Năm 2000, thầy Vương Thanh Tùng và vợ cũng là giảng viên tại Đại học Bắc Kinh mang theo số tiền tiết kiệm 3,5 triệu NDT vào sống ẩn dật trong núi rừng suốt 11 năm, theo trang tin Sina.
Câu chuyện đằng sau việc hai giảng viên tại đại học danh giá nhất Trung Quốc từ bỏ công việc nhiều người mơ ước và trở thành người đi ngược xu thế xã hội đã được hé lộ.
Bỏ công việc nhà nước để học đại học
Sinh ra tại một miền quê nghèo khó ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), gia đình Vương Thanh Tùng có truyền thống làm nông nghiệp. Những đứa trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó, kẹt ở bản làng miền núi hẻo lánh, xa xôi thường khó có những cơ hội may mắn trong cuộc sống.
Vương Thanh Tùng xuất thân nghèo khó nhưng xuất sắc đỗ vào trường đại học top đầu Trung Quốc.
Muốn thay đổi vận mệnh chỉ có con đường học tập và làm việc chăm chỉ. Nhận thức được điều đó, Thanh Tùng phấn đấu và trở thành một trong số ít thanh niên trong làng có bằng tốt nghiệp trung học.
Thành tích học tập nổi trội đã mang đến cho cậu sinh viên nghèo cơ hội được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, công việc không kéo dài được lâu và chàng trai tin rằng bản thân có thể tiến xa hơn. Vì vậy, ngay sau khi hệ thống thi tuyển sinh đại học được khôi phục vào năm 1979, Thanh Tùng đã từ bỏ vị trí công chức và ngày đêm ôn luyện.
Chàng trai đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở tuổi 22 tuổi và theo học tại Đại học Bắc Kinh. Vương Thanh Tùng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Khoa học Chính trị năm 1979, thạc sĩ ngành Luật năm 1983 và ở lại Đại học Bắc Kinh để giảng dạy.
Năm 1985, cơn sốt “khí công giữ gìn sức khỏe” bùng phát ở Trung Quốc. Với kinh nghiệm tập võ khi còn nhỏ, Vương Thanh Tùng đã nắm bắt xu hướng và quyết định thành lập các lớp rèn luyện sức khỏe tại Đại học Bắc Kinh cũng như các cơ sở bên ngoài trường học.
Vào thời điểm đó, giá 10 NDT/lớp không hề rẻ nhưng lớp nào cũng kín chỗ và ông đã kiếm được một khoản đáng kể. Cũng tại những lớp học này, Vương Thanh Tùng đã gặp vợ Trương Mai, đồng thời là giảng viên Khoa tiếng Anh của Đại học Bắc Kinh.
Năm 1990, cơn sốt “chăm sóc sức khỏe” dần lụi tàn, các lớp học của Vương Thanh Tùng không còn được tổ chức nữa, và ông mất đi nguồn thu nhập quan trọng.
Bị sốc vì gặp liên tiếp thất bại
Thanh Tùng quay trở lại tập trung vào giảng dạy trên giảng đường và muốn theo học tiến sĩ Triết học. Ông đã nộp đơn xin học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Đường Nhất Kiệt thuộc Khoa Triết học của Đại học Bắc Kinh nhưng bị từ chối.
Ông quay lại thi tiến sĩ chuyên ngành Luật của mình nhưng vẫn trượt. Sự kiêu hãnh và việc bản thân làm việc luôn gặp thuận lợi trong một thời gian dài đã khiến Vương Thanh Tùng bị sốc và không chấp nhận được thất bại.
Quá thuận lợi trong một thời gian dài khiến thầy giáo Vương Thanh Tùng bị sốc khi gặp thất bại. Vợ chồng thầy đã xin thôi việc và lên núi ở ẩn.
Trong khi đó, vợ ông cũng gặp phải những thách thức trong công việc. Năm 1995, ông đưa vợ đến một ngôi làng nhỏ trên núi nằm ở ngã ba tỉnh Hà Bắc và thủ đô Bắc Kinh để thư giãn.
Sau khi sống ở một ngôi làng nhỏ trên núi được vài ngày, Vương Thanh Tùng cảm thấy cuộc sống trước đây quá ngột ngạt.
Hai người đã nộp đơn nghỉ việc và âm thầm rời đi với số tiền tiết kiệm là 3,5 triệu NDT. Ở thời điểm đó, đây là một khoản tiền cực lớn và nền tảng tài chính vững chắc này đã giúp vợ chồng Vương Thanh Tùng có lòng tin mạnh mẽ mà nghỉ việc.
Hai người rút lui vào vùng núi và bắt đầu cuộc sống tự cung tự cấp, trồng cây, nuôi lợn, dê, bò trên mảnh đất 2.500 mẫu với giá thuê 200.000 NDT trong năm 50 năm. Cặp đôi sinh một cậu con trai Vương Tiểu Vũ. Khi đứa trẻ lên 7 tuổi, 1 người bạn thân lên thăm vợ chồng Vương Thanh Tùng.
Đứa trẻ sợ hãi trước cái máy ảnh và hỏi cha mẹ nó là cái gì. Đó là khoảnh khắc cặp vợ chồng biết đã đến lúc quay lại thành phố.
Năm 2011, vợ chồng Vương Thanh Tùng bán tài sản trên núi, chấm dứt 11 năm sống ẩn dật và đưa cậu con trai rời núi trở về thành phố. Ông đã liên lạc với người bạn cũ nhờ giúp đỡ.
Khoảnh khắc vợ thầy Vương Thế Tùng- cũng từng là một giảng viên Đại học Bắc Kinh và con trai làm việc trên núi được máy ảnh của người bạn thầy chụp lại.
Ngày 19/3/2011, phóng viên Đường Thế Tăng làm việc tại Tân Hoa Xã bất ngờ nhận được cuộc gọi của người bạn cũ. Phóng viên Đường Thế Tăng sau đó đã viết một bài báo về trải nghiệm của bạn mình, xuất bản và gây chú ý cả Trung Quốc.
Gia đình ông Vương lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông với những dòng tít như "giáo viên Đại học Bắc Kinh trốn vào núi". Báo chí mời phỏng vấn nhưng ông đã chọn rời xa dư luận. Vương Thanh Tùng cho con nhập học tại trường tiểu học trực thuộc Đại học Bắc Kinh.
Năm 2020, người bạn Đường Thế Tăng vẫn nhắc đến Vương Thanh Tùng trong các video chia sẻ trên mạng xã hội và cho biết tôn trọng sự riêng tư của ông.
Mạng xã hội Trung Quốc hiện nay vẫn thường đề cập đến câu chuyện của Vương Thanh Tùng.
Một số người cho rằng, trong cuộc sống có những lúc mệt mỏi thì nghỉ ngơi chốc lát để đi đường tốt hơn, nhưng nếu mong trốn tránh hiện thực để đổi lấy sự bình yên thì kết quả có thể sẽ không như ý.
Theo VTC