"Sau nhiều biến cố, mình muốn dành thời gian sống chậm hơn, nâng cao giá trị bản thân: đọc sách, học các lớp kỹ năng diễn xuất, MC… Khi gặp chuyện căng thẳng mình sẽ vẽ tranh để giải tỏa. Lê Bống muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", Lê Bống chia sẻ.
Trở thành hiện tượng trên TikTok đã mang tới cho cô rất nhiều cơ hội công việc, phát triển kinh doanh nhưng đồng thời cũng có không ít "sự cố" khiến cô nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Ngay cả khi Bống tham gia Hoa hậu Thể thao Việt Nam và nhận giải thưởng Người đẹp nhân ái, những ý kiến tiêu cực vẫn "bủa vây" cô.
Kí ức tuổi thơ trong căn tập thể cũ
Trước đây, gia đình ba thế hệ với 7 thành viên của Lê Bống sinh sống trong một căn hộ tập thể nhỏ, cũ kĩ tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 30 Tết năm cô khoảng 10 tuổi, cả khu tập thể, nhà nào nhà nấy vội vã dọn dẹp, tổng vệ sinh, chuẩn bị đón giao thừa.
Mấy chục hộ gia đình đồng loạt sử dụng khiến hệ thống đường nước xuống cấp của dãy nhà gặp vấn đề, nước cống tràn ngược vào các căn hộ nằm ở tầng 1, trong đó có nhà Lê Bống. Cả gia đình dùng khăn thấm, dùng gáo hất nước ra khỏi nhà.
"Mình và hai em mỏi nhừ cánh tay mà nước vẫn tràn ngập lên, mùi hôi bốc nồng nặc. Tự dưng lúc đó, mình tủi thân vô cùng, vừa hất nước vừa bật khóc. Ngày 30 Tết, bạn bè mình đã đi sắm sửa quần áo, trang trí cho cây đào, cây mai, vậy mà cả nhà mình vẫn ngổn ngang", Lê Bống nhớ lại.
"Từ lúc ấy mình đã đặt mục tiêu sẽ học thật tốt, kiếm thật nhiều tiền để đổi căn nhà khang trang cho bố mẹ, nơi mà mỗi thành viên có một không gian riêng, đẹp, thoải mái".
Vốn có năng khiếu hội họa và ước mơ thực hiện ngôi nhà đẹp cho gia đình, từ những năm học cấp hai, Lê Bống đã đặt mục tiêu trở thành sinh viên ngành thiết kế nội thất. Những trang vở thừa được cô tận dụng để tập vẽ, tập tô.
"Bố mẹ luôn cố gắng đầu tư cho mình thực hiện ước mơ nhưng chi phí để mua đồ dùng học vẽ không nhỏ. Lo bố mẹ áp lực, mình nghĩ cách tự kiếm tiền để chi trả các khoản chi tiêu nho nhỏ của bản thân", Lê Bống tâm sự.
Không chịu khuất phục
Năm lớp 10, để kiếm thu nhập, Lê Bống bắt đầu nhận vẽ họa tiết, hình ảnh lên áo phông cho bạn bè cùng lớp. Mỗi chiếc áo hoàn thiện, Lê Bống nhận được 50.000 đồng. Hè năm học lớp 11, thay vì nghỉ hè như bạn bè, Lê Bống nhận rất nhiều đơn vẽ áo, thiết kế giày.
Thời điểm đó, những mẫu áo, giày đính đinh tán được ưa chuộng, Bống lên mạng tự học cách làm rồi thực hiện. "Mình mất cả tuần để có thể đính đinh lên một đôi giày. Không có dụng cụ chuyên nghiệp nên các ngón tay của mình nứt toác, bật máu", Lê Bống kể lại.
Năm cuối cấp, Lê Bống bắt đầu với lịch học dày đặc, căng thẳng hơn. Buổi chiều, cô thường dành 4-5 tiếng đồng hồ để học và luyện ở lớp vẽ. Bống nhớ mãi hình ảnh bàn tay nhem nhuốc, gương mặt luôn dính đầy chì thân của mình.
