Anh Triệu Bế Hậu (SN 1992, dân tộc Nùng) và chị Đinh Thị Nhật (SN 1996, dân tộc Tày) cùng ở huyện miền núi Quảng Hoà, Cao Bằng, “về chung một nhà” cách nay tròn chục năm.

Hai người chạm mặt nhau lần đầu khi anh Hậu làm giáo viên hợp đồng ở xã Hạnh Phúc và được nhà trường phân công đi liên hệ, thuê phông dựng rạp cho một chương trình.

Bố mẹ của chị Nhật làm dịch vụ cho thuê rạp. Sau lần tình cờ gặp ấy, anh đã "trồng cây si" và “cưa” đổ chị Nhật để xây dựng gia đình.Năm 2015, vợ chồng anh có con gái đầu lòng, càng vun đắp thêm hạnh phúc cho gia đình trẻ.

Năm 2017, anh mở dịch vụ kinh doanh cho thuê, dựng rạp. Trong một lần đi thi công, anh bị điện giật, mất một tay, một chân và phải điều trị thời gian dài. Từ chàng trai lành lặn, mạnh khoẻ, anh mất đi 80% sức khỏe, trở thành người khuyết tật. Anh tự ti, mặc cảm và đè nặng suy nghĩ làm gánh nặng cho vợ con, gia đình.

Anh Hậu cho biết, quãng thời gian u tối, khó khăn nhất ấy, anh may mắn luôn có vợ bên cạnh quan tâm, chăm sóc, động viên giúp anh không bỏ cuộc, lạc quan hơn.

Anh nhủ lòng, bản thân phải cố gắng và thật sự nỗ lực để mọi người trong gia đình không thất vọng. Năm 2019, gia đình anh có thêm thành viên mới, cậu con trai kháu khỉnh càng tiếp thêm sự quyết tâm cho anh.

“Vợ con chính là động lực để tôi không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống, phát triển kinh tế”, anh Hậu nói.

Cùng vượt nghịch cảnh, xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc-1
Gia đình nhỏ của anh Triệu Bế Hậu và chị Đinh Thị Nhật. Ảnh: NVCC

Theo anh Hậu, thiếu một tay, một chân so với trước không hề là trở ngại để anh cùng vợ vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dạy hai con khôn lớn.

Anh khoe, một tay vẫn bế, chăm con nhỏ, vào bếp nấu cơm lành canh ngọt cho cả nhà khi vợ đi làm… và ngày càng biết quan tâm vợ nhiều hơn. Các thành viên trong gia đình dành cho nhau nhiều lời yêu thương, quan tâm động viên hơn.

Việc kinh doanh dịch vụ thuê loa đài, dựng rạp của gia đình anh Hậu cũng được mở rộng, phát triển hơn giúp kinh tế gia đình ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong những tháng mùa cưới, anh có thể đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh Hậu với vai trò trưởng nhóm Tự lực Người khuyết tật huyện Quảng Hòa đã tổ chức, kết nối thực hiện nhiều hoạt động chia sẻ, hỗ trợ người khuyết tật, cũng như những người có hoàn khó khăn.

Với sự vươn lên, vượt nghịch cảnh và hoạt động đóng góp cho cộng đồng, anh Triệu Bế Hậu vinh dự được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2024 và là đại biểu của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 tại Hà Nội.

Chia sẻ điều này, anh Hậu nói: “Nếu không có sự cảm thông, khích lệ và hỗ trợ của vợ, tôi sẽ thật khó để đạt những điều được ghi nhận. Không chỉ hiểu và ủng hộ việc chồng đang làm, vợ tôi còn cùng một số chị em thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện”.

Anh Hậu cho biết, hai vợ chồng anh không có bí quyết đặc biệt nào trong việc xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc mà đều xuất phát từ sự cảm thông, sẻ chia và cùng cố gắng vì nhau, vì gia đình.

Theo Tiền Phong