Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh trước khi nhảy lầu

Quản lý của nam diễn viên Hong Kong Trương Quốc Vinh - cô Trần Thục Phân - là người cuối cùng nghe thấy giọng nói của anh, trước khi anh gieo mình xuống đất.

18 năm kể từ ngày Trương Quốc Vinh qua đời, cái chết của anh vẫn để lại cho khán giả, người hâm mộ sự tiếc nuối, khi anh quyết định ra đi ở tuổi đời còn trẻ. Nam ca sĩ, diễn viên kết thúc những tháng ngày huy hoàng của mình bằng cách nhảy từ phòng khách sạn Mandarin Oriental, Hong Kong xuống đất, chết ngay lập tức.

1/4/2003 là ngày định mệnh của Trương Quốc Vinh và là nỗi đau ám ảnh một đời của cô Trần Thục Phân - quản lý của Trương Quốc Vinh. Lý do là bởi cô là người cuối cùng nhận cuộc gọi từ tài tử, là người duy nhất chứng kiến khoảnh khắc Trương Quốc Vinh trút hơi thở cuối cùng.

Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh trước khi nhảy lầu-1
Trương Quốc Vinh - huyền thoại của Hong Kong.

18h chiều ngày 1/4/2003, Trương Quốc Vinh gọi điện cho tài tử Lưu Đức Hoa. Tuy nhiên, Lưu Đức Hoa không nhấc máy. Sau này, nhắc về cuộc gọi bị bỏ lỡ, Lưu Đức Hoa ngậm ngùi: "Anh ấy gọi cho tôi, nhưng tôi đã không kịp bắt máy".

Không thể gọi cho Lưu Đức Hoa, Trương Quốc Vinh gọi cho Trần Thục Phân. Cuộc gọi ngắn ngủi, Trương Quốc Vinh chỉ nói muốn hai người gặp nhau tại khách sạn Mandarin Oriental. Dứt lời, anh gác máy.

Một lúc sau, Trần Thục Phân đến bên ngoài khách sạn Mandarin Oriental. Cô gọi cho Trương Quốc Vinh: "Cậu đâu rồi?". Câu trả lời của Trương Quốc Vinh: "Chị chờ tôi bên ngoài khách sạn, sẽ sớm gặp lại".

5 phút sau đó, Trần Thục Phân thấy một tiếng động rất mạnh. Đập vào mắt cô là cảnh tượng Trương Quốc Vinh nằm trên đống máu. Anh đã nhảy từ tầng 24 khách sạn xuống đất, lìa đời trong chớp mắt.

Khi nhìn thấy điều này, Trần Thục Phân gần như hiểu ngay lập tức ý nghĩa những điều mà Trương Quốc Vinh gửi gắm: cậu ấy muốn mình giúp đỡ.

Trần Thục Phân đã không làm Trương Quốc Vinh thất vọng. Ngay trong thời khắc đó, khi Quốc Vinh vừa nhảy xuống, cô cởi bỏ áo khoác, che đi khuôn mặt đầy máu cho anh, giữ lại phẩm giá cuối cùng cho anh.

Cô đã không để bất cứ phóng viên nào nhìn thấy Trương Quốc Vinh trong thời khắc khổ đau nhất, hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng mà Trương Quốc Vinh nhờ cậy. Không một hình ảnh nào về giờ phút cuối của Trương Quốc Vinh bị ghi lại. Xe cứu thương đến, cái xác được mang đi.

Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh trước khi nhảy lầu-2
Quản lý Trần Thục Phân, người ôm nỗi đau một đời vì sự ra đi của Trương Quốc Vinh.

Cái chết của Trương Quốc Vinh đã trở thành nỗi đau suốt cuộc đời Trần Thục Phân sau này. Những gì bản thân chứng kiến khiến cô không thể tha lỗi cho mình trong một thời gian dài. Cô thậm chí từng hận bản thân vì đã không đưa Trương Quốc Vinh rời khỏi Hong Kong, để anh chìm trong nỗi đau trầm cảm, cuối cùng là tìm đến cái chết.

Sau sự ra đi của Trương Quốc Vinh, Trần Thục Phân không ký hợp đồng làm quản lý của bất cứ nghệ sĩ nào. Năm 2010, khi hợp đồng với Trương Học Hữu hết hạn, cô không gia hạn hợp đồng với anh, và rời xa giới giải trí.

Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh trước khi nhảy lầu-3
Tang lễ một màu hoa trắng của Trương Quốc Vinh.

Trương Quốc Vinh là một huyền thoại với khán giả, nhưng cũng là một sinh linh cô đơn. Anh sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện rất tốt. Cha anh khi đó là "ông vua đồ tây" Trương Hoạt Hải - một người đàn ông phong lưu, đa tình và thờ ơ với con cái.

Khi còn nhỏ, cuộc sống của Trương Quốc Vinh sung túc, anh được gán mác "con nhà giàu thế hệ hai". Điều kiện gia đình vượt trội nhưng Trương Quốc Vinh là một đứa trẻ cô đơn, trầm mặc vì bố mẹ bận rộn với sự nghiệp và có quá ít thời gian cho con cái.

