Tuy nhiên, việc một số người tranh nhau cướp đồ cúng cô hồn ngay sau khi buổi lễ vừa kết thúc tại một ngôi chùa

Quan điểm của người dân khi cố gắng tranh cướp đồ cúng chúng sinh là để cầu may mắn an lành là một quan điểm sai lầm. Ảnh minh họa: T.L

Giành đồ cúng cô hồn để cầu may?

Những ngày gần đây, đoạn clip ghi lại cảnh nhiều người dân tham dự buổi lễ Rằm tháng Bảy tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) chen lấn, xô đẩy nhau để tranh giành đồ cúng cô hồn gây cảnh tượng hỗn loạn được chia sẻ nhanh chóng trên các trang mạng gây nhiều tranh cãi.

Nhiều người cho rằng, việc giành giật đồ cúng cô hồn như vậy gây phản cảm nhưng cũng có nhiều người đồng tình ủng hộ cho đó là việc bình thường và nếu ăn được những đồ cúng đó sẽ mang đến sự bình an, may mắn.

Tại TP HCM, nơi rất coi trọng lễ cúng cô hồn nên mâm cúng thường có nhiều tiền, vật dụng giá trị. Lợi dụng tín ngưỡng của người dân, nhóm “cô hồn sống” đã tụ tập về đây để đi giật đồ cúng rất bài bản rồi đem đi bán. Các nhóm “cô hồn sống” đã dùng xe gắn máy quần thảo tại các tuyến đường mà hàng năm người dân cúng lớn sau đó gọi điện thoại cho nhau để cùng nhau giật. Khi gia chủ vừa bày biện lễ vật, các nhóm chia nhau nhắm vào những “vật phẩm” có giá trị rồi giành giật nhau gây náo loạn đường phố.

Những món cúng cướp được như gà, vịt, lợn quay… sẽ được các đối tượng bán lại cho các quầy bánh mì, quán ăn. Còn những đồ vật có giá trị cướp được cùng với mâm cúng như mâm, lư đồng được họ bán cho các tiệm lư đồng, tạp hóa. Hôm nào có mâm cỗ đầy, bọn chúng có thể kiếm được bạc triệu. Ngay cả tiền rải trong lễ cúng chỉ là tiền lẻ, đồ cúng trong mâm chỉ là ít trái cây, kẹo bánh nhưng họ vẫn quyết liệt cố lấy, cố giật cho bằng được. Để đựng được nhiều, có người còn cầm bịch nilon to.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) cho hay, cúng cô hồn vào ngày Rằm 15/7 là một phong tục tốt. Đấy là phong tục mang tính nhân văn, nhân bản. Cô hồn được xem là những hồn ma không nơi nương tựa, đói khổ, bị đày đọa. Bản thân những cô hồn này lúc được thả lên trần gian thì lang thang ngoài đường, tại các ngõ ngách tối, hay tập trung tại các nơi đền chùa để xin ăn. Cúng cô hồn mang ý nghĩa tâm linh, từ bi hỉ xả nhằm mục đích bố thí, cúng dường cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.

Đồ lễ cúng cô hồn đơn giản cũng chỉ có bỏng, cháo, đồ chay… nhưng ngày nay khi gia chủ cúng lớn lại cúng tiền thật đã kích động lòng tham của người khác, đi ngược tinh thần tốt đẹp của việc cúng cô hồn. Tín ngưỡng khi không được thể hiện đúng cách thì sẽ trở thành mê tín dị đoan và tạo điều kiện cho những hành vi xấu xuất hiện. Điển hình là thả tiền thật trong ngày cúng cô hồn để lôi kéo đám đông tạo ra việc giành giật, gây mất trật tự và mất vệ sinh đường phố. Hành động này sẽ không để lại ấn tượng đẹp trong mắt mọi người xung quanh.

