Sáng 13/2, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của đơn vị vừa phẫu thuật thành công một trường hợp hy hữu là chân chống xe gắn máy đâm dính vào vùng mông bệnh nhân.
Chiều tối 30 Tết (11/2), khoa cấp cứu tiếp nhận chị N.T.Y.N. (20 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Người thân cho biết trước đó 3 giờ, N. bị tai nạn giao thông và thanh sắt là chân chống xe máy to hơn ngón chân cái đâm vào mông.
Nhiều người ở hiện trường đã dùng cưa sắt cắt thanh kim loại ra khỏi xe máy. Chị N. nhập viện mang theo dị vật trên người.
Chị N. mang chân chống xe vào bệnh viện. Ảnh: T.P.
Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định thanh sắt đã đâm sâu từ vùng mông bên phải vào sát phần hậu môn của bệnh nhân. Do dị vật bám nhiều đất, cát…, kíp phẫu thuật đã mở rộng vết thương, cắt lọc lấy sạch đất, cát và bơm rửa rất nhiều nước mới khâu lại vết thương rồi đặt dẫn lưu.
Đến trưa Mùng 2 Tết, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, vết mổ khô, đau ít, chi cử động bình thường. Bác sĩ dự kiến cho chị N. ra viện ngày 15/2.
Bác sĩ Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết mối nguy cơ lớn nhất của vết thương phần mềm là nguy cơ nhiễm trùng và viêm dò về sau nếu xử trí ban đầu không hợp lý. Điều trị tốt vết thương phần mềm là nền tảng cơ bản để điều trị các vết thương đặc hiệu như gãy xương hở và vết thương thấu khớp.
Trong trường hợp này, cơ sở y tế tuyến đầu không được rút dị vật, chỉ nên quấn gạc/vải sạch quanh dị vật và băng cố định. Sau khi kiểm tra lưu thông máu sau khi băng, tuyến đầu cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế tuyến trên để xử lý phù hợp.
Theo Zing