Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực 

Tết Hàn thực là một ngày lễ truyền thống diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Hàn thực rơi vào ngày 22/4 dương lịch.

Ngày tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dân gian thường biết đến Tết Hàn thực với nguồn gốc từ điển tích mẹ con Giới Tử Thôi bị chết cháy do Tấn Văn Công đốt rừng với mục đích ép Giới Tử Thôi ra làm quan.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trên thực tế "Tết Hàn thực" (ăn đồ nguội, làm sẵn) đã có từ rất lâu trước thời Xuân Thu.

Ngày tết này được tổ chức rất lớn, thường niên giống như Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên… và xuất hiện sớm hơn Tết Thanh minh cả trăm năm.

Các hoạt động trong ngày này bao gồm: Tế lễ, tảo mộ, đạp thanh, đánh đu, chọi gà, đá cầu, kéo co…

Hàn thực bắt nguồn từ tập quán "cải hỏa" của con người thời cổ đại, còn gọi là "Cấm yên" (cấm khói lửa), "Lệnh tiết" hoặc "Bách ngũ lệnh"… Theo lịch nhà Hạ, Tết Hàn thực được tổ chức sau tiết Đông chí 105 ngày và trước tiết Thanh minh 1 hoặc 2 ngày.

Cúng Tết Hàn thực: Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?-1
Mâm cúng Tết Hàn thực đơn giản của một gia đình Việt (Ảnh: Đỗ Ngọc Toàn).

Dịp này mọi người đem mồi giữ lửa trong năm trước dập tắt hết, lại dùng công cụ bằng gỗ (đá) đánh lấy lửa mới gọi là "Cải hỏa" (đổi lửa) hoặc "Thỉnh tân hỏa" (xin lửa mới), lấy đó làm thời điểm khởi đầu cho một năm mới, với nhiều hoạt động cúng tế, quan trọng nhất là tế thần xã tắc (hai vị thổ thần, cốc thần) và lễ hội.

Theo sử liệu, khoảng thời gian từ lúc dập bỏ lửa cũ đến khi đánh lấy lửa mới từ 3, 5 đến 7 ngày. Trong thời gian đó mọi người phải chuẩn bị sẵn đồ ăn (không đốt lửa, đun nấu làm nóng đồ ăn) nên gọi là "Hàn thực"...

Cúng Tết Hàn thực: Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?-2
Ngày nay, nhiều bà nội trợ còn tạo hình cho bánh trôi, bánh chay bằng các màu sắc tự nhiên (Ảnh: Thu Huong Vu).

Cúng Tết Hàn thực vào thời điểm nào là đẹp nhất, mâm cúng Tết Hàn thực có gì?

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho rằng, với nguồn gốc nêu trên, việc cúng tế trong Tết Hàn thực nên tiến hành đúng ngày 3/3 âm lịch.

"Nếu đúng theo nghi thức, Tết Hàn thực đương nhiên chỉ cúng cỗ chay, bánh trôi, bánh chay; không hương, đèn… Tuy nhiên, ngày nay các gia đình cũng có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng giống như trong các dịp tết: Tết Nguyên đán, Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Thanh minh, Trung thu… nhưng nên có bánh trôi, bánh chay là lễ vật tượng trưng của Tết Hàn thực.

Nghi thức cúng tế thực hiện như đối với lễ cúng thần, Phật, tổ tiên. Vì thực tế là chúng ta cúng thần, Phật, tổ tiên chứ không phải cúng lễ mẹ con Giới Tử Thôi", ông Hải cho hay.

Về việc các gia đình thường làm hoặc mua bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên trong ngày này, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải lý giải: Một trong những quy định của đạo hiếu là không được xóa bỏ, thêm bớt, làm trái với phép tắc của thần Phật, tổ tiên nếu những phép tắc đó không trái với luân thường đạo lý.

Bánh trôi, bánh chay là lễ vật chính trong Tết Hàn thực, nếu không có sẽ không đúng với ý nghĩa của ngày tết này.

Cúng Tết Hàn thực: Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?-3
Bánh trôi, bánh chay luôn đắt hàng trong ngày 3/3 âm lịch (Ảnh: Công Xuyên).

Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?

Theo truyền thống, bánh trôi, bánh chay là lễ vật không thể thiếu trong Tết Hàn thực. Tuy nhiên, một số người không yêu thích món ăn này (vì nhiều tinh bột và đường) cho rằng nếu chỉ mua bánh về để cúng rồi bỏ thì rất lãng phí, nên chăng thay thế bằng hoa quả?

Cúng Tết Hàn thực: Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?-4
Nếu không thích ăn bánh trôi, bánh chay, chúng ta chỉ cần mua mỗi thứ một ít (Ảnh: Thu Huong Vu).

Trước ý kiến này, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho rằng, lễ vật luôn luôn mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu không thích ăn bánh trôi, bánh chay, chúng ta chỉ cần mua mỗi thứ một ít.

Ý nghĩa và kết quả của mọi lễ cúng không phụ thuộc vào "mâm cao cỗ đầy", mà quyết định bởi lòng thành của người cúng.

Bánh trôi, bánh chay sau khi cúng xong có thể thêm gia vị, hương liệu hoặc chế biến lại thành món ăn mình ưa thích. Cũng có thể đem cho tôm cá hoặc loài động vật khác ăn với ý nghĩa "thí thực" để tránh lãng phí và "được lộc".

Theo Dân Trí