“Hành động hàng trăm người lao vào cướp giật lễ vật cúng cô hồn đều phản văn hóa, không có gì giống với phong tục truyền thống. Hiện tượng cướp đồ cúng lễ cho thấy không được giáo dục về văn hóa tâm linh, phản ánh sự tha hóa và người ta cũng chẳng hiểu cúng cô hồn là cái gì cả. Việc người dân chen lấn, xô đẩy nhau để hôi đồ lễ chúng sinh nơi cửa chùa sẽ khiến cho nhà chùa mất đi sự tôn nghiêm vốn có. Hành vi này khi không điều chỉnh sẽ thành thói quen nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội”, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.

Cô hồn không có lộc cho người dương thế

Chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho rằng, việc cướp đồ cúng cô hồn là tốt, xấu tùy theo cách hiểu của từng người. Tuy nhiên, tranh cướp đồ lễ cúng cô hồn xuất phát từ việc bản thân họ không hiểu về tâm linh, mê muội nên mới đi cướp đồ lễ này làm mất đi vẻ thanh tịnh nơi chốn tu hành. Đi lễ chùa là cầu mong được bình an, nếu có cúng đồ lễ cũng nên phân phát cho người khó khăn để làm phúc chứ không phải đi lễ mà như đi cướp, những người như vậy sẽ không bao giờ được lộc cả.

Những người dương trần không khác gì những “cô hồn ngạ quỷ”. Bản thân những người đi cướp đồ lễ cúng cô hồn đã tự hạ thấp chính bản thân mình, đơn giản là các cô hồn làm gì có lộc để mà cho người dương thế, mà ngược lại người trần đang ban phát lộc cho những cô hồn này.

Trả lời về việc quan điểm của người dân khi cố gắng tranh giành đồ lễ cúng chúng sinh Rằm tháng Bảy là để cầu may mắn an lành có phải là một quan điểm sai lầm hay không, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, đây là một quan niệm sai lầm. Điều đó là mê tín vô cùng. Đến cửa chùa là cầu an lành, thanh thản trong lòng mình nhưng đa số người dân hiện đến chùa để cầu mua may bán đắt, cầu danh vọng, địa vịa... là việc không hay.

Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang, dân gian quan niệm những đồ lễ đã cúng cô hồn sau khi bị các cô hồn ăn qua sẽ nhiễm khí âm bám vào. Nếu chúng ta mang đồ lễ đó về dùng thì không khác gì mang theo điều xui xẻo cho bản thân và cả gia đình.

Thông thường, những đồ lễ đã cúng cô hồn đều rắc rải hết ra đường chứ không mang lại “lộc” đó vào nhà, đơn giản bởi vì cô hồn làm gì có lộc mà các gia chủ xin nhận về cho mình.

Như vậy, theo quan niệm dân gian đồ lễ cúng cô hồn trước là dành cho những hồn ma lang thang, sau là dành cho những người nghèo đói ở dương thế. Nếu gia đình nào càng phát tâm được nhiều, tháng cúng cô hồn sẽ là dịp để làm phúc cho những người tha cơ lỡ vận. Mọi người cũng cần biết “của cho không bằng cách cho”. Sẽ là rất đẹp khi gia đình cúng thí thực xong, phát quà từ thiện cho người nghèo, người cho người nhận đều tuần tự nhẹ nhàng, tận tay trao cho nhau thân tình.

“Mọi người không nên đổ lỗi cho tập quán cúng cô hồn hay cúng thí thực. Hiện tượng cướp giật đồ cúng cô hồn thực chất bắt nguồn từ một tâm lý đang xuất hiện trong xã hội, tâm lý khát tiền, khát làm giàu nhanh chóng. Từ chỗ ngưỡng mộ cái giàu đến chỗ tham lam vô lối, mê tín vô cùng đến mức hạ thấp phẩm giá. Để tránh xảy ra hình ảnh cướp giật đồ lễ, cần phải giáo dục về văn hóa tâm linh, nâng cao đời sống của người dân”.

PGS.TS Lê Quý Đức


Theo GD&XH