Theo thông tin từ báo Phụ Nữ TP.HCM, Louise Joy Brown được sinh ra vào ngày 25/7/1978 và trông giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Nhưng chính sự đưa tin của báo chí thời điểm đó với lý do ra đời đặc biệt khiến Louise trở thành em bé được hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi.

Louise là đứa trẻ "trong ống nghiệm" đầu tiên chào đời thành công và mở đường cho hàng triệu bà mẹ trên khắp thế giới nuôi hy vọng có thể thực hiện thiên chức làm mẹ bằng cách mang thai và sinh con khi họ không thể thụ thai tự nhiên.

Cuộc sống hiện tại của em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới-1
Louise Joy Brown chào đời đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử y học

Cuộc sống hiện tại của em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới-2
Sự ra đời của Louise đã được báo chí đưa tin liên tục như một bước đột phá thành công về sự tiến bộ khoa học 

Mẹ của Louise - bà Lesley Brown - không thể mang thai tự nhiên vì ống dẫn trứng của bà bị tắc. Bà Lesley và chồng đã dành 9 năm để cố gắng có con nhưng không thành, và họ đăng ký tham gia thử nghiệm IVF.

Phương pháp IVF đầu tiên được phát triển bởi các chuyên gia Patrick Steptoe, Robert Edwards và Jean Purdy. Bà Lesley Brown là 1 trong 282 phụ nữ thử quy trình này. Khi đó, các bác sĩ cố gắng lấy 457 quả trứng nhưng chỉ có 167 quả được thụ tinh.

Cuối cùng, từ 167 quả trứng được thụ tinh, chỉ có 12 phôi được cấy thành công cho 12 phụ nữ. Sau đó, 5 người thông báo mang thai nhưng dần dần thai đã chết. Chỉ duy nhất Louise mang thai thành công.

Cuộc sống hiện tại của em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới-3
Louise cùng bố mẹ và em gái

Sự ra đời của Louise được báo chí đưa tin liên tục như một bước đột phá thành công về sự tiến bộ khoa học và được hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi sát sao. Từ đó, Louise trở thành 1 em bé đặc biệt, nhất là hành trình chào đời và lớn lên của em được đặc biệt quan tâm.

Những tuần và tháng đầu tiên của Louise được các chuyên gia và độc giả say mê theo dõi, tất cả đều muốn xem 1 đứa trẻ được thụ thai bên ngoài cơ thể con người sẽ lớn lên như thế nào.

Bà Lesley Brown và chồng vô cùng hạnh phúc khi bế bé Louise trên tay tại Bệnh viện đa khoa Oldham. Sau 9 năm cố gắng không mệt mỏi và chấp nhận tham gia thử nghiệm mới mẻ, cuối cùng họ cũng trở thành những ông bố, bà mẹ như bao cặp vợ chồng khác.

Cuộc sống hiện tại của em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới-4
Louise cùng Giáo sư Robert Edwards

Cô bé được sinh ra đầu tiên trong ống nghiệm Louise nói rằng, mặc dù mẹ cô là một người kín đáo nhưng “bà ấy sẽ làm bất cứ điều gì” cho bác sĩ sản khoa Steptoe và nhà sinh lý học Edwards vì bà cảm thấy rất biết ơn.

“Không lâu trước khi mẹ qua đời, bà nói rằng nếu không có IVF, bà sẽ không còn ai trên thế giới này", Louise nói về mẹ mình: “Ngay cả đến những ngày cuối cùng của bà, bà vẫn tự hào về mình và những gì mình đã làm”.

Sau khi mang thai đứa con đầu lòng, Louise viết thư cho nhà sinh lý học Edwards để thông báo cho ông trước bất kỳ ai khác. Bây giờ cô sống một “cuộc sống rất bình thường” ở phía Tây Nam nước Anh, làm việc cho một công ty vận tải ở Bristol và sống với chồng cùng hai con trai.

Cuộc sống hiện tại của em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới-5
Louise và chồng - Wesley Mullinder - kết hôn vào năm 2004 và cặp đôi hiện có 2 con

Louise còn có một em gái thứ hai là Natalie, vài năm sau đó, cũng được sinh ra nhờ phương pháp IVF. Vào tháng 5 năm 1999, Natalie trở thành em bé IVF đầu tiên sinh con.

Việc thụ thai của Natalie là tự nhiên, làm dịu bớt một số lo ngại rằng các em bé IVF nữ sẽ không thể mang thai tự nhiên. Vào tháng 12 năm 2006, Louise Brown sinh bé trai đầu tiên có tên là Cameron. Vài năm sau, cậu con trai thứ hai là Aiden cũng chào đời, cả 2 đều được thụ thai bằng phương pháp tự nhiên.

Brown nói rằng, mặc dù cô được “bảo vệ” khỏi những phản ứng tiêu cực với IVF khi lớn lên, dù bố mẹ cô nhận được hàng ngàn bức thư trong đó có nhiều ý kiến trái chiều thì bây giờ, phản hồi chủ yếu là tích cực.

Theo Gia Đình Việt Nam