Ám ảnh nhất với Bống là những buổi học với bột màu. Vốn bị dị ứng bột màu nên sau mỗi buổi học, hai cánh tay của cô đỏ ửng, mẩn ngứa, có khi gãi đến bật máu. Da mặt của cô lúc ấy luôn đen sạm, nổi mụn.
"Đây cũng là thời gian mình tập trung vào việc học nên tăng cân chóng mặt. Mình chạm tới 65kg, rồi vượt ngưỡng 70kg lúc nào không hay", Bống nhớ lại. Thân hình quá khổ cũng khiến Bống thêm vất vả khi đứng liên tục nhiều giờ luyện vẽ. Đôi chân mỏi nhừ, bắp chân thường bị nổi những u cục lớn, đau buốt.
Vượt cú sốc đầu đời – "trượt đại học"
Năm 2013, Lê Bống nhận cú sốc đầu tiên trong đời: Trượt đại học. Dồn hết tâm huyết để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, việc thiếu 1 điểm khiến cô gái rơi vào suy sụp. Cô trở về nhà, ôm chầm lấy mẹ, chỉ biết khóc và nói xin lỗi.
"Mẹ không trách mình bất cứ lời nào, nhẹ nhàng an ủi, động viên. Mẹ nói mình đã rất nỗ lực và bố mẹ ghi nhận điều đó. Sự tin tưởng của gia đình là động lực để mình làm lại", cô chia sẻ.
Một năm tiếp theo, Bống lao vào luyện vẽ. Cô vẫn duy trì công việc nhận vẽ thuê để hy vọng có khoản tiền chi trả cho học phí đại học. Năm 2014, Lê Bống đỗ vào khoa thiết kế nội thất, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội như mong đợi. Khi học năm hai, với khoảng 15 triệu đồng tiền vốn, cô thuê căn phòng 10m2 trên phố Đông Các, mở một tiệm đồ handmade, vẽ áo, giày.
Sau khi đóng 8 triệu tiền thuê nhà (đóng tiền thuê 3 tháng, cọc 1 tháng), Bống tự tay sơn sửa cửa hàng. Không đủ chi phí, cô tự mua những tấm gỗ rời về thiết kế, đóng thành bàn, kệ, làm đèn trang trí, nhờ bạn bè dạy cách đấu điện để tự thực hiện đường điện trong cửa hàng. Cô thậm chí không lắp điều hòa vì lo ngại tốn điện.
"Cửa hàng lúc đó cũng mang về cho mình một khoản thu nhập ổn định nhưng do thiếu kinh nghiệm về thuê địa điểm, số vốn hạn chế mình liên tục phải chuyển cửa hàng. Trong 2 năm, mình chuyển cửa hàng 8 lần. Lúc nào cũng quay cuồng vừa tự làm chủ tự làm nhân viên", Lê Bống cho biết.
Năm 2017 – 2018, công việc kinh doanh của Bống phát triển hơn khi cô bán ra thị trường một sản phẩm làm sạch giày tự chế hiệu quả, giá thành rẻ. Cửa hàng của cô nhận được rất nhiều đơn hàng làm sạch giày, đồ da như ví, túi xách, mũ bảo hiểm, vali... và bắt đầu có những đơn hàng bán số lượng lớn sản phẩm vệ sinh giày đi khắp cả nước.
"Năm 2018 mình có cửa hàng với vị trí thuận lợi đầu tiên tại Hà Nội thay vì những căn phòng nhỏ, nằm chung tòa nhà. Năm 2020, mình mở tiếp một cửa hàng tại TPHCM. Đến bây giờ, đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng của mình, giúp mình thực hiện ước mơ giúp bố mẹ xây nhà, mua xe, đầu tư thực hiện các dự án khác", Bống cho biết.
Trước nhiều bình luận trái chiều, Lê Bống tâm sự: "Mình không vì đó mà thất vọng, thay vào đó là biến nó thành động lực để tiếp tục các hoạt động thiện nguyện của bản thân. Hàng tháng mình và bạn bè vẫn dành khoản doanh thu để hoạt động từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân, trẻ em nghèo".
Bên cạnh đó, cô cũng dành thời gian nhiều hơn để trau dồi kiến thức, cố gắng xây dựng hình ảnh một Lê Bống tích cực, tràn đầy năng lượng và luôn nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Theo Phụ Nữ Việt Nam