Nửa tháng chỉ ăn cơm cá khô
Trước diễn biến bệnh dịch Covid-19 phức tạp, tỉnh Bắc Giang có quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng) và áp dụng biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương khiến hàng chục nghìn công nhân ở trọ trên địa bàn tỉnh "mắc kẹt" lại đây.
Khi thực hiện cách ly xã hội, các dịch vụ cung ứng hàng hóa tại khu vực phải dừng hoạt động nên rất nhiều công nhân nghỉ việc không lương gặp khó khăn trong sinh hoạt, đời sống.
Là một trong những công nhân của KCN Vân Trung bị mắc kẹt 13 ngày nay tại thôn My Điền (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Mây cho biết, bản thân chị đang rất lo lắng, không biết bao giờ tình trạng này mới chấm dứt.
Lực lượng chức năng lập chốt phong toả tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
"Tôi làm tại bộ phận kỹ thuật tại KCN Vân Trung từ năm 2020, vừa qua, sau khi phát hiện 3 ca mắc Covid-19 tại khu chợ mới My Điền 2, lực lượng chức năng đã phong toả 3 thôn My Điền để điều tra dịch tễ. Tôi là một trong số công nhân làm việc ở đây nên phải nghỉ làm, tự cách ly ở nhà trọ.
Sau khi cách ly ở nhà trọ, chúng tôi được lấy mẫu xét nghiệm, đến nay bản thân tôi đã có kết quả 2 lần âm tính nhưng huyện Việt Yên bị phong toả do diễn biến bệnh dịch phức tạp nên tôi chưa ra ngoài được", chị Mây nhớ lại.
Phần lương thực gồm gạo, cá khô, bí xanh, muối Mây được tiếp tế
Khu nhà trọ của chị Mây ở hiện có rất nhiều công nhân tự cách ly nhưng mỗi người ở 1 phòng và quê quán khác nhau nên Mây không quen biết ai. Chỉ khi hết lương thực hoặc có thông báo từ lực lượng chức năng, chị mới đi ra ngoài.
Các công nhân ở khu trọ chị Mây đi nhận đồ tiếp tế
"13 ngày qua tôi chỉ làm bạn với điện thoại và 4 bức tường. Mới đầu, cuộc sống trong khu cách ly vẫn ổn. Thế nhưng, sau khi cách ly xã hội, các tiệm tạp hoá đóng cửa, tôi không thể mua được thức ăn.
Nhu yếu phẩm cho đời sống sinh hoạt cũng rất khan hiếm, tôi và công nhân trong xóm trọ chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ ở bên ngoài. Mỗi lần nhận được 1-2 kg gạo, 1 mớ rau xanh, trứng hay gói mì tôm là vui lắm rồi.
Hai tuần qua tôi chỉ có ăn cơm với cá khô. Bữa sáng nhịn, trưa dậy nấu cơm, rang cá, tối nấu thêm bát canh để ăn qua ngày.
Không được ăn uống đầy đủ chắc chắn sẽ sút cân rồi nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều công nhân khác, những người trước đó không nấu ăn ở phòng, khi dịch bệnh đến, họ chỉ có mì tôm để ăn thôi", chị Mây kể.
So với những công nhân khác, chị Mây có phần thiệt thòi do không được tiếp tế lương thực vì quê ở Lai Châu, ở Bắc Giang thì không có người thân. "Bố mẹ tôi ở quê rất lo lắng và thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình nhưng tôi trấn an và bảo con ở dưới này tự lo được".
Khi chưa nghỉ làm, mức lương chị Mây là 5-6 triệu đồng/tháng, cũng vừa đủ để trang trải cho cuộc sống nhưng nửa tháng nay phải ở nhà không lương rồi. Sắp tới, nếu tiếp tục phải cách ly dài, Mây chưa biết mình sẽ lấy tiền ở đâu để sinh hoạt.
Không ngủ cả đêm vì mất điện, vợ sắp đẻ nhưng không thể về thăm
Những ngày qua, thời tiết tại miền Bắc nắng nóng, có nơi nhiệt độ lên đến gần 40 độ C càng khiến cuộc sống người dân trong khu cách ly tại Bắc Giang thêm khó khăn hơn.
Lần mất điện khiến Mây đợi đến 9h sáng mới được đi ngủ
"Do phòng trọ không có điều hoà nên mỗi ngày tôi phải tắm 2-3 lần cho đỡ nóng. Tôi nhớ có hôm mưa to khiến dây điện hỏng, mất điện khiến chúng tôi thức trắng đêm. 9h sáng hôm sau lực lượng chức năng sửa chữa xong, có điện tôi mới bắt đầu đi ngủ", chị Mây nhớ lại.
Là một trong số 40 công nhân lao động làm việc tại Công ty xây dựng L.A. (Thường Tín, Hà Nội), đang thi công công trình ở KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Duy Nam (31 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, anh đang rất lo lắng vì vợ anh ở viện sắp sinh nhưng anh không thể về thăm vì dịch Covid-19.
Làm nghề xây dựng phải đi nhiều nơi nhưng chắc chắn đây là lần đi xa mà anh Nam nhớ nhà nhất. "Gia đình tôi có 3 người và hiện chuẩn bị chào đón thành viên thứ 4. Hai hôm trước, tôi liên lạc về nhà thì biết tin vợ sắp sinh, đang nằm tại bệnh viện chờ đẻ, tôi sốt ruột lắm. Tôi rất muốn về nhà nhưng để đảm bảo an toàn cho người thân tôi đã chọn ở lại", anh Nam nói.
Công nhân trong xóm trọ nơi anh Nam tại khu cách ly
Anh Nguyễn Xuân Hồng (47 tuổi - Phó Giám đốc Công ty L.A.) cũng đang mắc kẹt lại tại Bắc Giang cùng các công nhân trong công ty. Anh cho biết, bản thân kể từ sau dịp 30/4 cũng chưa được về thăm nhà.
Anh Hồng cho biết, dù các công nhân của công ty anh không phải các trường hợp F1, F2, F3… nhưng anh vẫn yêu cầu các công nhân nghiêm túc thực hiện việc "ở yên tại chỗ" để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Mỗi ngày, công ty của anh Hồng hỗ trợ 50.000 đồng/người cho công nhân và bố trí chỗ ở miễn phí cho đến khi hết dịch.
"Tình hình dịch bệnh như vậy khiến doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của toàn xã hội rồi, tôi cùng với anh em trong công ty vẫn nghiêm túc thực hiện công tác chống dịch của chính quyền, địa phương", anh Hồng khẳng định.
*Chú ý: Trong bài viết, tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị