Patricia Bath sinh ngày 4/11/1942 tại khu Harlem của thành phố New York, Mỹ. Cha của bà - Rupert Bath, là người da đen đầu tiên làm việc cho hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York. Mẹ của bà - Gladys Bath, làm nội trợ và cũng là người giúp việc. Patricia Bath có người anh trai tên Rupert. (Ảnh: drpatriciabath)
Cha mẹ Patricia Bath luôn khuyến khích con theo đuổi con đường học tập. Với kinh nghiệm từng làm việc trong ngành hàng hải và phụ trách chuyên mục của một tờ báo, cha luôn dạy Patricia Bath về những điều kỳ diệu của du lịch, khuyến khích con cái mạnh dạn khám phá những nền văn hóa mới. Còn mẹ luôn khơi dậy niềm đam mê khoa học cho các con bằng cách mua nhiều bộ dụng cụ hóa học. (Ảnh: thedig.howard)
Chăm chỉ theo đuổi con đường trí tuệ và ở tuổi 16, Patricia Bath trở thành một trong số ít học sinh tham dự hội thảo nghiên cứu về bệnh ung thư do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ tài trợ. Người đứng đầu chương trình, tiến sĩ Robert Bernard rất ấn tượng với những khám phá của Patricia Bath trong dự án năm đó. Đặc biệt, ông ấy đưa những phát hiện của Patricia Bath vào một bài báo khoa học. Việc công khai những khám phá của Patricia Bath đã mang về cho bà giải thưởng khen thưởng của tạp chí Bath the Mademoiselle vào năm 1960. (Ảnh: linkedin)
Tốt nghiệp trung học chỉ trong hai năm, Patricia Bath đầu quân vào trường Hunter College, và lấy bằng cử nhân năm 1964. Patricia Bath học tại Đại học Howard, theo đuổi giấc mơ y khoa. Patricia Bath tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1968 và nhận lời thực tập tại Bệnh viện Harlem sau đó. (Ảnh: mopoliticalconsulting)
Năm 1969, Patricia Bath nhận được học bổng về nhãn khoa tại Đại học Columbia với tư cách là người da đen đầu tiên tại trường được đào tạo trong lĩnh vực này. Thông qua các nghiên cứu ở đây, Patricia Bath phát hiện ra rằng, người Mỹ da đen có nguy cơ bị mù cao gấp đôi so với bệnh nhân khác và họ cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao gấp 8 lần. Nghiên cứu này giúp Patricia Bath phát triển hệ thống nhãn khoa cộng đồng, tăng cường chăm sóc mắt cho những người nghèo không có khả năng chi trả. (Ảnh: blackdoctor)
Năm 1974, sau khi hoàn thành chương trình nội trú về nhãn khoa tại Đại học New York, bà chuyển đến California làm trợ lý giáo sư phẫu thuật ở cả Đại học Charles R. Drew và Đại học California, Los Angeles. Năm 1975, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên gia nhập Khoa Nhãn khoa tại Viện Mắt Jules Stein của trường Đại học California Los Angeles (UCLA). Năm 1976, Patricia Bath đồng sáng lập Viện Phòng chống mù lòa Mỹ. (Ảnh: aimseducation)
Năm 1981, Patricia Bath bắt đầu thực hiện phát minh nổi tiếng nhất của mình: Máy thăm dò Laserphaco. Khai thác công nghệ laser, thiết bị này được hoàn thành vào năm 1986, tạo ra phương pháp điều trị đục thủy tinh thể ít đau đớn hơn và chính xác hơn. Bà được cấp bằng sáng chế cho máy Laserphaco Probe vào năm 1988, trở thành nữ bác sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được bằng sáng chế hạng mục về y tế. (Ảnh: USPTO)
Với máy thăm dò Laserphaco của mình, Patricia Bath giúp khôi phục thị lực cho những người bị mù hơn 30 năm. Thiết bị này được sử dụng trên toàn thế giới, và cải thiện thị lực cho hàng triệu người. (Ảnh: slideserve)
Patricia Bath nắm giữ 5 bằng sáng chế ở Mỹ, 3 trong số đó liên quan đến công nghệ máy Laserphaco Probe. Tháng 7/2000, bà được cấp bằng sáng chế cho phương pháp phân mảnh và loại bỏ đục thủy tinh thể, bằng năng lượng xung siêu âm. Tháng 4/2003, bằng sáng chế tương tự của bà về việc kết hợp công nghệ siêu âm và laser để loại bỏ tình trạng đục thủy tinh thể cũng được phê duyệt. (Ảnh: Getty)
Nhiều đóng góp của Patricia Bath được ghi nhận. Năm 2001, Hiệp hội Phụ nữ Y khoa Mỹ đã chào đón bà đến với Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc tế về Y học. Vào tháng 5/2018, trường Hunter College thông báo bà được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng của trường. Tương tự như vậy, Đại học Howard trao tặng Patricia Era Bath giải thưởng thành tựu trọn đời. (Ảnh: scc.sa.utoronto)
Patricia Bath qua đời vào ngày 30/5/2019 tại San Francisco, do biến chứng của bệnh ung thư, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ tưởng niệm Patricia Bath được tổ chức vào ngày 14/6 hằng năm tại Los Angeles. (Ảnh: theauthenticprincess)
Theo VTC