Tôi năm nay 34 tuổi, kết hôn được 5 năm. Hai vợ chồng đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp, dù bản thân mong muốn, gia đình giục giã nhưng đến nay vẫn chưa dám sinh em bé vì không biết đẻ ra sẽ nuôi kiểu gì khi tiền tích lũy được quá ít, lại thêm áp lực từ mong ước mua nhà thành phố.

Chồng tôi là kỹ sư, thường phải đi theo các công trình xây dựng, công việc mấy năm qua khá bấp bênh, thu nhập không ổn định. Tôi làm giáo viên tiểu học ở một trường tư thục với mức lương vừa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để tiết kiệm tiền, nhưng hầu như không có dư.

Hai năm trước, chồng tôi tập tành làm cai thầu, tự nhận công trình để "làm tất ăn cả" vì chán cảnh làm thuê. Nhưng không biết do số phận đen đủi hay do anh quá khờ khạo mà mới được 6 tháng nhà đầu tư "bùng" tiền, chúng tôi phải vay 200 triệu đồng để trả tiền công cho thợ xây.

Kinh tế đã khó khăn, lại thêm khoản nợ lãi hàng tháng, hai đứa nghĩ đến gánh nặng tiền bạc trên đầu mình mà hoảng.   

Hai vợ chồng tôi thuê một căn phòng 15m2 ở ngoại ô thành phố. Mỗi tháng, sau khi thanh toán tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, các chi phí sinh hoạt cơ bản và trả nợ, số tiền còn lại dành cho việc tiết kiệm thực sự không đáng kể.

Chúng tôi không dám mơ về những chuyến du lịch xa hoa hay đồ dùng sang trọng, mà cả mong muốn cơ bản nhất là sinh con cũng càng khó thực hiện, vì vẫn  câu hỏi đó: Đẻ thì lấy gì nuôi?

Không chỉ vợ chồng tôi, mà bố mẹ hai bên cũng rất áp lực, và họ dồn áp lực ấy lên con cái. Ở quê, cưới nhau 5 năm chưa có con là rất có vấn đề, sẽ không ai tin rằng vì chưa kiếm được tiền mà trì hoãn lâu như vậy, vì người ta tin "trời sinh voi sinh cỏ". Chồng tôi lại là con trai duy nhất trong gia đình 5 anh chị em nên bố mẹ càng mong ngóng có cháu đích tôn để tiếp nối hương hỏa.  

Hễ tôi về quê là tôi hết nghe bố mẹ hai bên giáo huấn đến họ hàng, hàng xóm móc máy kiểu: "Đẻ lấy một đứa đi em, đàn bà không có con là vô phước, chồng nó bỏ đấy"; "Các cô chú ở thành phố suy nghĩ hiện đại nhỉ, cần tiền không cần con"...

Cưới 5 năm chưa dám đẻ vì nghèo, tôi muốn đi trữ trứng nhưng phí quá đắt-1
Cưới 5 năm chưa dám đẻ vì nghèo, tôi muốn đi trữ trứng nhưng phí quá đắt. (Ảnh minh họa AI)

Thật ra vợ chồng tôi cũng mong có con lắm, nhưng với tình hình hiện tại thì không ổn. Hai đứa bàn nhau khoảng 3 năm nữa mới sinh, nhưng sợ lúc đó nhiều tuổi, khó có con nên đã nghĩ đến việc trữ trứng, công nghệ giúp phụ nữ kéo dài thời gian trì hoãn sinh con cho đến khi sẵn sàng về tài chính và tinh thần mà vẫn duy trì được khả năng làm mẹ. Tuy nhiên, sự hăm hở của tôi cũng nguội đi khi đối mặt với chi phí.

Quy trình trữ trứng bao gồm nhiều bước: Thăm khám, xét nghiệm, tiêm hormone kích trứng, lấy trứng và bảo quản. Theo thông tin tôi tìm hiểu, tổng chi phí cho mỗi lần trữ trứng khoảng 60-90 triệu đồng.

Sau đó, khách hàng còn phải trả phí duy trì hàng năm, năm đầu thường khoảng 20 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi, chi phí bảo quản duy trì thường ở mức 8 - 9 triệu đồng.

Dù biết rằng việc trữ trứng không phải là quyết định dễ dàng về mặt tài chính, nhưng tôi vẫn không ngừng nghĩ về nó. Mong muốn trở thành mẹ của tôi rất lớn, dịch vụ này mang đến cho tôi hy vọng giữ lại cơ hội sinh con trong tương lai.

Tuy nhiên, mỗi lần tính toán lại con số, tôi lại thấy nó là gánh nặng khó mang trong hoàn cảnh hiện tại. 

Chúng tôi phải đối mặt với hiện thực rằng nếu không thể cải thiện tình hình tài chính, tôi có nguy cơ mất đi cơ hội làm mẹ vì tuổi tác. Nỗi lo lắng này luôn ám ảnh tôi mỗi đêm khiến tôi thường xuyên mất ngủ.

Ý tưởng đông lạnh trứng của vợ chồng tôi cũng bị bố mẹ hai bên phản đối gay gắt. Họ giục sinh luôn, thời ông bà còn khó khăn hơn nhiều mà vẫn nuôi được dăm đứa con, cứ đẻ đi, nghèo nuôi kiểu nghèo...

Nhưng quan điểm của vợ chồng tôi lại khác. Chúng tôi luôn muốn con được sinh ra trong điều kiện ổn định, được chăm sóc, dạy dỗ trong môi trường tốt chứ không phải chui rúc trong căn phòng trọ 15m2, chỗ tập đi cũng không có.

Bạn thân của tôi đã  hối hận vì sinh con khi chưa sẵn sàng về tài chính, tháng nào bị chậm lương là phải vay tiền tôi để mua sữa, bỉm cho con. Mỗi lần đến thăm, nhìn cảnh bạn nuôi con trong thiếu thốn trăm bề, tôi lại thấy tội nghiệp cho đứa trẻ, tự nhủ mình sẽ chưa làm mẹ chừng nào chưa đủ khả năng cho con một cuộc sống tốt.

Nhưng nếu chờ nữa thì cơ hội làm mẹ có khi cũng mất. Tôi nên làm gì mới phải?

Theo VTC News