Dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào 3/1/2024, phiên tòa kéo dài 20 ngày do ông Trần Nam Hà làm Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa.
Theo kết luận của Cơ quan điều tra, với mục đích để được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, cán bộ, lãnh đạo tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế... để được sản xuất thương mại kit test.
Giá mà Việt Á đưa ra là 470.000/test, được Bộ Y tế hiệp thương giá dù không có căn cứ. Theo Bộ Công an, số test xét nghiệm mà Việt Á đã sản xuất trong năm 2020 và 2021 là hơn 8,7 triệu test.
Căn cứ kết quả thực nghiệm, kết quả điều tra tại Bộ Y tế và hồ sơ, tài liệu, hóa đơn... của Việt Á trong việc sản xuất test..., Bộ Công an xác định giá thành sản xuất một test xét nghiệm của Việt Á khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 143.461 đồng.
Trong đó, chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp là hơn 41.000 đồng; chi phí nhân công là hơn 32.000 đồng; chi phí sản xuất chung gần 28.000 đồng, chi phí bán hàng hơn 16.000 đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 8.000 đồng; chi phí này đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu test và được thanh toán gần 6 triệu test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng).
Trong vụ án, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Ngọc Minh).
Kết quả điều tra xác định Phan Quốc Việt với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng.
Theo lời khai của Việt, số tiền chi hoa hồng cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng.
Trong số 38 bị can của vụ án, có 3 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng gồm: ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ), ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế).
Theo đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận 2,5 triệu USD trong vụ này.
Khi đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Long đã ký công văn đề xuất không hiệp thương giá mà đề nghị Bộ Tài chính thực hiện hiệp thương với sinh phẩm chẩn đoán Covid-19 theo nguyên tắc: Giá sản xuất cộng Thuế và cộng lãi. Bộ Y tế còn đề xuất mua 200.000 kit test của Công ty Việt Á với giá 470.000 đồng/test.
Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định. Do vậy Việt Á đã tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, thu lời bất chính.
Quá trình này, Phan Quốc Việt nhiều lần đưa tiền cho ông Long.
Tổng cộng, bị can Việt đã 4 lần hối lộ Nguyễn Thanh Long, tổng số 2,25 triệu USD (tương đương 51,1 tỷ đồng).
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và các thuộc cấp bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ theo khoản 4, Điều 354 BLHS.
Theo Dân Trí