Nào, hãy trung thực với lòng mình đi, Tết sướng hay khổ và sướng khổ với ai?

Trước Tết, đàn ông đã phải bạc mặt với những cuộc rượu tất niên. Được mời không đi không được, không đi không yên tâm, mối quan hệ tình cảm và công việc có thể sẽ bị ảnh hưởng, lúc gặp nhau sẽ khó ăn khó nói. Khổ nỗi, những mối quan hệ như vậy thì dầy đặc, chưa kể liên quan tất niên với bạn học, hội đồng niên, hội thể thao, hội ngành nghề, hội ăn chơi… tóm lại là dạ dày của lũ đàn ông quảng giao cứ mỏng dần, gan cứ xơ cứng dần mà mặt cũng ngày càng bạc hơn khi ngày Tết càng gần.

Chồng sẽ thông báo với vợ những nơi cần biếu quà, giá trị bao nhiêu cho tương xứng mối quan hệ và tiềm năng làm ăn cho tương lai. Vợ sẽ căng đầu làm kế toán, thêm bớt chi tiêu số tiền chồng đưa được gọn gàng nhất.

Quá trình mua sắm bắt đầu với hàng trăm món đồ. Và cả xã hội sẽ như vậy, cho nên đường xá sẽ chật cứng, tắc nghẹt thở. Trong tâm tưởng mỗi người, không ít những tiếng chửi thề câm lặng và sự căm ghét với Tết cũng nảy sinh.
 

 Cuộc đời chỉ một lần, sao phải 'khổ nhục vì Tết'?

Ai bảo vui như Tết?

Đúng là với một số người sẽ vui hơn Tết bởi tiền về ùn ùn, nhưng với người nghèo, đấy là cơn ác mộng khi sự khác biệt giàu nghèo được phô ra trơ trụi không trốn vào đâu được.

Với người phụ nữ Việt Nam, những mối quan hệ xã hội chỉ là một mặt trận. Việc cúng lễ theo văn hoá truyền thống là bắt buộc, rồi quà cáp cho họ hàng nội ngoại, cúng ông bà tổ tiên, bát đũa dọn dẹp..., Do vậy khi Tết đến, người phụ nữ Việt có lẽ là khổ nhất.

Đối với những người ít tiền, khi đi chơi hay khách đến nhà, việc mừng tuổi trẻ con cũng thành gánh nặng, khó xử. Có những trường hợp, đứa trẻ bóc lì xì, kiểm tra số tiền vừa nhận, đôi khi làm người vừa đưa không khỏi ngại ngần.

Nói vậy không có nghĩa là Tết không vui, bởi khi ấy gia đình xum họp đầm ấm, quần áo đẹp xúng xính ra đường, tha hồ selfie ghi lại những khoảnh khắc rạng ngời sắc xuân. Căn nhà sẽ rộn lên tiếng cười trong trẻo của con trẻ, lòng ông bà sẽ ngân lên những giai điệu ấm áp hạnh phúc. Nhưng so với những nỗi vất vả kia thì những giây phút hạnh phút ấy quá ít ỏi. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi để làm sao Tết sẽ vui hơn, sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Trước hết, việc biếu xén trong mối quan hệ công việc là một tập tục theo quan điểm cá nhân của tôi là sự cầu cạnh, mưu lợi, là không trong sáng. Chỉ ở Việt Nam, khi bộ máy vận hành dựa trên quan hệ riêng tư thì việc biếu cấp trên mới coi là điều bình thường.

Trong một xã hội dân chủ thì một món quà có giá trị, lập tức sẽ được nhìn nhận là một sự mua chuộc cầu lợi mờ ám ngay lập tức. Việc biếu xén cho quan hệ tình cảm cũng vậy, chỉ nên quan tâm tới những người già, người bệnh, cô đơn, sao cho món quà được thắm đượm nhiều tình người nhất, có nhiều ý nghĩa nhất.

Có người cho rằng con cái đi chơi xa trong ngày Tết là bất hiếu với bố mẹ, là không phải với ông bà tổ tiên. Tại sao chỉ nhìn hình thức bên ngoài để kết luận bản chất như thế? Đừng mang truyền thống, tập tục ra để đè lên con người, để khước từ hạnh phúc giản dị họ đáng phải có. Chăm sóc ông bà, nhớ tới ông bà tổ tiên có cả một năm, đâu phải chỉ mấy ngày Tết? Đi chơi cho vợ chồng con cái có thời gian yên tĩnh bên nhau, hưởng sắc xuân trong thanh thản đầm ấm riêng tư, chẳng phải là điều tốt sao?

Hơn nữa, mỗi gia đình, mỗi cá nhân có cách riêng tận hưởng cuộc sống, sao cứ phải theo một công thức chung? Để hạnh phúc được, mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy chỉ nên làm những gì con tim mình mách bảo, dám sống theo ý mình cho là phải, đừng làm miễn cưỡng hay chấp thuận làm theo tập tục, ý muốn của những ngừoi xung quanh hay của xã hội.

Cuộc đời chỉ có một lần, thời gian sống sẽ trôi qua vù vù, nếu không sống theo ý mình, năm tháng sẽ trôi vuột đi và chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc bị mất cắp. Hãy dũng cảm sống theo ý mình muốn, chỉ khi làm thế thì Tết mới đúng là Vui Như Tết.


Theo Vietnamnet