Tuổi thơ khép kín khiến Trương Quốc Vinh tự ti, thu mình, không thích giao tiếp với người lạ. Giữa 10 anh chị em trong nhà, Trương Quốc Vinh thấy mình lẻ loi, lặng lẽ, do sự cách biệt tuổi tác.

Năm 13 tuổi, Trương Quốc Vinh được cha gửi sang Anh du học. Trong thời gian anh đang học đại học, cha bị đột quỵ. Để chăm sóc cha, Trương Quốc Vinh từ bỏ việc học, trở về Hong Kong, cùng các anh em thay cha gánh vác sản nghiệp.

Bất chấp định hướng của gia đình, âm nhạc là niềm đam mê trong cuộc đời Trương Quốc Vinh. Năm 1977, Trương Quốc Vinh tham gia cuộc thi ca sĩ nghiệp dư châu Á và giành giải á quân. Kể từ đó, anh bắt đầu đắm mình vào nghệ thuật.

Con đường đến với danh vọng nghệ thuật của Trương Quốc Vinh không đơn giản. Từng có thời gian anh tuyệt vọng, muốn buông bỏ. Nhưng như một sự định trước của số phận, nghệ thuật luôn song hành với Quốc Vinh.

Năm 23 tuổi, anh đến với diễn xuất, chính thức bước vào đỉnh cao sự nghiệp. Song hành với đó, âm nhạc của Trương Quốc Vinh dần dần được đón nhận và khiến khán giả say mê. Monica - ca khúc Trương Quốc Vinh hát năm 1999 - trở nên nổi tiếng và được yêu thích trên toàn quốc. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng Hong Kong, giúp truyền cho người Hong Kong đam mê ca vũ...

Thành công của Trương Quốc Vinh là điều hiếm có trong thế giới showbiz hào nhoáng. Tuy nhiên, đời vốn là như thế - không gì là hoàn hảo. Trên đỉnh vinh quang, Trương Quốc Vinh rơi vào nỗi đau khổ của riêng mình, đó là bệnh tật.

Chứng trào ngược axit khiến cổ họng tổn thương khiến Trương Quốc Vinh khổ sở, cộng với trầm cảm ngày một nặng. Bệnh tật dày vò khiến Trương Quốc Vinh mất ngủ, thể trạng tụt dốc, tính tình trở nên cáu kỉnh, đôi khi tuyệt vọng. Cái chết, cuối cùng, như một sự giải thoát với anh.

47 năm ngắn ngủi trong đời Trương Quốc Vinh khiến người ta nhớ đến ca khúc Đi đâu, về đâu trong phim A Phi Chính Truyện mà tài tử từng hát. 

"Tôi từng nghe về một loài chim trên đời không có chân. Nó chỉ biết bay mãi, bay mãi, khi mệt thì nương vào cơn gió mà ngơi nghỉ. Loài chim này chỉ có thể đáp xuống một lần trong đời, đó là lúc nó chết mà thôi", lời ca khúc giống như lời tự bạch của Quốc Vinh về số phận của chính mình.

Cuộc gọi cuối của Trương Quốc Vinh trước khi nhảy lầu-4
Trương Quốc Vinh đóng "Bá Vương Biệt Cơ".

Trương Quốc Vinh sinh ngày 12/9/1956, là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng tiên phong, người đã định hình nên bản sắc của Cantopop trong suốt thập niên 1980, thậm chí được mệnh danh là Elvis của Hong Kong. Tuy nhiên, trước khi thành danh, anh từng trải qua nhiều lần thất bại, bị khán giả quay lưng, album bán ra không được đón nhận...

Song song với ca hát, diễn xuất đem lại dấu son sự nghiệp cho Trương Quốc Vinh. Trong sự nghiệp huyền thoại của mình, anh góp mặt trong các tác phẩm nghệ thuật sáng giá, những thước phim ấn tượng như Anh Hùng Bản Sắc II, Yên Chi Khâu, Thiến Nữ U Hồn, A Phi Chính Truyện, Đông Tà Tây Độc, Bá Vương Biệt Cơ...

Tài năng của anh đã giúp bộ phim Bá Vương Biệt Cơ giành được Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993 - lần duy nhất một bộ phim Hong Kong giành được giải thưởng danh giá đó.

Vô Gian Đạo, tác phẩm ra mắt một năm trước khi Trương Quốc Vinh qua đời được cho là bộ phim Hong Kong hấp dẫn cuối cùng gây được tiếng vang trên toàn thế giới.

Trong sự nghiệp 26 năm từ năm 1977 cho đến khi mất, Trương Quốc Vinh đã phát hành hơn 40 album ca nhạc và tham gia 56 bộ phim lớn, nhỏ, có giá trị nghệ thuật...

Theo Ngoisao.net

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ngoisao.net/cuoc-goi-cuoi-cua-truong-quoc-vinh-truoc-khi-nhay-lau-4257875.html

Lưu Đức Hoa trương quốc vinh

Tin tức mới nhất