1 âm lịch.
Tuy nhiên, ngoài 2 ngày này (14 và 15 âm lịch), gia chủ không nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày khác vì sẽ mất linh.
Có thể nói, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau. Việc cúng Rằm tháng Giêng vào ngày giờ nào được nhiều người quan niệm khá cởi mở. Việc thờ cúng không ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và thần linh.
Cúng Rằm tháng Giêng 2021 giờ nào tốt?
Khung giờ tốt nhất: Giờ Ngọ (11h-13h), tốt hơn cả là chính Ngọ.
Lệ xưa cho rằng, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19h ngày 15 tháng Giêng là được.
Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 có các khung giờ hoàng đạo dưới đây, gia chủ có thể chọn để tiến hành nghi lễ cúng Rằm cũng rất phù hợp:
+ Ngày chính Rằm 15/1, giờ đẹp tiến hành cúng Rằm tháng Giêng 2021 gồm:
Giờ Thìn (7h-9h)
Giờ Ngọ (11h-13h)
Giờ Mùi (13h-15h)
+ Ngày 14 tháng Giêng, tức ngày 25/2/2021 dương lịch, khung giờ đẹp gồm:
Giờ Thìn (7h-9h)
Giờ Tỵ (9h-11h) Giờ Thân (15h-17h)
Giờ Dậu (17h-19h)
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 2021 gồm những gì?
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 2021 hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà cúng là vật cúng tế linh thiêng nhất còn xôi gấc có màu đỏ sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.
Ngoài thịt gà, xôi gấc, bánh chưng và các món ăn khác như giò, chả, rau xào..., mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Giêng còn có hương, hoa tưởi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.
Mâm cúng rằm tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 cần chuẩn bị đầy đủ
Ngoài ra, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật bao gồm hoa quả, chè xôi, bánh trôi nước, các món ăn chay.
Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào kinh tế của gia chủ mà chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc.
Cụ thể, một mâm lễ mặn cúng Rằm tháng Giêng 2021 gồm:
- Năm lạng thịt vai luộc
- Một bát canh măng
- Một đĩa xào thập cẩm
- Một đĩa nem
- Một đĩa rau xào
- Một đĩa giò
- Một đĩa xôi gấc
- Một đĩa hoa quả
Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu
Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
Mâm cỗ chay cúng Phật gồm:
- Hoa quả.
- Chè xôi.
- Các món đậu.
- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.
- Bánh trôi nước.
Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng
Không nên đốt quá nhiều vàng mã
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, từ một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Hoa, Rằm tháng Giêng đã trở thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người Việt, gắn liền với đạo Phật.
Trọng tâm của lễ Rằm tháng Giêng tại các chùa là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Người dân có thể tham dự những lễ cầu an này.
Tuy nhiên, đạo Phật không dạy phải đốt vàng mã cho người đã mất, cũng không cổ súy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.
Vậy nên, người dân đi lễ nên bằng tấm lòng thành kính, chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy, hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.
Dọn dẹp ban thờ
Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Giêng.
Mua sắm đồ cúng lễ
Nên mua hoa tươi để dâng trên ban thờ, không dùng hoa quả giả. Hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh: T.L
Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình người Việt thường sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên. Lễ cúng gia tiên có hương hoa, đèn nến, trầu cau, rượu và mâm cỗ mặn gồm nhiều món như thịt gà luộc, đĩa giò, đĩa xào, bát canh.
Nhiều gia đình có bàn thờ Phật còn sắm lễ cúng Phật. Đó là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi.
Theo quan niệm dân gian, các đồ dùng để đựng các lễ cúng như bát, đĩa, đũa, thìa,... cần phải sử dụng những đồ mới, hoặc đồ riêng biệt. Không nên dùng chung đồ cúng với các việc khác trong gia đình. Bởi đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.
Lưu ý khi thắp hương
GS-TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - lưu ý người dân khi thực hiện việc thắp hương tại bàn thờ gia tiên, cũng như đi lễ chùa.
Theo đó, khi thắp hương, người dân thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chỉ nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.
Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm,... Đặc biệt khi khấn vái cần thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng 2021 chuẩn, đúng nhất
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ……
Ngụ tại: ……..
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Khấn xong, vái 3 vái.
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng 2021 ở chùa
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy)
(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán
Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy).
Nên làm lễ cúng Rằm tháng Giêng 2021 ở nhà hay lên chùa?
Rất nhiều người phân vân việc nên cúng lễ Rằm tháng Giêng ở nhà hay lên chùa. Người thì cho rằng cúng ở nhà là được rồi, người khác lại cho rằng phải lên chùa mới đúng, nhưng cũng có người cho rằng phải cúng cả ở nhà và trên chùa. Vậy, cúng Rằm tháng Giêng ở đâu mới đúng?
Vào ngày lễ Rằm tháng Giêng hàng năm, người Việt thường rất coi trọng việc cúng lễ, đa phần mọi người thường làm lễ mặn cúng gia tiên và lễ ngọt để cúng Phật. Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế gia đình nên đồ lễ cũng mỗi nhà không giống nhau, tuy nhiên, tất cả cùng thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính đối với Phật thánh.
Ngày nay, có nhiều gia đình bên cạnh việc cúng Rằm tháng Giêng ở nhà còn làm một cái lễ ngọt lên chùa dâng lên Phật thánh, nhưng mục đích chung vẫn là cầu mong sức khỏe bình an cho gia đình, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới.
Vào ngày Rằm tháng Giêng, người Việt còn có một phong tục nữa là dâng sao giải hạn, việc này được thực hiện ở chùa, mỗi chùa có một nghi lễ cúng khác nhau, tụng kinh cũng khác nhau. Theo phong tục này thì nếu trong nhà năm đó có người bị “sao hạn” thì mọi người sẽ lên chùa để giải hạn, cầu mong tai qua nạn khỏi và việc chuẩn bị một cái lễ lên chùa để “dâng sao” là việc không thể thiếu.
Như vậy, vào ngày Rằm tháng Giêng, mọi người có thể làm lễ cúng ở nhà, nếu nhà thờ Phật thì làm lễ dâng Phật, có thể dâng lễ lên chùa hoặc không, nếu trong gia đình có người bị “sao hạn” thì cần lên chùa cúng dâng sao giải hạn.
Cúng Rằm tháng Giêng 2021 nên chú ý gì để cả năm may mắn, bình an?
Theo Dân Việt