Từ trung tâm huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, phải vượt qua hơn ba mươi cây số bằng xe máy chuyên dùng cho đường rừng, tôi mới đến được bản Làng Cao, xã Lũng Cao. Đúng như cái tên làng, đường đi quanh co theo những dãy núi đồi cao chót vót.
Cuộc đời chàng thanh niên Hà Văn Khuyên (SN 1989) cũng chôn vùi nơi những dãy núi đồi kia. Bởi 7 năm trước, em rời quê vào Sài Gòn làm thuê làm mướn, mới bước chân đến đất khách quê người được mấy ngày thì bất ngờ tai họa ập xuống.
Trong lúc đi chở hàng thuê, Khuyên bị người ta nhầm mình với một ai đó rồi bị tạt axit vào mặt. Khuôn mặt của Khuyên trở nên biến dạng, tai họa ấy cũng cướp luôn đôi mắt của em từ đó. Chàng trai ấy trở về nhà, chỗ dựa duy nhất của em là bố mẹ già, quanh năm chỉ biết lên nương lên rẫy để kiếm ăn qua ngày.
Trong lúc đi chở hàng thuê, Khuyên đã bị người ta hắt cả ca axit nhầm vào mặt.
Căn nhà nơi em ở nằm sâu trong những dãy núi hun hút. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra chỉ là chỗ chui ra chui vào của những con người khốn khổ bởi chỉ dựng tạm bằng những phên tre tạm, những tấm tôn thừa. Bên trong căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có đồ đạc gì, cứ thông thốc từ đằng trước ra đằng sau.
Tôi cứ ám ảnh mãi cái hình ảnh chàng trai với khuôn mặt biến dạng nhưng vẫn luôn tay lúc thì dọn dẹp, khi thì nấu cơm. Thay đôi mắt của em là cây gậy vừa đi vừa khua khoắng dò đường.
Kể về nguyên nhân mang khuôn mặt dị dạng, đôi mắt mù lòa của mình, tôi hiểu trong trái tim đầy tổn thương kia là sự bất lực và chua xót cho số phận của mình nhưng đến biểu hiện cảm xúc ấy em cũng không thể làm được.
Em kể, năm ấy là năm 2011, cũng đã 7 năm trôi qua, em sống trong bóng tối, em không chết nhưng cuộc đời em coi như khép lại từ sau lần ấy. Khi đi lái xe chở hàng thuê, em đã bị người ta nhìn nhầm em với một người khác rồi bị hắt cả ca axit vào mặt. Em bị bỏng rất nặng, khi vào bệnh viện không có tiền, không tìm được kẻ xấu để đền tội giúp em chi phí chữa bệnh nên em chỉ được điều trị một thời gian rồi ra viện trở về nhà.
“Chừng ấy tuổi, em phải sống nương nhờ vào bố mẹ già, nhiều lúc chỉ muốn chết quách để bản thân không phải khổ và bố mẹ cũng bớt đi gánh nặng nhưng rồi em cũng đã không thể làm được. Em cảm thấy bất lực và chán nản vô cùng” - Khuyên nghẹn ngào.
Ánh sáng cuộc đời chàng trai trẻ khép lại khi mới ở tuổi ngoài 20.
“Em còn đau lắm, nhất là những ngày mưa gió trở trời, nắng nóng hoặc lạnh buốt thì có lúc cảm giác buốt như không thể chịu nổi. Hàng đêm cơn đau hoành hành em, em chỉ biết âm thầm chịu đựng vì gia đình giờ cái ăn còn chưa đủ huống chi là tiền để em đi chữa bệnh.
Giờ em chỉ ước mình có chút tiền để ra Hà Nội khám và điều trị để dịu bớt cơn đau, và sau đó là có chút vốn em sửa lại ngôi nhà, mở một quầy tạp hóa nhỏ, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân” – chàng trai chia sẻ.
Ngồi bên cạnh con, ông Hà Văn La, bố của Khuyên không khỏi ngậm ngùi. Kiệt quệ, bế tắc và nghèo nàn đến mức biết con đau đớn, ông cũng chẳng còn cách nào khác. Lúa trong nhà chưa hết vụ đã không còn, căn nhà thì rách nát, xác xơ. Người lính trong ông ngày xưa chẳng sợ đói, sợ khát, sợ chết mà giờ cái nghèo làm ông thấy đáng sợ và day dứt vô cùng. Bởi nghèo mà ông bất lực nhìn con đau đớn.
Căn nhà sàn - nơi Khuyên ở hở trước hở sau, chẳng có bất cứ vật dụng gì giá trị.
“Vì hoàn cảnh gia đình nghèo mà Khuyên phải lên đường đi làm ăn xa gửi tiền về nuôi các em, nuôi bố mẹ quanh năm ốm đau, tôi là thương binh sức yếu không làm được gì, mẹ nó thì quanh năm phải đi bệnh viện. Thương con mà tôi cũng không biết phải làm sao, nhìn đâu cũng thấy bế tắc, túng quẫn” – ông La nghẹn ngào.
Chiều muộn chúng tôi rời bản Làng Cao mà lòng nặng trĩu, cũng bởi cái nghèo, cái đói mà chàng trai trẻ tội nghiệp kia không có cơ hội được nhìn thấy ánh mặt trời? Và cái mơ ước giản dị tự kiếm sống của em mãi mãi chỉ là mơ ước.
Trời bỗng nổi cơn giông, nhìn về phía cánh rừng, bầu trời đen kịt, sấm sét ầm ầm. Bất giác tôi rùng mình hình dung đến những trận mưa rừng xối xả, những cơn lũ quét khủng khiếp... Hình ảnh căn nhà rách nát với những con người khốn khổ giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên sao mà nhỏ bé, mong manh đến thế...
Theo Dân Trí